Tin tức - Sự kiện

Giảm nghèo với cách tiếp cận nghèo đa chiều ở vùng Đông Nam Bộ - NCS. Trần Thị Sen

  • 23/11/2021
  • Tên đề tài LATS: Giảm nghèo với cách tiếp cận nghèo đa chiều ở vùng Đông Nam Bộ
    Chuyên ngành: Kinh tế chính trị
    Mã số: 62310102
    Họ tên NCS: Trần Thị Sen
    Mã số NCS: N17703003
    Người hướng dẫn khoa học: HD1/HDĐL: PGS,TS. Hồ Trọng Viện; HD2: TS. Lưu Thị Kim Hoa
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận liên quan đến nghèo đa chiều và giảm nghèo bền vững, luận án đã lựa chọn lý thuyết nền tảng để từ đó xây dựng khung nghiên cứu dựa trên những lý luận về giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều ở vùng ĐNB. Luận án đã tiến hành phân tích và đánh giá thực trạng nghèo theo cách tiếp cận nghèo đa chiều vùng Đông Nam Bộ dựa trên những bằng chứng thực tiễn từ số liệu sơ cấp và thứ cấp. Luận án đã đánh giá các yếu tố tác động đến khả năng nghèo và không nghèo đa chiều của hộ gia đình, đồng thời tiến hành phân tích những bối cảnh mới tác động đến nghèo và giảm nghèo theo cách tiếp cận nghèo đa chiều vùng Đông Nam Bộ,  từ đó làm căn cứ cho việc đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều ở vùng Đồng Nam Bộ trong thời gian tới.
    Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài luận án được kết cấu gồm 04 chương được cấu trúc như sau:
    Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu về nghèo đói và phương pháp nghiên cứu.
    Chương 2: Cơ sở lý thuyết và thực tiễn về nghèo đói.
    Chương 3: Thực trạng nghèo đa chiều Vùng ĐNB.
    Chương 4: Định hướng và giải pháp giảm nghèo đa chiều vùng ĐNB.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Luận án đã hệ thống hoá các vấn đề về giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều và tiếp cận theo nguồn vốn sinh kế. Trong quá trình xây dựng chính sách giảm nghèo, Việt Nam đã tiếp cận nhiều phương pháp giảm nghèo gồm cách tiếp cận từ trên xuống và cách tiếp cận xây dựng kế hoạch giảm nghèo có sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, hai cách tiếp cận này cho thấy sự hạn chế trong việc đạt được việc giảm nghèo một cách toàn diện. Do vậy, luận án đã tiếp cận vấn đề giảm nghèo theo nguồn vốn sinh kế bền vững hướng đến giảm nghèo đa chiều bền vững. Trên cơ sở đánh giá được thực trạng nghèo theo cách tiếp cận NĐC ở vùng ĐNB cũng như xác định được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến NĐC của Vùng, trong đó có các nhân tố mới như giáo dục, y tế, mức sống cũng như đánh giá chính sách giảm nghèo thời gian qua và những tác động của bối cảnh mới, đề tài đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng NĐC vùng ĐNB, xác định được các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghèo và từ đó khuyến nghị các giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả chính sách phúc lợi cho người nghèo, tác động bền vững và lâu dài cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng ĐNB.
    Kết quả của đề tài sẽ là một bộ phận thông tin để chính quyền các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐNB xem xét vận dụng trong các hoạch định chính sách giảm nghèo.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Đề tài luận án có những hạn chế nhất định do thiếu nguồn lực nghiên cứu. Thứ nhất, phương pháp tiếp cận giảm nghèo theo nguồn vốn sinh kế vẫn còn một số hạn chế cần cản tiến theo hướng: (i) tiếp cận theo kết quả, (ii) hài hòa lợi ích của nhà nước, thị trường và cộng đồng, (iii) tiếp cận theo chuỗi giá trị. Thứ hai, luận án chỉ tập trung nghiên cứu vào nhóm đối tượng người nghèo đa chiều mà không đề cập đến nhóm cận nghèo và nhóm thoát nghèo. Cũng như vậy, luận án không xem xét thực trạng nghèo đa chiều và các yếu tố tác động nghèo đa chiều đến từng nhóm dân cư như dân tộc, nhóm thu nhập/ chi tiêu, thành thị/ nông thôn. Thứ ba, mô hình các yếu tố tác động đến nghèo đa chiều, tác giả cũng chỉ xem xét các yếu tố tác động đến khả năng nghèo/ không nghèo đa chiều mà không xem xét đến yếu tố ảnh hưởng đến các khả năng khác như thoát nghèo/ tái nghèo hay mức độ nghèo đa chiều của hộ gia đình trên từng chiều hay chỉ số nghèo đa chiều. Thứ tư, đề tài luận án mặc dù nghiên cứu ở vùng ĐNB, nhưng tác giả chỉ tiếp cận vấn đề nghèo đa chiều cho cả Vùng mà không đi sâu giải quyết bài toán nghèo đa chiều cho từng tỉnh, thành phố trong Vùng. Dựa trên những hạn chế này, các nghiên cứu tiếp theo có thể khai thác để cung cấp những bằng chứng thực nghiệm tạo nền tảng lý luận vững chắc hơn cho việc xây dựng các chương trình, dự án giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững cho vùng ĐNB nói riêng và Việt Nam nói chung.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên