Tin tức - Sự kiện

Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến thương mại và lạm phát ở Việt Nam - NCS. Trần Quốc Khánh Cường

  • 26/06/2024
  • Tên đề tài: Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến thương mại và lạm phát ở Việt Nam
    Chuyên ngành: Kinh tế học                       
    Mã số: 62310101    
    Họ tên NCS: Trần Quốc Khánh Cường
    Mã số NCS: 01610101001
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Hồng Nga    
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án
    Tầm quan trọng của tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến thương mại và lạm phát, là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cho đến hiện tại các nghiên cứu chỉ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái hoặc đến thương mại, hoặc đến lạm phát. Do đó, luận án kỳ vọng đưa ra một bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến xuất, nhập khẩu và lạm phát tại Việt Nam. Từ những kết quả thực nghiệm thu được, luận án sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và thế giới. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả sự quản lý tỷ giá hối đoái mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và duy trì sự ổn định trong nền kinh tế.
    Luận án này áp dụng cả phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để xem xét ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến xuất, nhập khẩu và lạm phát. Phần định lượng, là trọng tâm của luận án, sử dụng dữ liệu chuỗi thời gia theo tháng từ năm 2009 đến 2022 và áp dụng các mô hình tiên tiến như ARDL, SVAR và hồi quy ngưỡng. Các mô hình này giúp ước lượng mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và các biến số như xuất khẩu, nhập khẩu và lạm phát. Phân tích thực nghiệm đưa ra các bằng chứng nhân quả về ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đều có tác động đáng kể đến thương mại và lạm phát của Việt Nam.
    Kết quả thực nghiệm của luận án đã giải quyết 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, về ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu, nhập khẩu và lạm phát tại Việt Nam. Kết quả hồi quy cho thấy tỷ giá hối đoái không có ảnh hưởng đến xuất khẩu tại Việt Nam. Ngược lại, việc giảm giá nội tệ làm cho giá trị nhập khẩu Việt Nam giảm đồng thời làm gia tăng lạm phát. Đối với mục tiêu thứ hai, sự thay đổi trong cấu trúc của xuất khẩu được giải thích bởi GDP thế giới. Sự thay đổi trong cấu trúc nhập khẩu phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái thực đa phương và cung tiền. Cuối cùng, tỷ giá hối đoái cùng với cung tiền là nhân tố tác động đến sự thay đổi trong cấu trúc lạm phát. Thứ ba, các khuyến nghị chính sách đưa ra dựa trên nghiên cứu thực nghiệm bao gồm: duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái, tương tự như cách một "phòng tuyến sông Cầu" hoạt động. Ngoài ra, chính phủ cần duy trì chính sách tiền tệ khả tín và bền vững, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện …Bên cạnh đó, chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường bằng cách tham gia vào các hiệp định song phương và đa phương, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến. Những khuyến nghị đưa ra dựa trên các bằng chứng thực nghiệm nhằm mục đích tối ưu hóa sự phát triển kinh tế ở Việt Nam.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Luận án này đem lại những khám phá mới cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, bằng cách tiếp cận từ một góc độ mới so với các nghiên cứu trước đây. Về mặt lý thuyết, luận án đã khỏa lấp một khoảng trống quan trọng trong khoa học về việc kết hợp xem xét mối quan hệ đa chiều giữa tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu, nhập khẩu và lạm phát. Bên cạnh đó, luận án còn xem xét sự thay đổi của cơ chế tỷ giá hối đoái tác động đến các biến số vĩ mô kinh tế quan trọng. Cuối cùng, luận án giải thích được nguyên nhân làm thay đổi xu hướng của xuất khẩu, nhập khẩu và lạm phát tại Việt Nam. Ngoài ra, việc kết hợp đồng thời nhiều nhân tốt tác động đến xuất nhập khẩu và lạm phát trong cùng một mô hình phân tích thay vì xem xét từng tác động đơn lẻ như các nghiên cứu hiện có giúp xác định chính xác hơn mức độ ý nghĩa của từng tác động.
    Về mặt thực tiễn, luận án cũng đã đưa ra các hàm ý chính sách cụ thể góp phần cải thiện cán cân thương mại và ổn định lạm phát trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam. Các hàm ý này được xây dựng dựa trên dữ liệu đáng tin cậy kết hợp cùng mô hình hồi quy chuỗi thời gian giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới, được xem là khá mới mẻ trong các nghiên cứu ở Việt Nam. Điều này không chỉ mang lại một cái nhìn toàn diện và chi tiết hơn về các vấn đề kinh tế mà còn cung cấp các kết quả nghiên cứu có độ tin cậy cao, qua đó hỗ trợ hiệu quả trong việc định hình chính sách.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Bên cạnh những khám phá và đóng góp mới, luận án cũng chỉ ra những vấn đề cần được tìm hiểu sâu hơn trong các nghiên cứu tiếp theo. Thứ nhất, nghiên cứu này sử dụng chỉ số giá sản xuất công nghiệp là một biến đại diện cho GDP. Thứ hai, vì hạn chế trong việc tiếp cận dữ liệu, nghiên cứu này chỉ mới phân tích dữ liệu vĩ mô, chưa tiếp cận được dữ liệu vi mô của các ngành hàng cụ thể. Thứ ba, vì hạn chế dữ liệu nên luận án không phân tích một số biến ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và lạm phát như việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới hay độ mở của nền kinh tế. Thứ tư, nghiên cứu này chưa xác định được phương pháp xác định các biến trong nguồn dữ liệu thu thập.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên