Tin tổng hợp

COVID-19: LÀM GÌ ĐỂ VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI VÀ SẴN SÀNG CHO NĂM HỌC MỚI?

  • 06/09/2021
  • Dịch bệnh COVID đã gây tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là các bạn học sinh, sinh viên ngay trong những ngày đầu năm học mới 2021-2022. Hầu hết các bạn đều có tâm trạng lo lắng, mệt mỏi khi phải đối đầu với dịch bệnh mà không biết chắc chắn khi nào sẽ được trở lại trường, gặp bạn bè, thầy cô giáo. Để có thể vượt qua nỗi sợ hãi và sẵn sàng cho một năm học trong tình trạng bình thường mới, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM đề nghị các bạn học sinh, sinh viên và thầy cô giáo nên quan tâm áp dụng giải pháp của các chuyên gia tâm lý hàng đầu trên thế giới.

    LO SỢ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU

    Bộ não hoạt động theo vòng lặp của những thói quen. Việc thường xuyên đọc tin về dịch bệnh dẫn đến lo sợ rồi nóng giận là một vòng lặp như vậy. Khi bộ não đầy lo sợ, nó sẽ không thể chứa thông tin khác, dù tích cực. Để giảm bớt sự sợ hãi, hãy tạo những thói quen tích cực cho bộ não. Ví dụ trước khi đọc một tin tức, nó có làm bạn thêm lo lắng hay không? Nếu có thì liệu bạn có thể chọn một hoạt động khác tích cực hơn được không? Nấu một bữa cơm cho hay viết email cho người thân hay tham gia một khóa học trực tuyến, một hoạt động tình nguyện chẳng hạn. Những hoạt động tích cực này sẽ giúp bạn loại bỏ lo lắng từ các tin tức về dịch bệnh đang ngập tràn trên mạng.

    6 GIẢI PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI LO SỢ

    1. Điều chỉnh lại nhận thức
    Theo đó nên hiểu lo sợ là một cảm xúc tự nhiên của con người. Sự không chắc chắn về tương lai, về những sự việc đang diễn ra là nguyên nhân chính gây ra lo sợ. Nên chấp nhận và tìm cách hóa giải nó, biến nó thành động lực để hành động tích cực. Từ ngàn năm trước, nhờ biết lo sợ, tổ tiên của chúng ta đã có thể tránh được những loài thú dữ.

    Nhà thần kinh học Suzuki của Đại học New York cho rằng đừng tự nhốt mình trong sự sợ hãi, hãy làm một việc cụ thể và đơn giản, như gọi điện thoại, nhắn tin hỏi thăm những người thân yêu của mình chẳng hạn.

    2. Tập thở
    Nếu cảm thấy lo lắng hoặc tức giận, hãy hít thở sâu cho đến khi lấy lại sự bình tĩnh. Bài tập này rất đơn giản và có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi. Nó là quá trình lặp lại của việc đếm chậm từ 1 đến 4 khi hít thật sâu và lại đếm đến 4 khi bạn thở ra.

    3. Vận động
    Lo lắng có thể biến mất bằng cách vận động cơ thể. Đại dịch COVID đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, là nguyên nhân gây ra các bệnh cho tim, hệ tiêu hóa, sinh sản, thậm chí gây hại cho các tế bào não.

    Tập thể dục, dù chỉ 10 phút mỗi ngày, sẽ tạo ra sự khác biệt. Suzuki nói: “Mỗi khi cơ thể chuyển động, các chất hóa học tiết ra từ hệ thần kinh có tác dụng như một chất xúc tác làm giảm lo sợ, căng thẳng và trầm cảm". Tập thể dục cũng có thể xoa dịu cơn hoảng loạn, rối loạn tâm thần và giấc ngủ.

    4. Kết nối với người thân và bạn bè
    Kết nối với người thân, bạn bè là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần. Nó bao gồm việc chăm sóc những người thân đang sống cạnh mình cũng như chia sẻ, trò chuyện với những người mà do cách ly, phong tỏa không thể gặp trực tiếp.

    5. Tham gia một hoạt động nghi lễ
    Các hoạt động nghi lễ, truyền thống hoặc tôn giáo, sẽ làm dịu đi nỗi lo sợ. Suzuki đã tìm cách kết hợp nghi lễ và thiền khi tham gia một buổi lễ trà ở Bali năm 2015. Kể từ đó, cô tự mình lặp lại thiền trà trong im lặng vào mỗi buổi sáng để xoa dịu nỗi lo lắng của chính mình trong đại dịch COVID.

    6. Chấp nhận tình trạng bình thường mới
    Cần chấp nhận thực tế rằng tình trạng bình thường mới có thể sẽ không bình thường như trước đại dịch. Dù mong muốn thế nào đi chăng nữa thì COVID-19 vẫn hiện hữu và chúng ta phải tìm cách tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình trong thời gian dài.


    4 ĐIỀU NÊN LÀM ĐỂ GIỮ LỚP HỌC AN TOÀN
    1/ Bảo vệ bằng vắc xin
    Không còn nghi ngờ gì nữa, vắc xin sẽ góp phần quan trọng để bảo vệ bạn an toàn trước dịch bệnh. Đối với các em nhỏ chưa đủ tuổi thì tất cả người lớn tiếp xúc hằng ngày ở nhà cũng như ở trường cần phải được tiêm vắc xin. Tiến sĩ Jason, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Washington thông tin từ dữ liệu tiêm chủng ở Israel cho thấy rằng càng nhiều người lớn tiêm chủng, càng ít trẻ em bị nhiễm vi rút.

    2/ Đeo khẩu trang loại tốt
    Khi tất cả mọi người đều phải đeo khẩu trang trong trường học thì có thể hạn chế sự lây lan của vi rút. Nghiên cứu mới nhất của Đại học Duke cho thấy việc đeo khẩu trang loại tốt có thể giúp ngăn chặn khả năng lây lan của biến thể Delta xuống dưới 3%.

    3/ Mở tất cả cửa của lớp học
    Vi rút Corona chủ yếu lây lan qua không khí. GS Jimenez từ Đại học Colorado cho biết các hạt vi rút có thể tích tụ và tồn tại trong nhà, đôi khi hàng giờ. Hãy tưởng tưởng về vi rút giống như khói thuốc lá. Khi một người hút thuốc, ban đầu khói chỉ bay quanh họ. Nhưng sau nửa giờ, cả căn phòng sẽ bị ngập trong khói. Nếu muốn hút sạch khói trong phòng, bạn phải mở tất cả cửa sổ và cửa ra vào.

    4/ Ưu tiên cho hoạt động ngoài trời
    GS Jimenez và nhiều chuyên gia khác kêu gọi các trường học nên có càng nhiều hoạt động ngoài trời càng tốt. Đặc biệt là trong bữa trưa, thời điểm dễ bị tổn thương nhất khi học sinh phải tháo khẩu trang. Nếu các em phải ăn trong nhà, hãy mở cửa sổ, sử dụng bộ lọc không khí di động, giảm thời gian ăn uống và hạn chế nói chuyện.

    ***Chúc các em học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn, đạt kết quả xuất sắc trong học tập. ĐHQG-HCM, giảng đường, thầy cô, KTX mong sớm được gặp lại các em, nhất là các em tân sinh viên khóa tuyển 2021.

    VŨ HẢI QUÂN
                                                           

    Tham khảo:
    [1] https://www.npr.org/2020/10/23/927134772/when-the-headlines-wont-stop-here-s-how-to-cope-with-anxiety
    [2] https://www.npr.org/sections/health-shots/2021/09/04/1033672045/6-tips-for-coping-with-covid-anxiety-this-fall-and-winter
    [3] https://www.npr.org/sections/back-to-school-live-updates/2021/09/03/1033691323/your-school-can-keep-delta-spread-to-a-minimum-by-using-layers-of-protection

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên