Cuối tháng 4/1977, Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM được thành lập trên cơ sở hợp nhất ĐH Văn khoa và ĐH Khoa học. Khi đó, trường có 5 ban Khoa học Xã hội (Văn, Sử, Địa lý, Anh văn và Pháp văn) và 5 khoa Khoa học Tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh và Địa chất).
Ngày 30/4/1977 trở thành ngày thành lập chung của các ban, khoa thuộc Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM, trong đó có Ban Sử, nay là Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM.
Trụ cột chính của Trường ĐH KHXH&NV
Ngay từ khi thành lập, Khoa Sử đã bền bỉ xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng công tác đào tạo phục vụ xã hội trong tình hình mới. Bộ máy tổ chức của Khoa Sử dần dần hoàn thiện từ cấp bộ môn, bộ phận tư liệu, văn phòng, giáo vụ, quản lý sinh viên, đến các tổ chức chính trị - đoàn thể như chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn khoa, chi hội Cựu chiến binh. Chương trình đào tạo từng bước được bổ sung, cập nhật.
Năm 1996 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường ĐH KHXH&NV trên cơ sở tách ra từ Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM. Mặc dù ở vị thế đơn vị cấp khoa nằm trong ĐHQG-HCM, Khoa Sử của Trường ĐH KHXH&NV có những thay đổi lớn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức nhân sự. Khoa trở thành chiếc “máy cái” sinh ra những ngành học mới, đồng thời là nguồn cung cấp cán bộ lãnh đạo cho trường.
Từ năm 2003 trở đi, các bộ môn Dân tộc học, Quan hệ Quốc tế, Lưu trữ và Quản trị Văn phòng thuộc Khoa Sử, lần lượt tách ra, phát triển thành những khoa mới, danh tiếng, thu hút đông đảo sinh viên theo học. Tháng 1/2017, nhà trường tiếp tục điều chuyển bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của Khoa Sử sang Khoa Triết, cùng Bộ môn Chính trị học ở đây làm nòng cốt xây dựng một khoa mới trong tương lai - Khoa Khoa học Chính trị.
Có thể nói, trong suốt chặng đường 40 năm hình thành, phát triển, Khoa Sử luôn là một trong những khoa trụ cột của Trường ĐH KHXH&NV. Đây còn là nơi hội tụ của nhiều nhà giáo ưu tú, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà, nơi sản sinh ra nhiều cá nhân tài năng trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt cho đội ngũ lãnh đạo các cấp của đất nước, nhất là ở khu vực phía Nam.
Hơn 9.000 sinh viên đã tốt nghiệp
40 năm qua, Khoa Sử đã đào tạo trên 3.000 sinh viên tốt nghiệp cử nhân hệ chính quy, 6.000 sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, vừa làm vừa học; hơn 500 thạc sĩ và 90 tiến sĩ. Đội ngũ nhà giáo trong khoa đã công bố hàng trăm công trình nghiên cứu, hàng nghìn bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Nhiều nhà khoa học của những đại học danh tiếng từ Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã đến làm việc và trao đổi tại khoa.
Hiện tại, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều đòi hỏi mới của thời cuộc, nhưng Khoa Sử vẫn vững vàng tiến lên phía trước, trở thành một trong những cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu của đại học Việt Nam trong lĩnh vực khoa học lịch sử. Với vị trí là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu KHXH&NV chất lượng cao ở các tỉnh thành phía Nam, Khoa Sử sẽ phát triển theo hướng “đại học nghiên cứu”, từng bước giao lưu hội nhập khu vực và quốc tế; thực hiện nghiên cứu cơ bản và ứng dụng nhằm giải quyết những vấn đề lớn của khoa học lịch sử, đặc biệt là lịch sử Nam bộ, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là các tỉnh phía nam của Tổ quốc.
Năm 2017 Khoa Sử tuyển sinh 120 chỉ tiêu
Sau khi tách bốn bộ môn ra khỏi khoa, hiện nay Khoa Sử còn 4 bộ môn, với các chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Lịch sử Đảng CSVN, Khảo cổ học. Khoa quản lý 12 chương trình đào tạo (CTĐT), gồm 4 CTĐT cử nhân chuyên ngành, 1 CTĐT cử nhân tài năng, 4 CTĐT thạc sĩ và 3 CTĐT tiến sĩ. Khoa đang đào tạo 560 SV đại học hệ chính quy, 140 học viên cao học, 50 NCS.
Năm học 2017-2018, Khoa Sử tuyển sinh 120 chỉ tiêu đại học (các khối C, D1, tổ hợp môn xét tuyển là Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh), 60 học viên cao học, 10-12 nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Mai Du
Hãy là người bình luận đầu tiên