Tin tổng hợp

Nghịch lý tính cách người Thanh Hóa

  • 22/08/2016
  • Chiều 18/8, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đã tổ chức tọa đàm “Xây dựng phương pháp nghiên cứu tính cách vùng miền: Trường hợp tính cách người Thanh Hóa”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là báo cáo viên.

        Đặt vấn đề về nghịch lý tính cách người Thanh Hóa: Vì sao xưa xứ Thanh là đất anh hùng, nơi sinh ra nhiều đời vua chúa, nhưng nay người lao động Thanh Hóa không được đón tiếp ở nhiều nơi?, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Bí ẩn của nghịch lý là ở chỗ vị trí trung gian đặc biệt của vùng đất này”.

        Theo GS Trần Ngọc Thêm, Thanh Hóa giữ vị trí trung gian giữa thủ phủ của đất nước là miền Bắc với phần còn lại là miền Trung và miền Nam. Một mặt, trong những hoàn cảnh khó khăn, người Thanh Hóa trong lịch sử đã tích hợp được những phẩm chất giá trị của hai miền. Đó là sự bản lĩnh, quyết đoán của người miền Trung, tính linh hoạt, biến báo và khôn ngoan của người miền Bắc.

        “Sự phối hợp hai phẩm chất này trên một vùng đất lý tưởng cho việc khởi nghiệp đã trở thành thế mạnh sản sinh một số lượng vua chúa khổng lồ (48/97 vị vua tính từ thời Trưng Vương và 20/20 chúa), một số lượng nhà chính trị và quân sự khổng lồ” - GS Thêm nhấn mạnh.

        Đồng thời, GS Thêm cũng cho rằng chính vị trí trung gian đặc biệt này đã đem đến Thanh Hóa những hạn chế nghiêm trọng. Đó là sự tích hợp cái xấu, cái phi giá trị của hai miền. “Nguồn gốc người Thanh Hóa bên cạnh người bản địa, là những dòng di dân với nhiều lý do khác nhau (những người cùng đinh, ương bướng, những kẻ lưu đày) từ đồng bằng Bắc bộ, nhất là các tỉnh đông dân giáp ranh và nam Trung Quốc”- ông cho biết.

        Tuy nhiên, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Ý nghĩa của việc giải mã nghịch lý Thanh Hóa ở chỗ nhiều tật bệnh của người Thanh Hóa cũng là những tật bệnh của người Việt Nam nói chung. Những gì đã và đang xảy ra với người Thanh Hóa ở Việt Nam cũng đã và đang xảy ra với người Việt Nam ở trên thế giới. Thanh Hóa về cơ bản có thể xem là một Việt Nam thu nhỏ”.

        Và ông kết luận: “Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng phải điều chỉnh hệ giá trị của mình” và “mục tiêu của buổi tọa đàm không phải là xác định hệ thống tính cách người Thanh Hóa mà là bàn về phương pháp nghiên cứu tính cách vùng miền. Để xác định tính cách người Thanh Hóa cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn”.

    GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Ảnh: Đức Lộc
    Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Lộc

    ĐỨC LỘC - ANH VŨ