Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn làm kịch cảm tác từ tiểu thuyết của “ông hoàng” trinh thám Nhật Bản Higashino Keigo

  • 26/05/2024
  • Tối 25/5, Câu lạc bộ (CLB) Kịch khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đã công diễn vở kịch Buồn hết đêm nay thu hút gần 500 sinh viên tham dự.

    Buồn hết đêm nay được cảm tác từ Thư - tiểu thuyết văn học của nhà văn người Nhật nổi tiếng Higashino Keigo. Vở kịch kể về cuộc đời của nam thanh niên Naoki. Anh trai của Naoki là Tsuyoshi, vì phạm tội cướp của, giết người mà bị tống giam vào tù, để lại một mình Naoki phải chịu nhiều lời gièm pha, chật vật với định kiến xã hội. Cậu bị những định kiến ấy tước đi cơ hội học tập, việc làm, tình yêu và đam mê của bản thân...

    Mỗi tháng, Naoki đều nhận được một lá thư do Tsuyoshi gửi đến nhưng hơn ai hết, cậu chính là người muốn cắt đứt mọi liên hệ với anh trai mình. Theo dõi hành trình cuộc đời của Naoki, khán giả sẽ có dịp suy ngẫm về định kiến xã hội, nghị lực sống và tình thân - tình yêu - tình người.

    Nói về nguồn cảm hứng khi sáng tác kịch bản, Đức Huy, biên kịch, đạo diễn dàn dựng, cựu sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông chia sẻ: “Càng đọc Thư, mình càng thấy câu chuyện về những biến cố trong cuộc đời nhân vật chính như một bản nhạc buồn, thống thiết nhưng cũng rất tinh tế và đẹp đẽ. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để mình ấp ủ một kịch bản được cảm tác từ nỗi đau của nhân vật chính trong truyện. Chúng mình đã đào sâu đến tận cùng tâm lý nhân vật để khai thác câu chuyện một cách hiệu quả nhất, lồng ghép những ý tưởng phản biện liên quan tới hai chữ ‘định kiến’. Tất cả những góc nhìn này, chúng mình không khẳng định đâu là đúng, đâu là sai mà chỉ bày biện ra để khán giả cùng lắng nghe và suy ngẫm”.

    Như Quyên - Trưởng Ban Phục trang cũng tâm sự: “Việc tìm tòi, tham khảo phong cách ăn mặc của người Nhật để phục vụ cho vở diễn mất kha khá thời gian vì phải cân bằng giữa đặc trưng thời trang Nhật Bản với sự phù hợp về tính cách và hoàn cảnh nhân vật. Nhưng nhìn chung, tất cả các thành viên luôn nỗ lực mang lại cho khán giả những trải nghiệm chân thực nhất về bối cảnh Nhật Bản khi thưởng thức vở diễn”.

    Đặc biệt, những khâu khó nhằn như kỹ thuật ánh sáng cũng được thực hiện bởi chính các thành viên CLB. Triệu Vy, Phó Chủ nhiệm CLB, chịu trách nhiệm thiết kế sân khấu và sáng tạo ánh sáng cho biết: “Chúng mình tự tưởng tượng không gian và bối cảnh để lên đường dây kịch bản ánh sáng. Vì là những người không chuyên, nên chúng mình phải tự tìm tòi và từng bước hoàn thiện để có được một kịch bản ánh sáng hoàn chỉnh, tránh phải sửa lại nhiều lần. Việc sáng tạo ánh sáng còn cần đảm bảo vừa mang lại trải nghiệm tốt cho khán giả, vừa giới hạn về số lượng và loại đèn nhất định để tối ưu kinh phí thuê đèn”.

    CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông thành lập vào năm 2017. Ban đầu chỉ là sân chơi của các bạn trẻ không chuyên nhưng với niềm yêu thích kịch nói, các thành viên đã lập ra Dự án Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn với hy vọng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này đến với nhiều bạn trẻ hơn.

    Đến nay, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn đã tổ chức thành công 7 mùa diễn, ra mắt khán giả nhiều vở kịch dài ấn tượng như Lá hát như mưa, Nằm khóc một mình, Trái tim hóa thạch, Đạo chích và quốc vương...

    (*) Kịch cảm tác là kịch được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, mượn những ý tưởng chính từ tác phẩm để xây dựng kịch bản cho vở diễn.

    Sinh viên thiết kế đạo cụ cho vở diễn.
    Một phân cảnh trong buổi diễn tập.
    Poster của vở kịch do sinh viên tự thiết kế.

    *Một số hình ảnh tại đêm diễn tối 25/5:

    PHAN ANH

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên