Tin tức - Sự kiện

Quản lý sự thay đổi hoạt động dịch vụ thông tin - thư viện tại các thư viện trường đại học công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - NCS. Bùi Thu Hằng

  • 08/10/2024
  • Tên đề tài: Quản lý sự thay đổi hoạt động dịch vụ thông tin - thư viện tại các thư viện trường đại học công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
    Ngành: Quản lý giáo dục
    Mã ngành: 9140114
    Cán bộ hướng dẫn: PGS. TSKH. Bùi Loan Thuỳ; TS. Nguyễn Thị Hảo
    Nghiên cứu sinh: Bùi Thu Hằng
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
    1. Tóm tắt
    Dịch vụ thông tin – thư viện (DV TTTV) là cầu nối, hỗ trợ đắc lực trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tư liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học cho người sử dụng (NSD) trong trường đại học. Trước bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của thư viện trường đại học (sau đây gọi tắt là TVĐH) trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc quản trị, tổ chức và cung cấp các nguồn tin, đòi hỏi cán bộ quản lý thư viện (CBQL TV) cần có cách tiếp cận quản lý sự thay đổi (QLSTĐ) hoạt động DV TTTV khoa học và phù hợp với giai đoạn mới; nhất là cập nhật, điều chỉnh kế hoạch và vận hành quy trình QLSTĐ hoạt động này một cách nhanh chóng và hiệu quả.
    Trên thực tế ở các TVĐH Việt Nam nói chung và TVĐH công lập ở TP.HCM nói riêng, quá trình thay đổi hoạt động DV TTTV cũng đang diễn ra để thích ứng với xu hướng phát triển của kinh tế tri thức, kinh tế thị trường, KH&CN, cuộc cách mạng 4.0 và sự thay đổi nhu cầu thông tin của NSD. Tuy nhiên, sự thay đổi hoạt động dịch vụ tại các TVĐH vẫn chưa chủ động và còn mang tính tự phát trong việc xây dựng kế hoạch thay đổi hoạt động này. Chính vì vậy, để QLSTĐ hoạt động DV TTTV tại các TVĐH công lập thành công hơn, hiệu quả hơn, CBQL TV cần phải nghiên cứu, học hỏi một số mô hình QLSTĐ trong tổ chức nói chung và các mô hình QLSTĐ hoạt động DV TTTV nói riêng để lựa chọn, điều chỉnh thành mô hình phù hợp trong TVĐH.
    Luận án sử dụng phương pháp thiết kế hỗn hợp, bao gồm phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính, thiết kế tuần tự giải thích để nghiên cứu thực trạng thực trạng QLSTĐ hoạt động DV TTTV tại TVĐH công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hiện nay. Luận án đã khảo sát 1.012 người, phỏng vấn 72 người là lãnh đạo nhà trường, CBQL TV, nhân viên thư viện và NSD thư viện (gồm cán bộ - giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên) tại 7 TVĐH công lập trên địa bàn TP.HCM để thu thập số liệu và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến QLSTĐ hoạt động DV TTTV.
    Dựa trên kết quả nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn QLSTĐ hoạt động DV TTTV tại các TVĐH công lập trên địa bàn TP.HCM, luận án đề xuất 2 nhóm biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả QLSTĐ hoạt động này. Các biện pháp được đánh giá về tính cấp thiết, tính khả thi và một số biện pháp được thực nghiệm thực tế để khẳng định hiệu quả.
    2. Kết quả
    Về mặt lý luận:
    Luận án đã hệ thống hoá và góp phần làm sáng tỏ các khái niệm công cụ như hoạt động DV TTTV, sự thay đổi hoạt động DV TTTV, QLSTĐ. Từ đó đưa ra khái niệm QLSTĐ hoạt động DV TTTV trong TVĐH. Luận án tiếp cận QLSTĐ theo quá trình kết hợp với 4 chức năng QL để tạo thành quy trình QLSTĐ hoạt động DV TTTV với 11 bước thực hiện một cách rõ ràng, dễ hiểu và khoa học để có thể áp dụng tại các TVĐH công lập ở TP.HCM. Mặt khác, luận án còn làm rõ 4 nhóm yếu tố bên trong ảnh hưởng đến QLSTĐ hoạt động DV TTTV tại các TVĐH.
    Về mặt thực tiễn:
    Luận án đã mô tả chân thực và phân tích, đánh giá một cách khách quan về thực trạng sự thay đổi hoạt động DV TTTV, cũng như thực trạng QLSTĐ hoạt động này trong TVĐH công lập trên địa bàn TP.HCM trong 5 năm học gần đây. Từ đó, chỉ ra những hạn chế trong QLSTĐ hoạt động DV TTTV tại các TVĐH công lập trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể:
    (1) Nghiên cứu thực trạng sự thay đổi hoạt động DV TTTV
     - Phần lớn các CBQL TV và đội ngũ NVTV đang làm việc tại các TVĐH công lập đều có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và nguyên nhân của sự thay đổi hoạt động DV TTTV. Do phụ thuộc nhiều yếu tố chủ quan và khách quan từ phía trường đại học, mức độ hiểu biết về sự cần thiết phải thay đổi hoạt động DV TTTV của nhóm nhân viên thư viện vẫn còn hạn chế so với nhóm CBQL TV;
    - Mức độ thực hiện các nội dung thay đổi trong hoạt động DV TTTV tại 7 TVĐH công lập được khảo sát diễn ra ở mức độ “thường xuyên”. Tuy nhiên, các nội dung thực hiện sự thay đổi trong hoạt động DV TTTV tại các thư viện này chủ yếu ở mức độ “cải tiến”.
    (2) Nghiên cứu thực trạng quản lý sự thay đổi hoạt động DV TTTV
    - QLSTĐ hoạt động DV TTTV là một hoạt động quản lý khá mới mẻ đối với các CBQL TV tại các TVĐH công lập trên địa bàn TP.HCM nói riêng và các nhà quản lý TVĐH ở Việt Nam nói chung. Các TVĐH công lập được khảo sát đều cố gắng thực hiện nhiều sự thay đổi trong hoạt động DV TTTV và có sự nhận thức khá cao về tầm quan trọng của QLSTĐ hoạt động này;
    - Các nội dung QLTSĐ hoạt động DV TTTV đã được CBQL TV quan tâm ở mức khá chủ động và thực hiện tương đối đầy đủ các nội dung công việc trong quy trình các bước. Trong đó mức độ thực hiện “tốt” nhất, đó là việc trao quyền cho cấp phó và các bộ phận, nhân viên thực hiện các hoạt động chuyên môn trong quá trình thay đổi hoạt động DV;
    - Phần lớn các nội dung thực hiện QLSTĐ trong hoạt động DV TTTV được CBQL TV thực hiện ở mức độ “khá”(8/11 bước thực hiện ở mức “khá”) và vẫn còn 1 bước thực hiện ở mức “trung bình”, đó là bước “Phân tích thực trạng thay đổi và nhận diện nhu cầu thay đổi hoạt động DV TTTV”;
    - Công tác kiểm tra, đánh giá và củng cố, duy trì, phát triển kết quả thực hiện sự thay đổi hoạt động DV của CBQL TV chưa mang lại hiệu quả cao. Rất ít các TVĐH công lập có tiến hành các khảo sát riêng cho hoạt động DV TTTV, để có cơ sơ thực hiện đánh giá và lập kế hoạch cải tiến, đổi mới hoạt động này một cách thường xuyên theo định kỳ. Điều này dẫn đến việc CBQL TV sẽ gặp khó khăn trong việc củng cố, duy trì và phát triển kết quả thực hiện sự thay đổi hoạt động DV TTTV tại TVĐH công lập ở địa bàn TP.HCM;
    - Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm yếu tố thuộc năng lực QLSTĐ của CBQL TVĐH là yếu tố ảnh hưởng cao nhất, tiếp đến là nhóm yếu tố thuộc năng lực của đội ngũ nhân viên thực hiện TTTV có mức độ ảnh hưởng xếp thứ 2 trong 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến QLSTĐ hoạt động DV TTTV trong TVĐH công lập tại TP.HCM. Qua đó có thể nhận định yếu tố con người đóng vai trò quyết định và có tác động ảnh hưởng nhiều hơn so với các nhóm yếu tố khác;
    - Trên cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, đồng thời dựa trên các nguyên tắc QLSTĐ, luận án đề xuất 2 nhóm biện pháp quản lý: “Đổi mới quy trình QLSTĐ hoạt động DV TTTV” và “Chú trọng tác động các yếu tố ảnh hưởng nhằm nâng cao hiệu quả QLSTĐ hoạt động DV TTTV”, với 12 biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả QLSTĐ hoạt động DV TTTV tại các TVĐH công lập. Các biện pháp được khảo nghiệm với nhận định ở mức “rất cần thiết” và “khả thi” trở lên. Luận án thực nghiệm 2 biện pháp có liên quan và hỗ trợ nhau trong quá trình tác động lên một nhóm thực nghiệm duy nhất, để khẳng định tính khả thi của 2 biện pháp tác động này trong quá trình QLSTĐ hoạt động DV TTTV tại các TVĐH công lập ở TP.HCM.
    3. Khả năng áp dụng và các vấn đề cần nghiên cứu thêm
    - Luận án tiếp cận QLSTĐ theo quá trình kết hợp với 4 chức năng QL để tạo thành quy trình QLSTĐ hoạt động DV TTTV với 11 bước thực hiện một cách rõ ràng, dễ hiểu và khoa học tại các TVĐH công lập ở TP.HCM. Đây cũng là cơ sở khoa học để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của QLSTĐ hoạt động này đối với lãnh đạo, quản lý các cấp, thúc đẩy họ quan tâm, đẩy mạnh đầu tư các nguồn lực hỗ trợ sự thay đổi hoạt động DV TTTV của các TVĐH công lập tại TP.HCM trong giai đoạn đổi mới GDĐH hiện nay.
    Bên cạnh đó, mô hình nghiên cứu về QLSTĐ hoạt động DV TTTV được đề xuất trong luận án có thể được vận dụng để tiến hành nghiên cứu tại các TVĐH công lập ở Việt Nam. Từ đó có sự đánh giá tổng quát thực trạng sự thay đổi hoạt động DV TTTV và QLSTĐ hoạt động này trong TVĐH công lập ở phạm vi rộng hơn.
    Các CBQL TVtại các trường ĐH công lập ở Việt Nam có thể tham khảo kết quả nghiên cứu để định hướng QLSTĐ hoạt động DV TTTV, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cho mọi đối tượng NSD. Luận án cũng đóng góp nguồn tư liệu, dữ liệu thứ cấp cho nghiên cứu và giảng dạy ngành quản lý giáo dục và ngành Khoa học thư viện.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên