Tạp chí Biomedical Research and Therapy và tạp chí Progress in Stem Cell của Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN vừa được thêm vào danh mục các tạp chí khoa học quốc tế thuộc Scopus.
PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện Trưởng Viện Tế bào gốc cho biết: “Danh sách nguồn dữ liệu của Scopus là tập hợp của các nguồn dữ liệu tạp chí, sách có chất lượng cao được chọn lọc nghiêm ngặt bởi Hội đồng do Scopus đề cử. Do đó, việc Biomedical Research and Therapy và Progress in Stem Cell được chọn lựa vào Scopus chứng tỏ hai tạp chí này đã phát triển về cả hình thức và nội dung. Hai tạp chí của chúng tôi đã có nhiều nỗ lực từ hội đồng biên tập đến các bộ phận quản lý và sự đóng góp của các tác giả trong hơn 4 năm qua”.
Biomedical Research and Therapy là tạp chí chuyên ngành về sinh học, y học và y sinh học, xuất bản bằng tiếng Anh, mỗi năm 12 số. Từ lúc ra đời (2014) đến nay, tạp chí đã công bố gần 300 bài báo của các tác giả từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Pakistan, Ấn Độ, Ukraina, Mỹ, Đức... Riêng các tác giả Việt Nam được giảm 40% phí khi đăng bài trên tạp chí này.
Biomedical Research and Therapy luôn nỗ lực nâng cao về chất lượng các báo cáo, hội đồng biên tập và phương thức công bố. Tháng 11/2016, tạp chí được chọn vào danh mục các tạp chí chất lượng của Thomson Reuters (nay là Clarivate Analytics) và được xếp vào chỉ mục các nguồn tài liệu đang phát triển (Emerging Sourcese Citation Index - ESCI). Đến tháng 4/2018, tạp chí được thêm vào danh sách các nguồn dữ liệu chất lượng cao (High quality data) của Scopus. Trước đó, tạp chí này cũng được lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu lớn khác như Embase (cơ sở dữ liệu chuyên ngành y sinh học), Index Corpenicus, EBSCO, Scilit…
Tạp chí Progress in Stem Cell chuyên sâu về lĩnh tế bào gốc, ra đời vào năm 2014, xuất bản bằng tiếng Anh, mỗi năm 4 số. Các tác giả Việt Nam đăng bài trên tạp chí này hoàn toàn được miễn phí.
Scopus là sản phẩm của tập đoàn xuất bản Elsevier (Hà Lan), một tập hợp cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các công bố và tóm tắt công trình khoa học. Các dữ liệu được Scopus lưu trữ gồm tạp chí khoa học, sách và tuyển tập hội nghị. Thành lập từ 2004, Scopus đã đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu cho các ấn phẩm khoa học có chất lượng để lưu trữ. Từ đó, cộng đồng khoa học thế giới công nhận tiêu chuẩn của Scopus như là chuẩn mực chất lượng cho một tạp chí khoa học quốc tế.
Còn Web of Science (trước đây gọi là ISI) là sản phẩm của Thomson Reuters - cũng là một cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu của thế giới. Từ năm 1900 đến nay, Web of Science đã xây dựng các tiêu chuẩn tối thiểu và phương pháp xếp hạng cho các tạp chí khoa học dựa vào chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor). Web of Science có nhiều chỉ mục phân loại như Arts & Humannities Citation Index (AHCI), Science Citation Index Expanded (SCIE), Social Sciences Citation Index (SSCI) và Emerging Sources Citation Index (ESCI).
MINH CHÂU
Hãy là người bình luận đầu tiên