Đó là vấn đề được GS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội đặt ra trong phần thảo luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế “Nghề công tác xã hội Việt Nam: Những vấn đề lí luận và thực hành” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức ngày 23/3.
Ông Minh cho biết: “Hoạt động công tác xã hội thường chú trọng vào kỹ năng thực hành liệu có cần đến các yêu cầu về trình độ thạc sĩ, tiến sĩ như một ý kiến vừa trình bày? Hơn nữa, có tham luận đề cập việc phân bổ tín chỉ đào tạo ngành này chỉ chiếm 13% thời lượng đào tạo dành cho việc thực hành, như vậy có quá ít?”.
Phúc đáp về vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường - Trường ĐH South Carolina cho biết: “Ở nước ngoài, bạn gần như phải có bằng thạc sĩ, yêu cầu 2 năm kinh nghiệm thực hành thì mới làm được một số nghề nhất định thuộc lĩnh vực công tác xã hội. Nếu chỉ có bằng thạc sĩ hoặc cử nhân thì công việc sẽ rất đơn giản và chỉ mang tính khởi đầu”.
Bà Hường cho biết thêm, tại Trường ĐH South Carolina, mỗi năm, nhà trường đều sắp xếp cho khoảng hơn 500 sinh viên thạc sĩ và 75 sinh viên cử nhân vào các đơn vị thực hành. Tuy nhiên, thời gian thực hành giữa hai nhóm này có sự cách biệt khá lớn. Nhóm sinh viên thạc sĩ sẽ thực hành trong năm 1 và 2 với 974 giờ thực hành; còn sinh viên cử nhân chỉ thực hành 500 giờ trong năm 3 và 4.
Về vấn đề 13% tín chỉ đào tạo thực hành, PGS.TS Đỗ Hạnh Nga - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM phân tích: “Đó là cách tính của Bộ GD&ĐT. 13% này được phân bổ trong tổng số 120 tín chỉ, tức chiếm 16 tín chỉ. Tuy nhiên, nếu quy đổi theo cách tính của nước ngoài, chúng ta phải tính theo giờ. Như vậy, sinh viên của chúng tôi đi thực hành gần 1.000 giờ”.
Trước đó, hội thảo còn lắng nghe nhiều báo cáo đáng chú ý về việc thiết lập hành lang pháp lý cho hoạt động CTXH như: Hệ thống pháp luật về công tác xã hội của Việt Nam hiện nay và khuyến nghị - ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH…
Tin, ảnh: TẤN ĐỒNG
Hãy là người bình luận đầu tiên