Tin tức - Sự kiện

Chính sách và mô hình phát triển giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam (1955 -1975) - NCS. Nguyễn Thị Mai Hương

  • 03/06/2024
  • Tên đề tài: Chính sách và mô hình phát triển giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam (1955 -1975)
    Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
    Mã số: 9229013
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Mai Hương
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Minh Hồng
    Tên cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Trên cơ sở kế thừa những công trình nghiên cứu có liên quan của các học giả trong và ngoài nước, khai thác các nguồn tài liệu gốc đáng tin cậy, dựa trên những phương pháp nghiên cứu chuyên ngành sử học, luận án đã trình bày một cách khoa học, hệ thống và toàn diện về Chính sách và mô hình phát triển giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam (1955 -1975). Cụ thể về mặt nội dung bao gồm: (1) Những nhân tố tác động đến chính sách và mô hình giáo dục đại học miền Nam Việt Nam. (2) Quá trình áp dụng chính sách và mô hình giáo dục đại học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1964. (3) Những thay đổi trong chính sách và sự chuyển biến mô hình giáo dục đại học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1964 – 1975. (4) Nhận xét về chính sách và mô hình giáo dục đại học miền Nam Việt Nam (1955-1975).
    + Những kết quả của luận án
    (1) Nội dung 1: Những nhân tố tác động đến chính sách và mô hình giáo dục đại học miền Nam Việt Nam. Bối cảnh lịch sử miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975 với 3 giai đoạn tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng hòa là nền Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), giai đoạn quân quản (1963-1967) và nền Đệ nhị Cộng hòa (1967-1975). Nhân tố thứ hai là sự kế thừa nền giáo dục đại học của Pháp. Hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam đã kế thừa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo chức, nhân viên hành chính, trí thức, sinh viên được đào tạo từ nền giáo dục của Pháp di cư vào miền Nam. Nhân tố thứ ba tác động đến giáo dục đại học thời kỳ này là chính sách thực dân mới của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam và viện trợ giáo dục của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thực hiện chính sách thực dân kiểu mới trên lĩnh vực giáo dục thông qua viện trợ giáo dục. Đây được xem là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tính chất và xu hướng phát triển của giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam.
    (2). Nội dung 2: chính sách và mô hình giáo dục đại học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1964. Trong những năm 1955-1964, chịu sự chi phối của Hoa Kỳ về phương diện chính trị, viện trợ, cố vấn, tuy nhiên, do những ràng buộc về Hiệp ước văn hóa giáo dục ký với Pháp cùng với những nền tảng mà giáo dục Pháp để lại nên giáo dục đại học MNVN vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm của mô hình giáo dục của Pháp. Chính sách giáo dục giai đoạn này tập trung vào việc tiếp nhận và mở rộng hệ thống giáo dục đại học nhằm phục vụ chính sách phát triển quốc gia. Ba nguyên tắc quan trọng của giáo dục được xác lập là Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng. Do thiếu chính sách dài hạn trong phát triển giáo dục đại học, thời kỳ này, mô hình hệ thống giáo dục đại học miền Nam mặc dù có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên dấu ấn giáo dục đại học Pháp chi phối tất cả mọi mặt về hệ thống, cơ cấu tổ chức quản lý cũng như hoạt động của các Viện Đại học ở miền Nam Việt Nam.
    (3) Nội dung 3: Giai đoạn 1964 - 1975, giáo dục đại học Việt Nam Cộng hòa có sự phát triển khá rõ nét và từng bước chuyển biến tiệm cận với mô hình giáo dục Hoa Kỳ với sự hình thành các đại học kỹ thuật, cộng đồng theo mô hình của Hoa Kỳ. Nhiều chương trình, dự án giáo dục đã được đề ra nhằm pháp chế hóa và hoàn thiện thể chế, cải tổ toàn diện giáo dục. Ba nguyên tắc căn bản cho giáo dục giai đoạn này được xác định là: Dân tộc-Nhân bản-Khoa học, sau bổ sung thêm đại chúng và thực tiễn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có những cố gắng nhất định trong việc điểu chỉnh lại một số chính sách phát triển giáo dục đại học ở miền Nam: từ hoạch định chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, triển khai kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; cho đến cải tổ học chế, ngạch bậc giảng sư. Việt Nam Cộng hòa đề ra nhiều giải pháp phát triển giáo dục các cấp và các loại hình giáo dục (giáo dục công, giáo dục cộng đồng, giáo dục tư thục). Quá trình cải tổ giáo dục đại học bị chi phối bởi sự mất ổn định của chính quyền, điều kiện chiến tranh, chính sách chống Cộng, nên chưa phát huy tác dụng.
    (4) Nội dung 4: Nhận xét về chính sách và mô hình giáo dục đại học miền Nam Việt Nam (1955-1975). Chính sách phát triển giáo dục đại học của Việt Nam Cộng hòa qua 2 giai đoạn, vừa kế thừa chính sách giáo dục của chế độ thực dân Pháp ở thuộc địa Việt Nam, vừa phát triển đến hoàn thiện chính sách giáo dục của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mô hình giáo dục đại học của Việt Nam Cộng hòa (1955-1975) thay đổi bổ sung qua các giai đoạn, đã ngày càng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và khu vực.
    Các đặc điểm phát triển giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam (1955-1975). Quá trình thực hiện chính sách và mô hình giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam bị chi phối ngày càng mạnh mẽ bởi cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Do thiếu chính sách qui mô và liên tục vì thế giáo dục đại học MNVN phát triển thiếu định hướng, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam chịu ảnh hưởng của giáo dục đại học Pháp, Mỹ - những nền giáo dục tiên tiến của phương Tây nói riêng, thế giới nói chung. Chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài cả về chính sách và mô hình phát triển, giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam khó phát huy tính tự chủ, sáng tạo vốn có của giáo dục dân tộc Việt Nam. Hệ thống cấu trúc, chương trình, phương pháp đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học có tính linh hoạt và xã hội hóa cao, nhưng phát triển thiếu cân đối.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tế phát triển giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam (1955-1975)
    Một là, việc hoạch định và triển khai chính sách giáo dục đại học phải toàn diện, mang tầm chiến lược quốc gia và nhất quán, ổn định, lâu dài
    Hai là, tự chủ và quản trị đại học là một trong những yếu tố động lực để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
    Ba là, cần học hỏi, vận dụng các mô hình đại học tiên tiến một cách khoa học, chủ động sao cho phù hợp với nền tảng và nhu cầu của giáo dục dân tộc Việt Nam.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên