Sinh viên ĐHQG-HCM

Thủ khoa tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa: Mạnh dạn bước ra vùng an toàn để sẵn sàng trải nghiệm điều mới

  • 04/10/2024
  • Nuôi dưỡng ước mơ lập trình từ những năm THPT, Đinh Quốc Thịnh - tân sinh viên với thành tích 1.080 điểm theo phương thức Đánh giá năng lực (ĐGNL) 2024, đã lựa chọn ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa làm nơi tiếp bước hành trình tri thức. Nam thủ khoa hy vọng bản thân có thể trải nghiệm những điều lý thú tại một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu.

    Đinh Quốc Thịnh đã lựa chọn chuyên ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐH Bách khoa làm nơi gửi gắm ước mơ lập trình của mình. Ảnh: NVCC

    Đối mặt với tâm lý ‘học mãi chưa đủ’

    Quốc Thịnh chia sẻ, bản thân biết đến kỳ thi ĐGNL thông qua giáo viên bộ môn Hóa học vào năm lớp 11. Giai đoạn này, những sự tìm hiểu ban đầu và ước mơ đặt chân vào Trường ĐH Bách khoa đã được nuôi dưỡng, thúc đẩy Thịnh đến với kỳ thi ĐGNL như một cơ hội tiềm năng chạm đến ước mơ.

    “Mình đến với kỳ thi ĐGNL như tìm thêm cơ hội để có thể chạm đến ước mơ vào Trường ĐH Bách khoa bên cạnh phương thức thi THPT. Qua tìm hiểu, mình biết đây là kỳ thi mở rộng kiến thức trên nhiều lĩnh vực, đó cũng là dịp để mình ôn tập kiến thức cũ, tìm hiểu những điều mới và nhất là khắc phục các lĩnh vực bản thân còn chưa chắc chăn” - Quốc Thịnh nói.

    Thời gian đầu, Quốc Thịnh chưa có kế hoạch ôn tập cụ thể. Theo đó, chàng sinh viên vẫn miệt mài giải đề, khắc phục những điểm thiếu sót bằng cách tìm hiểu những kiến thức cần thiết. Sau một thời gian, Thịnh bắt đầu lập danh sách những việc cần thực hiện để học tập hiệu quả. Trong danh sách, bạn liệt kê những chủ đề kiến thức quan trọng thiết yếu và phân bổ vào các ngày trong tuần để học tập. Bên cạnh đó, thời gian học và giờ giải lao cũng được Thịnh cân nhắc để tránh rơi vào tình trạng chán nản, mất động lực.

    “Mỗi buổi học, mình thường chia nhỏ các đầu việc, các phần và hoàn thành từng nội dung một để không bị quá tải và củng cố kiến thức nền vững vàng hơn. Sau mỗi buổi, mình dành ra khoảng 10-15 phút để nhớ lại những gì đã học. Mình cũng áp dụng phương pháp học 25 phút, nghỉ 5 phút và mở các video tự học trên YouTube để tiếp thêm động lực” - Quốc Thịnh nhớ lại.

    Trong quá trình ôn thi ĐGNL, Quốc Thịnh cho rằng vấn đề tâm lý là điều nhọc nhằn nhất vì phạm vi chủ đề rộng, đòi hỏi phải tiếp thu lượng lớn kiến thức và gây áp lực nặng nề. Theo Thịnh, mỗi đề được giải quyết, bản thân học thêm được nhiều điều nhưng luôn tự thấy chưa đủ, dẫn đến tình trạng thiếu tự tin. Điều này khiến Thịnh luôn cố nhồi nhét kiến thức với tâm trạng căng thẳng khiến cho kết quả đợt thi đầu tiên không được như mong đợi.

    Quốc Thịnh nhớ lại: “Lượng kiến thức lớn làm mình cảm thấy luôn phải gắng học thêm, áp lực căng thẳng cũng từ đó phát sinh nhiều hơn. Càng nhồi nhét nhiều với tâm trạng căng thẳng dẫn đến hiệu quả không cao. Sau lần thi thứ nhất, mình tìm hiểu nhiều hơn về sơ đồ tư duy, hệ thống hóa kiến thức và được các thầy cô hướng dẫn loại trừ đáp án, suy luận từ dữ kiện đề bài. Qua sự giúp đỡ từ trường lớp và phấn đấu bản thân, mình thi đợt hai với tâm thế thoải mái, không còn ám ảnh chuyện phải nhớ tất cả mọi thứ”.

    Tin tưởng gửi gắm ước mơ tại ngôi trường đại học mơ ước

    Với thành tích 1.080 điểm, Quốc Thịnh đã lựa chọn chuyên ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐH Bách khoa làm nơi gửi gắm ước mơ lập trình của mình. Thịnh bày tỏ, bản thân tin tưởng ngôi trường này với truyền thống lâu đời, nổi tiếng về chất lượng giảng dạy sẽ mang lại cho mình trải nghiệm lý thú trên hành trình tri thức. Nhiều người quen của Thịnh cũng bước ra từ cánh cổng Trường ĐH Bách khoa và thành công trên con đường của họ.

    “Mình yêu thích việc lập trình, giải quyết các vấn đề theo nhiều hướng khác nhau và nhìn thấy thành quả chạy trên màn hình máy tính. Từ những năm cấp ba, mình định hướng học về trí tuệ nhân tạo, vì nó đang là xu thế thay đổi thế giới và cuộc sống với tốc độ nhanh chóng. Mình tin tưởng Trường ĐH Bách khoa chính là nơi lý tưởng để theo đuổi và hiện thực hóa niềm đam mê” - nam thủ khoa bày tỏ.

    Đứng trước việc tự lập trong môi trường học tập, sinh hoạt mới, Quốc Thịnh cho rằng khó khăn lớn nhất là sự lo lắng khi phải thực hiện mọi thứ gần như một mình. Tuy nhiên, nhớ về những hình mẫu lý tưởng, đặc biệt là nhân vật Huyền Chip - người nổi tiếng với câu chuyện “Xách ba lô lên và đi”, Quốc Thịnh luôn lấy đó làm động lực để trải nghiệm với mong muốn kiến tạo cuộc sống muôn màu sắc.

    “Mình mong rằng bản thân trong các năm học kế tiếp có thể mạnh dạn hơn, bước ra khỏi vùng an toàn và sẵn sàng trải nghiệm điều mới, đặc biệt là tự tin khi trình bày quan điểm cá nhân. Mình hoàn toàn tin tưởng môi trường giáo dục, sinh hoạt tại Trường ĐH Bách khoa, sẽ mang lại những ý nghĩa đặc biệt đối với từng cá nhân khi đã trở thành thành viên của mái nhà chung này” - Quốc Thịnh cười nói.

    Trong năm học mới, Quốc Thịnh đặt ra cho bản thân hai tiêu chí “học hết sức” và “chơi hết mình” với hy vọng có thể trải nghiệm đời sống sinh viên thú vị. Hiện, Thịnh đã đăng ký tham gia vào một số câu lạc bộ trong trường, bắt đầu làm quen với môi trường học tập, sinh hoạt mới và những người bạn mới.

    “Mình nghĩ bản thân đã rất may mắn khi có gia đình, thầy cô, bạn bè luôn cổ vũ, động viên và ủng hộ những lựa chọn của mình. Họ đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để mình có thể tiến bước và chạm đến ước mơ học tập tại Trường ĐH Bách khoa. Mình luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa, không chỉ để có những trải nghiệm quý giá trên hành trình học tập, rèn luyện mà còn như một sự trân trọng đối với những người thân thương đã luôn gắn bó, sẻ chia trong suốt hành trình cuộc đời” - Quốc Thịnh chia sẻ.

    Ngoài thần tượng Huyền Chip, Quốc Thịnh còn hướng đến một hình mẫu khác là Harry Newmann Plotnick - người được bầu là sinh viên thú vị nhất ĐH Harvard. Thịnh mong rằng bản thân cũng sẽ có quãng đường sinh viên lý thú với các trải nghiệm học tập, sinh hoạt tại Trường ĐH Bách khoa.

    KHẮC HIẾU

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên