Cổng thông tin việc làm

28 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa trở thành giảng viên ở Đức

  • 17/10/2021
  • Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, giành học bổng toàn phần của Liên minh châu Âu và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Pháp, Nguyễn Ngọc Thịnh, 28 tuổi, hiện giảng dạy, nghiên cứu tại khoa Robotics, Đại học Luebeck, Đức.

    Ngọc Thịnh hướng dẫn sinh viên tại Đại học Luebeck thực hành điều khiển tay máy robot bảy bậc tự do. Ảnh: NVCC

    Hồi tưởng lại những ngày tháng học tại Trường ĐH Bách Khoa, ấn tượng của Thịnh về trường là khuôn viên rất rộng và sạch đẹp. Anh nói: “Tôi rất thích đi bộ dưới những tán cây, ngồi ôn bài trong khu tự học mát mẻ. Có lẽ chỉ cần bước vào trường là tôi có thể bỏ lại những ồn ào của thành phố sau lưng, rất thích hợp để học tập và nghiên cứu”.

    Tốt nghiệp đại học loại giỏi, liên tiếp giành hai học bổng thạc sĩ và tiến sĩ danh giá tại châu Âu, sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, 26 tuổi Thịnh đã xuất sắc đạt đhọc vị tiến sĩ. Từ năm 2020, Thịnh đảm nhận vị trí chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Đại học Luebeck, chịu trách nhiệm giảng dạy hai môn Những vấn đề nâng cao trong điều khiển Robot, Robot và điều khiển tự động của chương trình thạc sĩ, đồng thời nghiên cứu các dự án khoa học.

    Thịnh cho biết Khoa Institute for Robitcs and Cognitive Systems mà anh đang công tác khá giống với Bộ môn Cơ điện tử anh từng theo học tại Trường ĐH Bách Khoa.

    “Những môn tôi đang dạy là một bản nâng cấp của những gì tôi đã được học từ Trường ĐH Bách Khoa. Như ở Bách Khoa, các thầy dạy động học tay máy qua bảng Denavit-Hartenberg, thì ở đây tôi dạy cách khai thác động học bằng trục vít và Product of Exponentials. Khi ở Bách Khoa tôi học về tay máy robot 6 bậc tự do, còn ở đây tôi dạy về tay máy 7 bậc tự do. Những tri thức các thầy cô ở Bách khoa đã dạy vẫn luôn là nền tảng để tôi tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy những vấn đề chuyên sâu hơn” - Nguyễn Ngọc Thịnh chia sẻ.

    PGS Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cho biết ông khá ấn tượng với Nguyễn Ngọc Thịnh - cậu học trò thường xuyên trao đổi, đặt câu hỏi với giảng viên. “Ngọc Thịnh ham học hỏi, nghiêm túc trong học tập và điều này giúp anh trở thành một sinh viên xuất sắc” - PGS Lộc đánh giá.

    Theo PGS Ionela Prodan, Đại học Grenoble, Ngọc Thịnh có hiểu biết sâu rộng về kỹ thuật, mạnh về Toán, tư duy logic và khả năng phân tích vấn đề.

    “Cậu ấy rất năng động, luôn tìm tòi để khám phá những điều mới và trên tất cả, cậu quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp” - ống nhận định.

    Chỉ trong 1,5 năm đầu tiên khi nhận đề tài tiến sĩ, Thịnh đã công bố nhiều nghiên cứu trong những hội nghị hàng đầu của IEEE (Hiệp hội kĩ sư điện và điện tử) và IFAC (Hiệp hội điều khiển tự động quốc tế).

    Thời gian tới, ngoài việc giảng dạy tại Đại học Luebeck, Thịnh dự định nghiên cứu về giường bệnh thông minh, có chức năng hỗ trợ vật lý trị liệu, chống viêm, loét cho bệnh nhân nếu phải nằm điều trị quá lâu. Anh cũng lên kế hoạch lấy bằng tiến sĩ khoa học tại Đức.

    PHAN ANH

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên