Sinh viên ĐHQG-HCM

Kỳ thi Đánh giá năng lực tác động tích cực đến kết quả học tập của sinh viên

  • 15/04/2024
  • Không chỉ là một phương thức tuyển sinh, kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG-HCM còn góp phần định hướng học tập một cách toàn diện cho học sinh THPT. Đồng thời, kỳ thi cũng mang lại cho các em cơ hội tiếp cận sớm và nâng cao những năng lực cơ bản của việc học đại học như khả năng ngôn ngữ, tư duy logic, giải quyết vấn đề.

    Thực chất kỳ thi ĐGNL tác động đến việc học của sinh viên như thế nào? Học sinh THPT cần học và ôn tập ra sao để nhận được những tác động tích cực? Để làm rõ các vấn đề này, Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với những thí sinh từng đạt trên 1.000 điểm trong các kỳ thi ĐGNL.

    * Nguyễn Đại Nghĩa - đạt 1.052 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2019, cử nhân ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM

    Làm quen với phương pháp học đại học

    Mình thấy kiến thức trong đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM rất rộng với hầu hết môn học phổ thông, từ đó có khả năng đánh giá toàn diện học sinh THPT. Điểm hay của đề thi ĐGNL là không đánh đố hay gò bó học sinh vào việc học thuộc lòng, rập khuôn, mà thay vào đó, đánh giá được khả năng tự học, đọc hiểu, tư duy giải quyết vấn đề.

    Chẳng hạn, phần lớn câu hỏi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội được cho dưới dạng bài đọc hiểu. Để giải quyết, thí sinh phải đọc hiểu nhanh, tìm ra các thông tin quan trọng trong thời gian ngắn, đồng thời phân tích, kết hợp các thông tin được cung cấp. Đây cũng là điểm mình cảm thấy tương tự với việc tự học ở đại học.

    Có thể nói, việc ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu để chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL cũng là cách để học sinh làm quen với phương pháp học tập phù hợp trong chặng đường đại học sắp tới.

    * Nguyễn Quỳnh Giang - đạt 1.031 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2019, sinh viên ngành Y khoa, Khoa Y ĐHQG-HCM

    Hỗ trợ nhiều trong 5 năm học Y khoa

    Mình rất thích dạng đề thi ĐGNL vì nó không phụ thuộc hoàn toàn vào việc học thuộc bài. Đề sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản cho người thi và yêu cầu họ dựa vào đó để giải quyết các vấn đề theo từng lĩnh vực.

    Việc luyện tập khả năng đọc hiểu và tư duy logic theo đề ĐGNL đã hỗ trợ mình rất nhiều trong 5 năm học ngành Y khoa. Bởi kiến thức ngành này rất rộng và mang tính chuyên môn cao, nên hai kỹ năng trên đã giúp mình có thể tiếp cận nhanh và nhớ lâu hơn các kiến thức cần thiết. Ngoài ra, mình còn có thể tự phân tích được tầm quan trọng của các kiến thức khác nhau để sắp xếp thứ tự ưu tiên cho kế hoạch học tập của bản thân.

    * Đinh Hữu Nghiêm - đạt 1.009 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2022, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Được rèn giũa năng lực tư duy, phân tích

    Sau một thời gian ôn tập dạng đề thi ĐGNL, mình nhận ra kỳ thi này thực sự phù hợp với bản thân. Bởi vì nội dung bài thi dàn trải ở tất cả môn học với mức độ từ trung bình đến vận dụng thấp, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh vào khả năng tư duy - điều mà mình có thể rèn luyện và vận dụng nhanh chóng hơn so với kiến thức học thuật.

    Cũng nhờ quá trình ôn thi, năng lực tư duy logic và phân tích vấn đề, số liệu của mình đã được rèn giũa khá nhiều. Từ đó, mình dễ dàng ứng dụng chúng vào quá trình học đại học, chẳng hạn phân tích, đưa ra phương hướng tiếp cận vấn đề trong các môn đại cương như Phương pháp nghiên cứu khoa học, Thống kê cho khoa học xã hội…

    Với trải nghiệm của mình, để vừa phát triển năng lực, vừa đạt kết quả tốt trong kỳ thi ĐGNL, thí sinh cần tìm động lực, đề ra kỷ luật ôn tập và xác định chiến lược học tập hiệu quả. Trong đó, chiến lược học tập nên bao gồm các bước: tự đánh giá năng lực bản thân, phân tích dạng đề, ôn tập dàn trải, ôn từng phần thi, chú trọng vào lĩnh vực thế mạnh của bản thân.

    * Phạm Tuấn Đạt - đạt 1.107 điểm tại kỳ thi ĐGNL 2022, sinh viên ngành Khoa học Máy tính, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM

    Rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm

    Mình xem kỳ thi ĐGNL là cơ hội để tự kiểm tra kiến thức, từ đó có thể chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Theo mình, để đạt điểm cao trong kỳ thi này, bên cạnh việc trang bị đầy đủ kiến thức, chúng ta cần giữ được tâm lý thoải mái, bình tĩnh. Việc nghiên cứu kỹ cấu trúc đề và phân chia thời gian làm bài hợp lý cũng sẽ giúp chúng ta đạt điểm cao.

    Những kiến thức mà mình tiếp nhận được trong quá trình ôn thi ĐGNL đã giúp mình học tốt hơn các môn đại cương và một số môn cơ sở ngành. Hơn nữa, trong thời gian ôn luyện ĐGNL, mình còn rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm như sắp xếp thời gian, xây dựng kế hoạch học tập, giải quyết vấn đề, đọc hiểu và nghiên cứu văn bản, tài liệu. Đây là những kỹ năng cơ bản và đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình học đại học của mình, góp phần giúp mình đạt kết quả học tập tốt hơn.

    * Nguyễn Diệp Thế Bảo - đạt 1.023 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2023, sinh viên ngành Kinh tế Đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM

    Giúp tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn

    Quyết định đăng ký thi ĐGNL vào đợt 2 ngay khi đợt 1 năm 2023 kết thúc, mình không có quá nhiều thời gian để ôn tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, giai đoạn chuẩn bị và cả quá trình tham dự kỳ thi của mình đều diễn ra khá suôn sẻ, không quá áp lực như suy nghĩ ban đầu của mình.

    Nhìn chung, việc học, ôn tập theo những yêu cầu về kỹ năng, tư duy của đề thi ĐGNL rất hữu ích với việc học đại học của mình. Cụ thể, ở năm đầu tiên, mình đã áp dụng khả năng tư duy và xử lý số liệu ở phần toán logic để học các môn liên quan đến tính toán như Toán cao cấp, Kinh tế vi mô… Đối với khả năng ngôn ngữ, mình có thể vận dụng vào việc đọc và tìm kiếm thông tin từ các tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh. Phần kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội tích lũy được trong quá trình ôn thi cũng giúp mình tiếp thu bài giảng ở đại học hiệu quả hơn.

    Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM là công cụ khảo thí hiệu quả

    PGS.TS Nguyễn Đình Tuyên - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cho biết kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM là công cụ khảo thí hiệu quả trong công tác tuyển sinh tại trường. Cụ thể, điểm thi ĐGNL chiếm tới 75% trọng số trong tiêu chí học lực ở phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí.

    “Kỳ thi ĐGNL giúp kiểm tra trình độ cơ bản của thí sinh như khả năng sử dụng ngôn ngữ, toán học, tư duy logic, phân tích số liệu, giải quyết vấn đề. Điều đó giúp Nhà trường chủ động lựa chọn những thí sinh chất lượng và phù hợp với chiến lược đào tạo” - PGS.TS Nguyễn Đình Tuyên lý giải.

    Bên cạnh đó, những thí sinh có điểm thi ĐGNL cao thường có kết quả học tập tốt ở môi trường đại học. Theo thống kê năm 2018-2021, tỷ lệ sinh viên trúng tuyển theo phương thức thi ĐGNL tốt nghiệp loại Giỏi, Xuất sắc chiếm trọng số cao hơn so với sinh viên trúng tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO - THU TRANG

     

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên