Tin tổng hợp

Ba gương mặt trẻ ĐHQG-HCM tham gia SSEAYP 2016

  • 21/10/2016
  • Vượt qua 1.000 hồ sơ với 3 vòng tuyển chọn khắt khe, Hoàng Bảo, Khánh An, Nhật Anh - sinh viên ĐHQG-HCM đã trở thành ba trong số 28 thành viên Việt Nam tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) lần thứ 43 - 2016.

        Chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBQG về Thanh niên Việt Nam tổ chức diễn ra từ 25/10 đến 15/12/2016 tại các nước: Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Indonesia.

    Giàu thành tích, nhiều trải nghiệm

    Tên đầy đủ của ba sinh viên ĐHQG-HCM tham gia SSEAYP là Tạ Nhật Anh (Khoa Quan hệ Quốc tế Trường ĐH KHXH&NV), Trần Khánh An (Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV) và Nguyễn Hoàng Bảo (Khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Quốc Tế). Các bạn có đặc điểm chung là giỏi tiếng Anh, năng động và tích cực tham gia hoạt động xã hội.

    Tạ Nhật Anh được biết đến với vai trò là thành viên ban tổ chức Global Village 2015 (Ngôi làng toàn cầu 2015 - một trong ba sự kiện chính trong chuỗi chương trình “Hội nghị Thanh niên Toàn cầu 2015” của AIESEC - PV), thành viên ban tổ chức Youth To Business Forum 2015 (Diễn đàn trẻ với doanh nghiệp) và đồng sáng tạo video đoạt giải Nhất cuộc thi CJ Innovative Challange 2014. 

    Còn Nguyễn Hoàng Bảo khắc tên mình với những hoạt động truyền thông nổi bật. Anh là đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á 2014-2015; đại diện của Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Google Student Ambassador SEA 2014 tại Cebu, Philippines; đại diện Việt Nam tham gia chương trình Mekong Friendship Project 2014 diễn ra tại Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam; và cũng là gương mặt đại diện Việt Nam tham gia chương trình Asean Youth Exchange Program 2014 diễn ra tại Thái Lan.

    Trong khi đó, mặc dù chỉ là sinh viên năm nhất, nhưng Trần Khánh An đã chinh phục ban tổ chức chương trình bởi nhiều hoạt động và thành tích ấn tượng: đại biểu trẻ nhất tham dự chương trình JENESYS 2.0 do chính phủ Nhật Bản tài trợ; giải Ba tiếng Anh cấp thành phố; đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT Quốc gia (27/30 điểm); giải Nhất cuộc thi NTH's got Talent và giải Nhất cuộc thi For A Better World.

    Bên cạnh những tài năng và thành tích, ba bạn trẻ này còn trở nên dày dặn hơn khi tham gia rất nhiều cuộc trải nghiệm ở trong và ngoài nước: Hoàng Bảo đã đặt chân đến 9 đất nước trong khối ASEAN; Nhật Anh và Khánh An đã khoác ba lô đi khám phá gần hết mọi miền của Tổ quốc.

    Nguyễn Hoàng Bảo tại trụ sở Google, Singapore. Ảnh: NVCC

    SSEAYP - từ sở thích đến đam mê

    Có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau trong khu vực, mở rộng tầm nhìn ra thế giới, nâng cao kiến thức và kỹ năng bản thân về nhiều lĩnh vực là mơ ước của hầu hết thanh niên, sinh viên Việt Nam. Vì vậy, mỗi năm, khi SSEAYP tuyển thành viên, rất nhiều hồ sơ được các bạn trẻ chuẩn bị kỹ lưỡng và gửi đến ban tổ chức.

    Năm 2016, ban tổ chức nhận được 1.000 hồ sơ dự tuyển. Sau khi lọc ra các hồ sơ nổi bật về hoạt động xã hội, kết quả học tập và khả năng tiếng Anh, có 96 thí sinh lọt vào vòng 2: kiểm tra thực tế những gì đã khai trong hồ sơ đăng ký. Cuối cùng ban tổ chức chọn được là 28 thanh niên xuất sắc nhất tham dự SSEAYP.

    Nhật Anh chia sẻ: “Mình nói đùa với mọi người rằng mình đăng ký SSEAYP vì muốn sống đúng với cái tên mà ba mẹ đặt cho: ‘Nhật Anh’. Thực ra, khi đăng ký mình không suy nghĩ gì nhiều ngoài sở thích ‘ghiền hơi người’ và mong muốn thử thách bản thân xem mình là ai, mình có giá trị gì cho cuộc sống này. Và may mắn, mình đã được chọn”.

    Tạ Nhật Anh tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

    Đối với Khánh An, tham gia SSEAYP là cả một trời đam mê. “Lúc mới vào đại học, xung quanh mình ai cũng nói về SSEAYP, mình cảm thấy nó to lớn đến mức khó mà chạm được. Dẫu biết khả năng một sinh viên năm nhất được chọn là không cao nhưng mình rất thích câu triết lý rằng ‘In the end, you only regret the chances you didn’t take’(Sau tất cả, điều duy nhất có thể làm bạn hối tiếc đó chính là đã không theo đuổi những cơ hội đã đến với bạn).  Thế là mình quyết tâm nộp đơn. Hơn nữa, đam mê lớn nhất của mình là ngôn ngữ và văn hóa. Và không còn nơi nào tuyệt hơn để thỏa niềm đam mê đó ngoài SSEAYP cả” - Khánh An cho biết.

    Còn Hoàng Bảo, anh không giấu được niềm vui: “SSEAYP là cơ hội vô giá, lại đến vào thời điểm vô cùng thích hợp khi mình vừa tốt nghiệp trường đại học và hứa hẹn sẽ giúp năm gap-year của mình trở nên ý nghĩa hơn. SSEAYP chính là bước đệm để bản thân trưởng thành hơn từ các mối quan hệ quốc tế; là dịp được trau dồi kiến thức, cải thiện kỹ năng từ những hoạt động trên tàu”. 

    Mang hình ảnh Việt Nam ra biển lớn

    Tham gia SSEAYP, bên cạnh mong muốn học hỏi, khám phá bản thân và thỏa mãn đam mê, Hoàng Bảo, Khánh An, Nhật Anh còn nung nấu cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

    Khánh An chia sẻ: “18 tuổi - 18 năm ở Việt Nam, mình cảm thấy đất nước này không chỉ là những lần bất khuất đánh đuổi quân thù, cũng không chỉ là 4.000 năm văn hiến, mà nó còn là ly cà phê sữa đá lề đường, là những thùng trà đá miễn phí khắp nẻo đường thành phố, là những người trẻ sáng sớm đi làm, gồng mình đóng góp cho xã hội, tối tối lại ra Nhà thờ Đức Bà uống cà phê bệt, tán gẫu. Mình muốn đem một Việt Nam rất trẻ, một Việt Nam đang tự mình đi lên, một Việt Nam không chỉ dừng lại ở giàu có về văn hóa, mà còn đang tạo ra những nét văn hóa mới… đến với thế giới”.
     

    Trần Khánh An tại Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: NVCC

    Hoàng Bảo cho rằng: “Sau 4 năm đại học, việc lựa chọn cách trải qua đời sinh viên tùy thuộc vào từng cá nhân. Có bạn sẽ chọn học tập là vấn đề ưu tiên hàng đầu, có bạn chọn công việc làm thêm, hay dành thời gian đầu tư vào gia đình. Còn đối với mình, không phải mình bỏ bê việc học, hay thiếu quan tâm gia đình, mà mình chọn cách dùng sức trẻ để cống hiến cho xã hội, dùng khả năng bản thân để mang cái hồn nước Việt đến cho người khác. Tham gia SSEAYP, với mình, đó là sứ mệnh mang hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra biển lớn”.

    BẢO KHÁNH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên