Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM tổ chức tọa đàm “Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc”

  • 18/07/2023
  • Chiều 18/7, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM đã diễn ra tọa đàm “Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc” do ĐHQG-HCM tổ chức. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đến dự.

    Hiệu trưởng ĐHQG Seoul cho rằng các đại học và chính quyền có trách nhiệm quan trọng trong việc trao đổi nhân tài giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Ảnh: Thiện Thông

    Tạo điều kiện trao đổi nhân tài

    Tọa đàm quy tụ lãnh đạo các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh; lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc lớn hiện đang đầu tư tại Việt Nam như CJ Group Vietnam, Mirae Asset Vietnam, Shinhan Bank, Topdev, LG Vina Cosmetics, Samsung Electronics… Sự kiện còn có sự tham dự của lãnh đạo ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội, và đại diện đến từ ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) với vai trò là cầu nối, thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và các trường đại học tại Việt Nam.

    Đây là cơ hội để các bên thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa “ba nhà” (nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp) trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xác định giải pháp và các lĩnh vực hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp Hàn Quốc để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường, giải quyết thách thức về hiện trạng thiếu hụt lực lượng lao động tay nghề cao của các tập đoàn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, tọa đàm còn thảo luận về cơ hội hợp tác nghiên cứu, thành lập đơn vị Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại ĐHQG-HCM.

    Phát biểu tại tọa đàm, GS Ryu Hong-lim - Hiệu trưởng ĐHQG Seoul, cho biết hạ tuần tháng 6 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến thăm Việt Nam để thảo luận phương hướng hợp tác giữa hai quốc gia về nhiều vấn đề như kinh doanh, văn hóa, cân bằng carbon và chuyển đổi số.

    “Kể từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, thương mại song phương giữa hai nước đã chứng kiến bước tăng trưởng kinh ngạc lên gấp 175 lần. Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, và năm nay đánh dấu 31 năm quan hệ ngoại giao giữa đôi bên” - ông Ryu Hong-lim chia sẻ.

    Ông cho biết thêm, sinh viên Việt Nam xếp thứ 2 về số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Hàn Quốc, điều này cho thấy mối gắn bó chặt chẽ về giáo dục giữa hai quốc gia. Ngược lại, số lượng người Hàn Quốc đến Việt Nam để làm việc và đầu tư không ngừng tăng lên trong một thập kỷ qua, hiện nay có khoảng 170.000 người Hàn Quốc và hơn 8.800 doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển hướng đến Việt Nam. Theo đó, ông nhận định việc tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi nhân tài giữa hai nước là trách nhiệm quan trọng của các đại học và chính quyền.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, nhấn mạnh sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ĐHQG-HCM. Ảnh: Thiện Thông

    Hợp tác doanh nghiệp - đại học

    Đại diện ĐHQG Seoul - GS Chae Su-hong cho biết năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nói về tính cấp thiết trong hợp tác doanh nghiệp - đại học giữa Hàn Quốc và Việt Nam, ông nhận xét nền kinh tế Việt Nam tập trung vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ, nhưng bối cảnh hiện nay yêu cầu chuyển dịch sang các ngành công nghệ. Theo đó, hai quốc gia cần nỗ lực vì tăng trưởng chung, thông qua các hoạt động: chia sẻ và chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác doanh nghiệp - đại học và hợp tác giáo dục.

    Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trình bày tổng quan về nhu cầu nhân lực và nêu đề xuất giúp các trường đại học Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Lãnh đạo chính quyền các địa phương đã có cơ hội đối thoại với các doanh nghiệp và các đại học xoay quanh vấn đề hợp tác phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, nhấn mạnh chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM, trong đó có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, có năng lực dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy ĐHQG-HCM đang cố gắng từng bước làm giảm khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu quốc gia.

    Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Lê Hoài

    LÊ HOÀI