Tên luận án: Câu tiếng Stiêng (có đối chiếu với câu tiếng Việt)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 9222024
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Thanh Tâm
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Khắc Cường (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng); PGS.TS.Trần Thủy Vịnh (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Câu tiếng stiêng (có đối chiếu với câu tiếng Việt) là một đề tài tương đối mới trong việc nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đề tài tập trung nghiên cứu về đặc điểm hoạt động ngữ pháp của tiếng Stiêng.
Trong luận án, chúng tôi dựa trên cơ sở lý thuyết của ngữ pháp cấu trúc để nhận diện, miêu tả và phân tích các kiểu loại câu tiếng Stiêng trên bình diện cú pháp và ngữ nghĩa. Đề tài tập trung miêu tả và phân tích để làm rõ đặc điểm cấu tạo, phân loại chức năng, cú pháp và ngữ nghĩa của từng kiểu loại câu tiếng Stiêng như câu đơn, câu ghép, câu phức, câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cảm thán.
Ngoài ra, luận án còn đối chiếu giữa các mô hình cấu trúc câu tiếng Stiêng và mô hình cấu trúc câu tiếng Việt nhằm làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Đóng góp về mặt khoa học
Luận án cung cấp kiến thức về câu trong tiếng Stiêng về cấu trúc và mục đích nói năng.
2.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Kết quả nghiên cứu câu tiếng Stiêng có thể sử dụng để xây dựng chương trình giáo dục song ngữ cho đồng bào Stiêng, biên soạn từ điển tiếng Stiêng, các loại sách công cụ tiếng Stiêng nhằm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giao tiếp chính thức và phi chính thức cho đồng bào Stiêng. Kết quả nghiên cứu này cũng góp phần vào việc xây dựng
các giải pháp, chính sách nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển tiếng nói của tộc người Stiêng ở Việt Nam.
3. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
Những nghiên cứu về tiếng Stiêng vẫn còn khá khiêm tốn. Do vậy, theo chúng tôi, việc nghiên cứu về tiếng Stiêng cần phải được tiếp tục đầu tư, chủ yếu là những nghiên cứu theo các hướng sau:
- Nghiên cứu cấu trúc câu tiếng Tsiêng theo hướng Đề - Thuyết;
- Tiếp tục nghiên cứu, so sánh câu trong tiếng Stiêng hiện đại và câu trong tiếng Stiêng trong các văn bản luật tục, văn học dân gian,… để xem xét sự biến đổi nếu có của câu về mặt cấu trúc, nhất là trật tự từ, hư từ;
- Tiếp tục nghiên cứu sự phát triển của các từ hư (từ công cụ) trong tiếng Stiêng.
Hãy là người bình luận đầu tiên