Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Hãy coi đau đớn của bệnh nhân như đau đớn của mình*

  • 20/10/2023
  • Tại Lễ Tốt nghiệp Khoa Y ĐHQG-HCM vào sáng 20/10, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đã gửi lời nhắn nhủ về tinh thần tu tâm, trách nhiệm thấu cảm và ý thức tự học suốt đời của người thầy thuốc cho các tân bác sĩ, dược sĩ. Đồng thời, ông dành nhiều kỳ vọng và định hướng phát triển cho Khoa Y trở thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe trong thời gian tới. Website ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu và lược trích bài phát biểu giàu ý nghĩa này đến quý độc giả.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM - là diễn giả khác mời, phát biểu tại Lễ Tốt nghiệp của Khoa Y ĐHQG-HCM. Ảnh: PHIÊN AN

    Tôi thấy những gương mặt rạng ngời, những nụ cười hạnh phúc, những giọt nước mắt tự hào! Rất nhiều cảm xúc cho một buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt này. Từ hôm nay, các bạn đã trở thành bác sĩ, dược sĩ. Một cột mốc quan trọng. Một hành trình mới, thách thức mới, cơ hội mới, quyết định mới! Cũng như quyết định cách đây 5-6 năm các bạn đã chọn theo nghề Y, chọn Khoa Y ĐHQG-HCM và tôi nghĩ rằng đó là quyết định quan trọng và đúng đắn.

    Thầy thuốc cần có tâm, cảm và học

    Khi nghĩ về thầy thuốc, cũng giống như thầy giáo, chữ đầu tiên mà tôi nghĩ đến là chữ TÂM. Tất nhiên nghề nghiệp nào cũng cần những người có đạo đức. Bác Hồ cũng đã căn dặn: thầy thuốc như mẹ hiền. Tôi có tìm đọc trên mạng về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791), nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn của nước ta, là tác giả của pho sách trứ danh Lãn Ông Tâm Lĩnh hay Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh. Ông cho rằng: Phàm người học (Đông Y) tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận Nho học thì học y mới dễ.

    Ông căn dặn: (1) Với những người bệnh nghèo túng, mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, những người con thảo, vợ hiền nên chăm sóc đặc biệt, khi cần còn chu cấp giúp đỡ họ mới đáng gọi là nhân thuật. (2) Chữa bệnh cho người khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp. Nghề y là thanh cao, càng phải giữ khí tiết cho trong sạch.

    Chữ thứ 2 mà tôi nghĩ tới là chữ CẢM, là đồng cảm, là thấu cảm với bệnh nhân. Một ánh mắt, một nụ cười, một cái bắt tay, một lời động viên, thậm chí là một thông báo kết quả chẩn đoán, đôi khi có tác dụng lớn hơn là một liều thuốc. “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương” - tôi trích lại lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

    Trong tiếng Anh có từ curehealing. Tiếng Việt có từ chữa bệnhđiều trị. Điều trị có nghĩa chẩn đoán, dùng thuốc tấn công mầm bệnh, tiêu diệt virus gây bệnh, tức là chữa bệnh về thể xác! Nhưng chữa lành bệnh có thể không chỉ là chữa bệnh về thể xác mà còn là hàn gắn và xốc lại tinh thần để cải thiện chất lượng cuộc sống, ngay cả khi không thể chữa khỏi bệnh về thể xác. Và healing chỉ thực hiện được nếu bạn đồng cảm với người bệnh! Bác Hồ đã viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Rõ ràng muốn chữa bệnh tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bên ngoài, mà cần phải quan tâm cả những vấn đề tình cảm, tinh thần để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Phải biết đồng cảm, thấu hiểu, thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, coi đau đớn của họ như đau đớn của mình, thì lúc đó mới tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.

    Tôi cho rằng đây là vấn đề về tính chuyên nghiệp của các bác sĩ y khoa. Họ cần được giáo dục các giá trị đạo đức, thái độ và cách hành xử ngay từ khi còn nhỏ. Vì một khi thói quen xấu đã phát triển thì rất khó thay đổi.

    Chữ thứ 3 là chữ HỌC, là không ngừng học tập để nâng cao trình độ, nhất là trong bối cảnh phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, của trí tuệ nhân tạo. Có nhiều người đặt câu hỏi: Tương lai, liệu rằng dược sĩ, bác sĩ sẽ bị thay thế bởi AI, Chat GPT? AI có thể phân tích chẩn đoán bệnh từ hình ảnh tốt hơn con người. AI cũng có khả năng hỗ trợ quá trình nghiên cứu, khám phá những loại thuốc mới. Và rất nhiều những thành tựu khác nữa. Do vậy việc học tập và ứng dụng công nghệ mới trong điều trị, chẩn đoán là một yêu cầu bắt buộc.

    Duy trì thói quen tự học, học tập suốt đời là một thách thức lớn vì như tôi nói, bạn chỉ có 24 giờ trong một ngày và phải chia cho gia đình, cho công việc, cho bản thân và cho cộng đồng. Cách duy nhất bạn có thể làm là phải thay đổi. Thay đổi thói quen của mình: dậy sớm hơn một chút thay vì ngủ nướng; đọc sách nhiều hơn một chút thay vì vào mạng xã hội; và nhiều thói quen khác.

    Tiên phong đào tạo liên ngành và hội nhập quốc tế

    PGS.TS Vũ Hải Quân và GS.TS.BS Đặng Vạn Phước trao bằng tốt nghiệp cho tân bác sĩ Nguyễn Anh Hào - Thủ khoa ngành Y khoa. Ảnh: PHIÊN AN

    ĐHQG-HCM là hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực, với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. ĐHQG-HCM có sứ mạng (1) Đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, có tư duy khởi nghiệp; (2) Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; (3) Thực hiện thí điểm các chính sách mới trong giáo dục đại học; (4) Đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam. Và giá trị giá trị cốt lõi mà ĐHQG-HCM luôn hướng tới là (1) Xuất sắc, tiên phong, chính trực trong đào tạo, nghiên cứu. (2) Trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động. (2) Gắn kết cộng đồng, phục vụ xã hội.

    Khoa học sức khỏe là một thuật ngữ rộng, bao gồm các lĩnh vực như hóa sinh, sinh học phân tử, hóa dược, vi sinh, khoa học thần kinh, sinh lý học, dinh dưỡng, dược lý, độc chất, khoa học thị giác và công nghệ y sinh. Tất cả đều quan trọng đối với những nỗ lực không ngừng của chúng ta nhằm phát triển và đánh giá các phương pháp điều trị cũng như xây dựng chiến lược mới cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.

    Theo tôi hiểu y học có hai nghĩa đơn giản: (1) Khoa học chữa bệnh: bao gồm việc thực hành chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe; (2) Khoa học về dược liệu, thuốc, và các hoạt chất dùng để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Các loại thuốc hiện đại đã chứng tỏ được hiệu quả của nó trong chữa trị các căn bệnh truyền nhiễm và các trường hợp khẩn cấp để hỗ trợ bệnh nhân.

    Mục tiêu chung của y học là kiểm soát và giảm nhẹ bệnh tật hay nói cách khác là phòng bệnh và chữa bệnh. Thách thức lớn hiện nay đối với khoa học y tế là tìm giải pháp kéo dài chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp và các bệnh truyền nhiễm mới. Việc nghiên cứu và phát triển các loại vắc-xin ngừa các loại bệnh này đang được quan tâm nhiều hơn. Đó là chưa kể vai trò đóng góp của công nghệ, nhất là AI, trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh, nghiên cứu, điều chế thuốc…

    Như vậy đào tạo ngành y dược bây giờ cần được mở rộng hơn. Ngoài những tiết học chuyên sâu về y dược lâm sàng, những giờ thực hành trong bệnh viện; chương trình đào tạo cần bao quát các kiến thức liên quan như hóa học, sinh học, khoa học dữ liệu, AI… để đáp ứng những yêu cầu mới, giải quyết những thách thức mới liên quan đến sức khỏe con người.

    Lương y Tuệ Tĩnh cách đây gần 700 năm từng nói: Nam dược trị Nam nhân. Theo tôi hiểu, hàm ý của ông là làm thế nào người Việt Nam có thể làm chủ những công nghệ chẩn đoán điều trị mới, bào chế ra được những loại thuốc mới… Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2012-2030, tầm nhìn 2045 đã xác định: (1) Nghiên cứu phát triển và chế tạo thử nghiệm thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh, hệ thống chẩn đoán và liệu pháp điều trị bệnh tiên tiến, kháng thuốc, y học tái tạo, vắc-xin phòng dịch bệnh mới, sinh dược, thuốc và thực phẩm chức năng từ thảo dược đặc hữu; (2) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng trong một số lĩnh vực như kỹ thuật thiết bị y sinh, kỹ nghệ mô, cảm biến sinh học, xử lý dữ liệu y sinh, công nghệ nano sinh học, vật liệu y sinh, vật liệu nano y sinh - dược, công nghệ và kỹ thuật dược.

    Như vậy tôi cho rằng, Khoa Y và sắp tới là Trường ĐH Khoa học Sức khỏe cần phải tiên phong đổi mới chương trình đào tạo theo cách tiếp cận liên ngành; tập trung nghiên cứu giải quyết các nhiệm vụ cấp quốc gia, khu vực và thế giới, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Cụ thể:

    (1) Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách lẫn cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, giúp giải quyết các thách thức của ngành y tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

    (2) Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo nhân lực y tế theo hướng liên ngành và hội nhập quốc tế. Ngay ngày đầu triển khai đào tạo, Khoa Y đã áp dụng chương trình y khoa tích hợp đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế với sự tư vấn và hỗ trợ từ các trường y có uy tín trên thế giới và các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo nhân lực y tế các tỉnh phía Nam. Hiện nay, chương trình này tiếp tục được hoàn thiện theo Dự án hợp tác với tổ chức Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (IMPACT MED - HAIVN) cũng như sắp được kiểm định theo chuẩn AUN-QA. Đây là tiền đề quan trọng để Khoa Y tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo còn lại theo hướng liên ngành và hội nhập, trong đó chú trọng tích hợp những thế mạnh của ĐHQG-HCM về khoa học tự nhiên, công nghệ, xã hội nhân văn, kinh tế và luật.

    (3) Đẩy mạnh đào tạo nhân lực y tế cho các tỉnh phía Nam. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa sứ mạng phục vụ cộng đồng của ĐHQG-HCM nói chung và của Khoa Y nói riêng khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về cán bộ y tế.

    (4) Tăng cường hợp tác, phối hợp với Bộ Y tế trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế và cùng giải quyết những vấn đề quan trọng của ngành y tế.

    (5) Tăng cường phối hợp với ngành y tế TP.HCM để triển khai hiệu quả Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, trong đó xác định rõ vai trò của ĐHQG-HCM và Trường ĐH Khoa học Sức khỏe với Cụm y tế Thủ Đức.

    (6) Xây dựng các mô hình y tế trong campus để lan tỏa ra cộng đồng, xã hội. Trên cơ sở hợp tác hiện có với AUN - Health Promotion Network, Khoa Y cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tăng cường sức khỏe nhằm xây dựng mô hình Health University đầu tiên tại Việt Nam và nhân rộng mô hình ra các trường đại học khác cũng như cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng xã hội khỏe, lành mạnh và hạnh phúc.

    Tôi tin tưởng rằng, với nỗ lực của tập thể Khoa Y, sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, địa phương, các đơn vị bạn, các đối tác phát triển và sự ủng hộ của cộng đồng, Khoa Y của chúng ta cũng sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc những trọng trách mà ĐHQG-HCM và xã hội giao phó.

    Về phía ĐHQG-HCM, các trường đại học thành viên và các đơn vị trực thuộc cũng sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ để Khoa Y ngày càng phát triển.

    Một lần nữa chúc mừng các em tân bác sĩ, tân dược sĩ!

    Chúc mừng và cảm ơn quý thầy/cô đã đồng hành, đào tạo, hướng dẫn để các em có được kết quả ngày hôm nay. Cảm ơn các bậc phụ huynh đã tin cậy chọn ĐHQG-HCM là nơi học tập cho con em của mình.

    PGS.TS VŨ HẢI QUÂN - GIÁM ĐỐC ĐHQG-HCM

    (*) Tít và trung đề do Ban Biên tập Website ĐHQG-HCM đặt.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên