Tin tức KH&CN

Nhà tre nổi - mô hình xây dựng xanh

  • 27/06/2018
  • Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề đến các tỉnh phía Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Dự án Làng tre Phú An đã thực hiện dự án “Nhà tre nổi” với mong muốn tìm ra một mô hình xây dựng xanh, dễ làm, rẻ tiền, tiết kiệm thời gian mà lại ít tiêu hao năng lượng và thân thiện với môi trường.

    Nhà mẫu của mô hình này đã được khánh thành ở Khu đô thị ĐHQG-HCM sáng 15/5, là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC), kiến trúc sư Trần Hữu Hoàng Phú và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên Làng tre Phú An dưới sự tài trợ của ĐHQG-HCM.

    Đơn giản về kỹ thuật xây dựng

    Nhà nổi được thiết kế cho gia đình khoảng 5-6 người ở với diện tích gần 40m2, gồm một phòng ngủ, một phòng khách, khu nấu ăn, khu vệ sinh, nhà kho cùng hệ thống lồng nuôi cá và vườn rau xung quanh nhà. 

    Nhà có bồn nước bằng nhựa 500 lít, một số đèn chiếu sáng, ổ cắm điện và hệ thống năng lượng mặt trời. Phòng khách được thiết kế thoáng đãng với hai cửa sổ lớn đảm bảo ánh sáng tràn vào nhà. Khu vực nấu ăn có chỗ rửa chén và một bếp mini gọn nhẹ, phù hợp cho người có thu nhập thấp. Khu vệ sinh đơn giản nhưng khá đầy đủ tiện nghi với một chậu rửa, một toilet và vòi tắm.

    Kiến trúc sư Hoàng Phú cho biết: “Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng tre, chia làm ba phần: phần đế - phần kèo, phần vách và mái lợp. Phần đế gồm 68 thùng phuy được liên kết bằng kèo tre tạo khung vững chắc để ngôi nhà có thể nổi trên mặt nước. Phần vách làm bằng tre đan hoặc các miếng tre nhỏ sắp liên tiếp nhau để tạo mảng lớn. Tre được sử dụng là loại tre già, đã xử lý trước nên có độ chịu lực và sự thay đổi thời tiết cao. Mái lợp bằng nhiều lớp lá vọt chồng lên nhau, tạo liên kết chặt chẽ với các phần bên dưới”. 

    Vườn rau xung quanh nhà.

    Nhà nổi có thể đặt cố định bằng dây neo, hoặc có thể di chuyển bằng chèo, bằng động động cơ. 

    Nhà nổi được xem là mô hình nhà ở xanh, thân thiện với môi trường. Bởi nó không chỉ làm bằng tre - một vật liệu đại diện cho sự phát triển bền vững mà còn “xanh” bởi có hệ thống xử lý chất thải thông minh. TS Diệp Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Hệ thống nhà vệ sinh trong nhà nổi là hệ thống khép kín. Nhà bếp chỉ có chất hữu cơ, nước rửa rau được dẫn ra tưới cho vườn thực vật. Nước từ máy giặt, buồng tắm được dẫn ra bồn tiền xử lý và cho chảy vào bể lọc sinh học trước khi thải ra môi trường. Nhà vệ sinh là loại nhà vệ sinh khô, sử dụng bột tre hay mùn cưa để làm đệm sinh học, sau mỗi hai tháng thì được thay một lần, rồi đem lên bờ ủ để làm phân hữu cơ cho cây”.

    Thích hợp để ứng phó biến đổi khí hậu

    Theo kiến trúc sư Hoàng Phú, hiện nay khí hậu biến đổi, mực nước biển dâng cao làm cho người dân vùng sông nước bị mất hoa màu và chỗ ở. Nhà nổi là giải pháp thích hợp giúp ổn định cuộc sống cho người dân. Ông cho biết: “Khi thiết kế nhà nổi, chúng tôi chú trọng đáp ứng các yêu cầu: Môi trường phù hợp với hoạt động trên sông nước; hệ thống giao thông thuận tiện cho việc thi công; các hệ thống kỹ thuật (điện, nước, thông tin…) đã có đầy đủ”.

    TS Mỹ Hạnh nói thêm về ưu điểm của nhà nổi: “Nếu nhà ở xây dựng trên mặt đất, khi nước ngập người dân dễ bị mất trắng do đồ đạc bị trôi hết hoặc hư hỏng. Còn nhà ở này, khi nước dâng thì nhà dâng nên ít bị thiệt hại; ngoài ra trên nhà còn có lồng nuôi cá và vườn rau giúp người dân có thể cầm cự khoảng một tuần trong khi chờ lực lương cứu hộ đến”.

    TS Mỹ Hạnh hy vọng qua dự án này, những địa phương vùng sông nước thiết lập được hệ thống xây dựng xanh, giảm thiểu năng lượng, thân thiện môi trường. Bà cho biết: “Bảng thiết kế nhà nổi bằng tre sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân. Tôi sẽ hỗ trợ việc chọn giống và cách chăm sóc tre để người dân có vật liệu vừa xây nhà vừa làm đồ thủ công mỹ nghệ, góp phần giúp họ nâng cao thu nhập và phát triển hệ sinh thái xanh, bảo vệ môi trường, chống xói lở hiệu quả”. 

    MINH CHÂU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên