Tin tổng hợp

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề nghị đến năm 2030, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á

  • 23/02/2025
  • Tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHQG-HCM, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gửi lời chúc mừng, động viên đến toàn thể lãnh đạo, thầy cô giáo, cán bộ nhân viên và học sinh, sinh viên ĐHQG-HCM. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đã có những chỉ đạo sâu sắc về chặng hành trình phát triển sắp đến của hệ thống giáo dục hàng đầu Việt Nam.

    Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gửi lời chúc mừng, động viên đến toàn thể lãnh đạo, thầy cô giáo, cán bộ nhân viên và học sinh, sinh viên ĐHQG-HCM.
    Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gửi lời chúc mừng, động viên đến toàn thể lãnh đạo, thầy cô giáo, cán bộ nhân viên và học sinh, sinh viên ĐHQG-HCM.

    “Giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam, đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

    Theo đồng chí Thủ tướng, giai đoạn 30 năm trước, đất nước bắt đầu chuyển mình mở cửa, đổi mới mạnh mẽ. Giáo dục nước nhà bộc lộ nhiều hạn chế, điển hình là nguồn lực, cơ cấu gồm nhiều trường đại học quy mô nhỏ, mô hình hoạt động lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao. Giữa bối cảnh đó, quyết sách thành lập hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) được xem là giải pháp đột phá, tích hợp nguồn lực nhằm thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực.

    “Sứ mệnh lớn lao đó đòi hỏi hai Đại học Quốc gia, trong đó có ĐHQG-HCM phải hoạch định chiến lược phát triển dựa trên tư duy đột phá, kiến tạo các giá trị mới, luôn kiên trì, nỗ lực bằng trí tuệ, sự can đảm, bản lĩnh để vừa khẳng định giá trị riêng của hệ thống, vừa dẫn dắt sự phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

    30 năm không ngừng phát triển

    Qua các báo cáo và ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng khi thấy trong ba thập kỷ qua, ĐHQG-HCM đã không ngừng phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò là một trong những cơ sở hàng đầu đất nước. Theo đó, ĐHQG-HCM không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; xây dựng, bồi dưỡng thế hệ trẻ trí tuệ, tài năng, tự tin vươn tầm khu vực, thế giới.

    Cụ thể, trong 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM đã khai thác tốt quyền tự chủ để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài từ bậc trung học phổ thông đến tiến sĩ. ĐHQG-HCM đã cung cấp gần 400.000 nhân lực trình độ cao cho đất nước; nhiều nhà lãnh đạo cấp chiến lược, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành, doanh nhân thành đạt đã trưởng thành từ hệ thống ĐHQG-HCM.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tham dự Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHQG-HCM.
    Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tham dự Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHQG-HCM.

    ĐHQG-HCM phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh về cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 154 chương trình đào tạo kiểm định quốc tế; 18 ngành/lĩnh vực đào tạo xếp hạng quốc thế và tích cực tham gia các vấn đề trọng điểm mang tính chiến lược của đất nước (khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, sức khỏe, kinh tế, luật, sư phạm…). Đồng thời, ĐHQG-HCM luôn duy trì là một đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng, chất lượng các công bố quốc tế với tổng số gần 20.000. Theo bảng xếp hạng của QS World 2025, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 951-1.000 các đại học tốt nhất thế thế giới.

    “Các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã tích cực thúc đẩy những xu hướng khoa học mới, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của đất nước và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh...” - Thủ tướng nhận định.

    Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao xây dựng, triển khai và tham gia nhiều dự án, nhiệm vụ khoa học quan trọng tầm quốc gia, trong đó có Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” cho ĐHQG-HCM.

    Đồng thời, ĐHQG-HCM đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động theo cơ chế tự chủ; là minh chứng thuyết phục, khẳng định sự đúng đắn của chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục đại học.
    “Với những thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, ĐHQG-HCM đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động Hạng Nhất ngày hôm nay nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

    Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào mà các thế hệ thầy và trò ĐHQG-HCM đã đạt được trong 30 năm xây dựng và phát triển vừa qua.

    ĐHQG-HCM trong mục tiêu chiến lược 100 năm của đất nước

    Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, hướng đến hai mục tiêu chiến lược 100 năm: phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đó, không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững, liên tục trong hai thập kỷ tới, hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

    , ĐHQG-HCM đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động Hạng Nhất ngày hôm nay nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.
    , ĐHQG-HCM đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động Hạng Nhất ngày hôm nay nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.

    Theo người đứng đầu Chính phủ, Kết luận số 91-KL/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ những hạn chế của giáo dục đại học hiện nay: “Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao... Tỉ lệ học sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ còn thấp”. Đồng thời, kết luận này đã xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới: “Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các đại học quốc gia… ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

    Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW trong đó xác định rõ quan điểm: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KTXH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.

    Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “ĐHQG-HCM có vai trò đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Tôi hoan nghênh và cơ bản nhất trí với tầm nhìn của ĐHQG-HCM là trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam”. 

    ĐHQG-HCM phải phát triển thành hệ sinh thái giáo dục - khoa học - công nghệ hàng đầu Việt Nam

    Nhằm đạt được mục tiêu “Phát triển ĐHQG-HCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á” như đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý một số nội dung trọng tâm gồm: (1) Đối với các bộ/ngành, địa phương; (2) Đối với ĐHQG-HCM; (3) Đối với các thầy, cô giáo ĐHQG-HCM và (4) Đối với sinh viên.

    Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các bộ/ngành, địa phương phải quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”; Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác nghiên cứu, triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp; Thực hiện phân bổ ngân sách chi sự nghiệp khoa học công nghệ tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động; Thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm bảo đảm hiệu quả; Rà soát, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục trên địa bàn.

    Đối với ĐHQG-HCM, Thủ tướng đề nghị đến năm 2030, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; Xây dựng và vận hành mô hình quản trị đại học trên nền tảng số, đảm bảo tự chủ đại học, phát huy sức mạnh hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển thành một hệ sinh thái giáo dục - khoa học - công nghệ hàng đầu Việt Nam; Đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản; Tập trung xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia  và phát triển nguồn lực tài chính bền vững.

    Trong bài phát biểu, Thủ tướng động viên mỗi thầy, cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người
    Trong bài phát biểu, Thủ tướng động viên mỗi thầy, cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người.

    “Tôi đề nghị các đồng chí tiên phong xuất sắc trong việc đổi mới tư duy, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề đặt ra trên tinh thần nhìn xa trông rộng, quyết đoán, tự tin; Tiên phong xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, tập trung vào các ngành mới nổi như lượng tử, quang học…; Tiên phong trong việc giữ gìn bản sắc, giá trị cốt lõi cùng mục tiêu đã đề ra đối với nền giáo dục và mong muốn của nhân dân” - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo đối với ĐHQG-HCM.

    Để ĐHQG-HCM có thể phát triển với các nội dung chỉ đạo như trên, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và hai Đại học Quốc gia khẩn trương rà soát, hoàn thiện và thống nhất phương án trình Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học quốc gia. Trong đó, làm rõ và trao quyền tự chủ cao; có cơ chế, chính sách vượt trội về thu hút nhân tài, tuyển dụng các giảng viên, nhà khoa học tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới; thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các tổ chức quốc tế và trong nước...

    Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ ĐHQG-HCM tháo gỡ các vướng mắc về tài chính, quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính... để hoàn thành giai đoạn 2 của Khu đô thị hơn 640 ha.

    Trong bài phát biểu, Thủ tướng động viên mỗi thầy, cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng rèn luyện, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui.

    “Đối với sinh viên, các bạn hãy phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, là chủ thể - là những chủ nhân tương lai của đất nước. Hãy luôn nuôi dưỡng ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, cho đất nước”, Thủ tướng nhắn nhủ.

    Kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hành trình 30 năm xây dựng và phát triển vừa qua của ĐHQG-HCM là hành trình của sự kế thừa, kiên trì và liên tục đổi mới sáng tạo; là những đóng góp đầy tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên cho sự phát triển vững vàng của Đại học Quốc gia TP.HCM.

    “Bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, tôi mong muốn và tin tưởng rằng tập thể lãnh đạo, các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên ĐHQG-HCM sẽ không ngừng phát huy truyền thống và thành tích của 30 năm phát triển đáng tự hào vừa qua để có những bước phát triển đột phá, tiếp tục cùng đất nước, cùng nhân dân bước vào hành trình phát triển mới - hành trình mà sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường, sự sáng tạo không giới hạn của đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam sẽ góp phần tạo ra kỳ tích Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.

    KHẮC HIẾU

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên