Sinh viên ĐHQG-HCM

20 năm Xuân Tình nguyện

  • 22/03/2024
  • Năm 2024, đánh dấu cột mốc 20 năm Chiến dịch Xuân Tình nguyện được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM (ĐH KHXH&NV) khởi xướng nhằm lan tỏa yêu thương đến người nghèo, gia đình khó khăn nhân dịp Tết đến xuân về.

    Từ 57 chiến sĩ đầu tiên vào năm 2005, chỉ vài năm sau, chiến dịch mang đậm dấu ấn nhân văn này đã được nhân rộng trên phạm vi toàn Thành phố, trở thành điểm hẹn của hàng ngàn sinh viên mong muốn “góp sức trẻ cho đời”.

    Lễ hội quân Chiến dịch Xuân Tình nguyện 2005 Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: Đoàn - Hội KHXH&NV.

    Những cánh én đầu tiên  

    Hoạt động Xuân Tình nguyện diễn ra trong mùa Tết. Nhiều sinh viên không có điều kiện về quê và cũng không muốn giam mình trong bốn bức tường nhà trọ vào những ngày cuối năm, vừa buồn, vừa chi tiêu tốn kém nên các bạn sẵn sàng làm thêm mọi công việc với mức lương khá thấp.

    “Hiểu được tâm tư đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng: Nếu sinh viên đi làm thêm ngày Tết không phải vì thu nhập, tại sao không tổ chức những hoạt động ý nghĩa hơn cho các bạn tham gia? Ngay lập tức, chúng tôi lên kế hoạch, tập hợp nhân sự, khởi động chiến dịch Xuân Tình nguyện”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Chỉ huy trưởng chiến dịch Xuân tình nguyện năm 2005, cho biết.

    Năm đầu tiên, các sinh viên đã đến thăm hỏi, tặng quà cho viện dưỡng lão, nhà tình thương; dọn vệ sinh, trang hoàng nhà cửa cho người neo đơn và đặc biệt là thu gom lịch cũ, làm sách in chữ nổi tặng các em học sinh khiếm thị…

    Đến năm 2006, hoạt động Xuân Tình nguyện tăng quy mô lên gấp 5 lần với 300 chiến sĩ đến từ 6 trường đại học, gồm KHXH&NV, Luật TP.HCM, Giao thông Vận tải, Văn Hiến, Mỹ Thuật và  Kỹ thuật - Công nghệ TP.HCM (nay là Trường ĐH Công nghệ TP.HCM).

    Cũng trong năm này, mô hình Chiến dịch Xuân Tình nguyện của Trường ĐH KHXH&NV vinh dự nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn do Thành Đoàn TP.HCM trao tặng.

    Ghi nhận sự lớn mạnh và ý nghĩa thiết thực của hoạt động Xuân Tình nguyện, năm 2009, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM quyết định nậng hoạt động này thành “chiến dịch”  cấp Thành phố. Giờ đây, chiến dịch đã lan rộng và được tổ chức hiệu quả hơn tại nhiều “mặt trận” trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

    “Chặng đường 20 năm qua rất đáng tự hào đối với Đoàn viên, Hội viên và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV. Chúng tôi trân trọng và cảm ơn chiến sĩ các thời kỳ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để làm nên những mùa xuân ý nghĩa, ấm áp của Chiến dịch Xuân tình nguyện”, TS Lê Thị Ngọc Điệp - Bí thư Đảng ủy Trường ĐH KHXH&NV, chia sẻ.

    Lễ tiễn quân Chiến dịch Xuân Tình nguyện 2024 Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: Đoàn - Hội KHXH&NV.

    Sáng tạo và đổi mới 

    Từ năm 2009 đến nay, chiến dịch Xuân Tình nguyện được triển khai không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây nguyên, Duyên hải miền Trung, thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia. 

    Chị Nguyễn Thị Uyên - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH KHXH&NV, Chỉ huy trưởng chiến dịch Xuân Tình nguyện 2024, cho hay: “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi được đồng hành cùng các bạn để có thể góp sức nhỏ của mình, mang lại không khí Tết ấm áp đến với bà con ở nhiều vùng miền khác nhau. Tôi nghĩ đây là một môi trường thú vị, hữu ích, có thể giúp các bạn sinh viên rèn luyện, phát triển bản thân trong thời gian học đại học”.

    Từ một chiến dịch bao quát, Xuân Tình nguyện đã có thêm nhiều chương trình, hành động cụ thể, thiết thực như: Nghìn bánh chưng xanh, Tết bạn bè, Xuân sẻ chia, Xuân yêu thương, Xuân chiến sĩ, Tết trẻ thơ, Tổ ấm ngày xuân, Niềm vui ngày cuối năm, Đêm xuân tình nguyện...

    “Mỗi chương trình chỉ là những hoạt động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa tinh thần rất lớn. Và tất cả chiến sĩ chúng em đều rất vui vì đã đóng góp được chút gì đó vào cái Tết ấm áp của bà con”, Trần Kiều Thanh Thanh - Đội trưởng đội hình Xuân Tình nguyện Khoa Văn hóa học năm 2024, chia sẻ.

    Biểu đồ Số lượng chiến sĩ Xuân Tình nguyện qua các năm của Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: Đoàn - Hội KHXH&NV.

    Năm 2024, chiến dịch Xuân Tình nguyện của Trường ĐH KHXH&NV thu hút hơn 1.300 chiến sĩ tình nguyện tham gia, chia làm 29 đội hình, hoạt động tại 13 tỉnh thành và vận động được 1 tỷ 492 triệu đồng. 

    Tuy nhiên, xã hội ngày càng thay đổi, chiến dịch Xuân Tình nguyện cũng cần sự linh hoạt trong cách tổ chức hoạt động. “Bản thân tôi và các bạn sinh viên, đặc biệt là các cán bộ Đoàn, Hội sẽ phải đầu tư nhiều công sức hơn, cùng nhau sáng tạo, đổi mới để đưa chiến dịch Xuân Tình nguyện thích nghi với điều kiện hiện mới” - chị Nguyễn Thị Uyên trải lòng.

    Cùng dệt những mùa “Vàng”

    Lý Tô Minh Triết - chiến sĩ Đội hình Khoa Báo chí và Truyền thông năm 2020, đã có khoảng thời gian gắn bó với xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Tận mắt chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của bà con nơi đây, Minh Triết hiểu rằng mình còn may mắn hơn nhiều người. 

    “Em biết, những gì chúng em làm chưa thể giúp cuộc sống người dân địa phương thay đổi . Nhưng em hy vọng, họ cảm thấy ấm áp hơn trong những ngày Tết. Có lẽ, những ánh mắt rưng rưng, những cái ôm thân thiện vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của em” - Minh Triết xúc động.

    Chiến sĩ Đội hình Câu lạc bộ Lửa Tâm tại địa bàn buôn Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Đình Khải

    Tính đến “mùa Vàng” năm 2024, Mai Thị Diễm Huỳnh (sinh viên năm 3 Khoa Thư viện - Thông tin học) đã đồng hành chương trình Xuân Tình nguyện ba lần với ba vai trò khác nhau. Năm 2022, Diễm Huỳnh là chiến sĩ; năm 2023, làm đội trưởng; và năm nay, cô gái đảm nhiệm vị trí cố vấn cho Ban chỉ huy Đội hình xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ở mỗi vai trò,  Diễm Huỳnh đều có những kỷ niệm và bài học đáng yêu, đáng nhớ.

    “Với em, Xuân Tình nguyện là chỗ dựa tinh thần để được san sẻ với đời sống sau một học kỳ vất vả. Ở đó, em nhận được rất nhiều tình yêu thương, từ những đồng đội cùng hoài bão cho đến những cô dì, chú bác ở địa phương, dù chỉ mới gặp lần đầu nhưng họ đón nhận chúng em như người con, người cháu xa quê trở về” - Diễm Huỳnh bồi hồi.

    Vừa là chiến sĩ, vừa là thành viên ban tổ chức chiến dịch Xuân Tình nguyện Đội hình câu lạc bộ Lửa Tâm, Nguyễn Đan Nhị - sinh viên năm 1 ngành Nhân học, cũng có những cảm xúc khó quên về hoạt động này. “Mỗi ngày trôi qua ở Đắk Nông là mỗi ngày vui vẻ nhất. Em được là chính mình, cho đi yêu thương và nhận lại thật nhiều yêu thương. Trước đây em không hình dung được mình sẽ có những cảm giác này khi học đại học, nhưng nhìn cách các chiến sĩ quan tâm, yêu thương nhau, em biết mọi thứ là thật lòng và đáng trân trọng”.

    Từ chiến dịch Xuân Tình nguyện, nhiều thế hệ sinh viên Trường ĐH KHXH&NV đã có cơ hội được trau dồi, rèn luyện và trưởng thành. Nhiều chiến sĩ đã “vươn ra biển lớn”, trở thành cán bộ Đoàn - Hội chủ chốt các cấp, tiếp tục truyền lửa, bồi đắp thêm truyền thống đầy tự hào của phong trào thanh niên, sinh viên nhà trường.

    Đội hình Xuân tình nguyện Khoa Văn hóa học tặng công trình “Nước sạch trao yêu thương” cho địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Khoa Văn hóa học.

    ĐÌNH KHẢI

    Các hoạt động Kỷ niệm 20 năm chiến dịch Xuân Tình nguyện 

    Từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Kỷ niệm 20 năm chiến dịch Xuân Tình nguyện, gồm: Tọa đàm “20 năm lan tỏa những mùa Xuân Tình nguyện”, Lễ kỷ niệm 20 năm chiến dịch Xuân Tình nguyện (2005-2024), Hội quân và tổng kết chiến dịch Xuân Tình nguyện năm 2024, Sân chơi kiến thức “Xuân tự hào”,  Triển lãm kỷ niệm 20 năm chiến dịch Xuân Tình nguyện. 

    Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường còn tổ chức các công trình nhằm phát huy và lan tỏa giá trị “Văn hóa người Nhân Văn” như Bản đồ trực tuyến “Dấu chân mùa vàng”, Kỷ yếu “20 năm vang mãi bài ca Xuân Tình nguyện”...

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên