Cổng thông tin việc làm

Đi đến cùng với điều mình lựa chọn

  • 04/02/2020
  • Hơn một tuần trở về từ Hà Nội sau lễ trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019, Nguyễn Thúy Duy cho biết đích đến của mình không phải là giải thưởng cấp bộ. Cô sinh viên năm cuối Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM muốn tìm kiếm điều gì đó lớn hơn cho mình và xã hội.

    Nguyễn Thúy Duy - sinh viên năm IV, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Nguồn: NVCC

    Mọi thứ không dừng lại ở giải Nhì cùng đề tài “Cái hồng nhan trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và thơ Hồ Xuân Hương qua lăng kính nữ quyền luận”.

    Đọc tác phẩm cổ từ góc độ giới

    * Truyện Kiều vốn không xa lạ với giới nghiên cứu. Thúy Duy có tự làm khó mình khi chọn tác phẩm kinh điển này?

    - Thật ra khi tôi làm đề tài này mọi người đều hỏi sao lại chọn một tác phẩm quen thuộc đến vậy? Nhiều nhà nghiên cứu trước đó đã nói rất nhiều, do đó khi làm sẽ dễ rơi vào trường hợp nói lại những điều người khác nói. Áp lực là có, nhưng tôi nghĩ xưa nay chúng ta thường nhìn Truyện Kiều ở góc độ văn hóa, ngôn ngữ. Chủ đề phụ nữ cũng có nhưng tại sao mình không đặt câu hỏi lớn hơn, liệu Nguyễn Du đã đặt góc nhìn chính nào về phụ nữ. Chẳng hạn, Hồ Xuân Hương mang góc nhìn của người nữ nói về người nữ xét trong tương quan Nguyễn Du với góc nhìn từ người nam về người nữ. Qua sự so sánh đó, ta có thể thấy hình ảnh người phụ nữ được nhìn nhận như thế nào từ góc độ giới của nhà thơ. Phải chăng trong giai đoạn này, văn học Việt Nam đã mang xu hướng nữ quyền, yếu tố này rất phù hợp để phục vụ cho đề tài nghiên cứu của tôi. Do đó, tôi đã chọn đề tài “Cái hồng nhan trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và thơ Hồ Xuân Hương qua lăng kính nữ quyền luận”.

    * Đọc Truyện Kiều và thơ Hồ Xuân Hương dưới góc độ nữ quyền luận, cách đọc này đã mang lại những trải nghiệm gì cho Thúy Duy?

    - Ở xã hội Việt Nam thời quân chủ, người phụ nữ được/bị nhận thức về tầm quan trọng chuyện trinh tiết như sinh mệnh đạo đức của mình. Do đó, khi phụ nữ được tự do về trinh tiết, họ sẽ được tự do về số phận, cuộc đời của mình. Người nữ trong tác phẩm của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương dường như loay hoay với chuyện trinh tiết rất nhiều. Thúy Kiều “như nàng lấy hiếu làm trinh”, chữ trinh gắn liền với chữ hiếu, hay thất trinh là thất tiết, đặc biệt khi nhắc về cái hồng nhan - người phụ nữ đã đẹp, chắc chắn lại không thể thoát khỏi bàn tay của vua chúa. Người nữ bị chi phối bởi xã hội nhưng rộng hơn, liệu bản thân người phụ nữ có thể quyết định đến trinh tiết hay cho phép nó ảnh hưởng nhiều đến mình hay không?

    Nói về Đạm Tiên, Nguyễn Du có câu “Sống thì tình chẳng riêng ai/ Khéo thay thác xuống ra người tình không”. Chữ “không” này là sự dự báo cho lựa chọn của Thúy Kiều về sau. Dõi theo tác phẩm, có thể thấy khi Thúy Kiều quay về gia đình, nàng đã không chọn hàn duyên với Kim Trọng mà chọn nương nhờ cửa Phật. Thẳm sâu trong Kiều, nàng đã ý thức việc mình có quyền quyết định, lựa chọn bước đến Kim Trọng hoặc tự sống cho chính mình mà không chọn bất kỳ ai. Chữ “không” đó vừa có nghĩa rộng, liên quan tư tưởng Phật giáo, vừa là cách sống giữ cho mình. Phần lớn người phụ nữ thời kỳ trước thường bị chi phối bởi khung văn hóa xã hội, nhưng đâu đó vẫn có những con người giữ ý thức tự quyết chính cuộc đời của mình như nàng Kiều. Điều này có thể hiểu là sự tự trọng đã ăn sâu vào trong bản thể nàng. Trong khi đó, người nữ trong thơ Hồ Xuân Hương rơi vào vấn đề khác. Họ giỏi, đa tình, luôn có suy nghĩ muốn bứt mình ra khỏi nam giới, nhưng khi càng muốn bứt ra lại rơi vào trạng thái bị dính chặt, càng cố bước ra lại càng lún sâu thêm.

    Nguyễn Du đối thoại về trinh tiết với người Việt trẻ

    * Tìm lối đi riêng như vậy, Thúy Duy đã chuẩn bị cho đề tài này của mình như thế nào?

    - Tôi bắt đầu đọc tài liệu phục vụ cho đề tài nghiên cứu này từ tháng 10/2018 cùng lúc phải làm khóa luận tốt nghiệp. Quả thực có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ với tôi.

    Đầu tiên là vấn đề tiêu hóa tài liệu như thế nào cho phù hợp. Phần lớn tài liệu tôi đọc là tiếng Việt, nhưng thường gặp thuật ngữ Hán Việt như “cái hồng nhan” phải tra từ điển mới hiểu được. Việc làm này giúp tôi mở rộng vốn từ vựng của mình rất nhiều. Ngoài ra, một số tài liệu về nữ quyền luận toàn là tiếng Anh, nên buộc tôi phải đọc và tự dịch, xem như rèn luyện kỹ năng tiếng Anh cho mình.

    Thứ hai là vấn đề quan điểm. Khi mình làm nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ gặp những vấn đề bất đồng quan điểm. Người nghiên cứu phải giữ tâm thế tin vào cái mình đang làm và phải có quan điểm rõ ràng để đi trên hành trình nghiên cứu đó. Chúng ta không nên bị những thứ xung quanh tác động, cho dù sai hay thất bại nhưng chính mình đã quyết định và lựa chọn nó, hãy tin vào bản thân và trực giác của mình.

    Đối với người hướng dẫn, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Ngay từ đầu, tôi đã xác định với cô mình sẽ tiếp cận đề tài theo hướng đó, quan điểm đó nên cô ủng hộ tôi. Cô còn hỗ trợ tôi phần lý thuyết khi xử lý tài liệu và chỉnh sửa câu từ. Cô rất tôn trọng ý kiến của tôi và cho tôi quyền quyết định cách triển khai và làm đề tài sau đó.

    Tuy nhiên, khi làm đề tài tôi còn phải hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, điều này khiến tôi chịu áp lực về thời gian khá lớn. Nhiều lúc tôi nghĩ mình buộc phải chọn một trong hai. Đứng trong nan đề, tự mình phải cứu mình. Tôi dành hai tuần liền dừng mọi việc lại, để cho mình một khoảng lặng, tự vấn xem tiếp tục được hay không. Sau đó, tôi đã quyết định đi tiếp và làm đến cùng.

    Tôi sử dụng khoảng 60 bộ tài liệu tham khảo cho đề tài này với hai tác giả nghiên cứu về Truyện Kiều mà tôi tâm đắc nhất. Đầu tiên là GS Trần Đình Sử với tác phẩm Thi pháp Truyện Kiều, người thứ hai giúp tôi cảm thấy Truyện Kiều vừa hiện đại vừa gần gũi là nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. Thầy đã giúp tôi tiếp xúc Truyện Kiều từ góc nhìn của phương Tây rộng mở hơn.

    * Theo Thúy Duy, với Truyện Kiều, Nguyễn Du có thể đối thoại gì với người trẻ hôm nay?

    - Khi đọc Truyện Kiều, ta thấy Nguyễn Du rất chỉn chu, trau chuốt trong từng câu thơ của mình. Dường như, mỗi câu, mỗi chữ đều mang những hàm ý, phong vị độc đáo. Từ những vấn đề về trinh tiết trong Truyện Kiều, soi chiếu vào phụ nữ hôm nay, tôi cho rằng Nguyễn Du đã đặt ra cho mình ba vấn đề chính.

    Thứ nhất, ở xã hội hiện tại vẫn có rất nhiều người phụ nữ hồng nhan nhưng lại chọn cho mình cuộc sống độc thân, họ không muốn lập gia đình. Phải chăng đây là một xu hướng phụ nữ đang cố tách mình ra khỏi nam giới hay họ đang tự chủ trong việc lựa chọn người yêu, quan tâm tới đời sống cá nhân nhiều hơn?

    Thứ hai là vấn nạn trẻ em bị lạm dụng tình dục, nam cũng có nhưng nữ chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Trẻ em nữ khi bị xâm hại tình dục sẽ có một mặc cảm rằng “mình không còn”. Chính suy nghĩ đó khiến cho các em loay hoay cả đời vì bị ảnh hưởng tâm lý. Do đó, việc mình suy nghĩ thoáng hơn về vấn đề trinh tiết, vị trí trong xã hội sẽ giúp cho các em định hình lại được bản thân và tự tin bước tiếp. Tôi cũng mong muốn mọi người có sự thay đổi nhận thức từ từ theo thời gian về vấn đề trinh tiết.

    Thứ ba chính là câu chuyện người nữ có quyền trao đi hay giữ lại trinh tiết đó bên mình. Hãy trao trả lại quyền đó cho phụ nữ, bản thân xã hội không ủng hộ và cũng không phán xét thì đấy chính là những liên hệ từ đề tài của tôi đến thực tại.

    Càng tìm hiểu sâu về nữ quyền, tôi càng thấy khi người nữ có tư duy mình thua người nam, mình bị đàn áp thế này thế nọ, tự nhiên họ sẽ buộc mình vào trong một cái khung, cái khung của định kiến giới. Do đó, hãy tự bứt mình ra khỏi đó đi, hãy suy nghĩ mình cũng như họ, đừng nghĩ mình là phái yếu nên thua kém, ngoài vấn đề về thể chất, sinh học như thiên chức làm mẹ làm bố…

    PHIÊN AN - HOÀNG AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên