Tên đề tài: Huỳnh Thúc Kháng từ góc nhìn văn hoá
Chuyên ngành: Văn hoá học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Ngô Thị Thanh Tâm
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Hiệu; PGS.TS. Lê Thu Yến
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Luận án được nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu Huỳnh Thúc Kháng trong bối cảnh văn hoá - lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX và thông qua Huỳnh Thúc Kháng để hiểu hơn về giai đoạn này. Chủ yếu sử dụng các phương pháp lịch sử, logic, thống kê, so sánh, phân tích nội dung, luận án nghiên cứu Huỳnh Thúc Kháng theo khung ba thành tố Văn hóa nhận thức - Văn hoá tổ chức - Văn hoá ứng xử. Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức tiêu biểu cho giai đoạn giao thời, đã nhận thức như thế nào về văn hóa Việt Nam đặt trong bối cảnh Đông - Tây và trong thân phận thuộc địa. Từ thế giới quan, nhân sinh quan đó, Huỳnh Thúc Kháng, hay rộng ra là thế hệ trí thức cùng thời đã tham gia những hoạt động có tổ chức như thế nào và ứng xử ra sao. Cách tiếp cận này giúp hiểu rõ hơn về cách mà chủ thể văn hóa tìm hiểu và tương tác với môi trường xã hội xung quanh, cũng như cách họ hình thành mô hình nhận thức và hành động thực tiễn. Điều này cung cấp một cái nhìn tổng thể về vai trò và ảnh hưởng của Huỳnh Thúc Kháng trong xã hội đương thời.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
Luận án là một chuyên khảo về Huỳnh Thúc Kháng từ góc nhìn văn hoá (nhìn nhận và đánh giá Huỳnh Thúc Kháng từ ba bình diện: văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức và văn hoá ứng xử). Từ đây, luận án góp phần tìm hiểu quá trình chuyển biến của văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Kết quả nghiên cứu đã đạt được bao gồm:
(1) Huỳnh Thúc Kháng nhìn từ văn hoá nhận thức. Trong bối cảnh giao thời, Huỳnh Thúc Kháng nhận thức về văn hóa phương Đông; nhận thức về văn hóa phương Tây và nhận thức về xu hướng tiến hóa tất yếu. Nhận thức về văn hóa phương Đông, Huỳnh Thúc Kháng điểm kiểm lại về căn tính Á Đông và về giáo dục Nho học. Nhận thức về văn hóa phương Tây, ông nhìn nhận về giá trị văn minh phương Tây, và đánh giá giáo dục Tây học. Cuối cùng, Huỳnh Thúc Kháng nhận thức về xu hướng tiến hóa tất yếu của dân tộc với xu hướng dung hợp Đông – Tây; tinh thần tự lực tự cường và tinh thần dân chủ, dân quyền.
(2) Huỳnh Thúc Kháng nhìn từ văn hoá tổ chức. Theo logic từ nhận thức đến tổ chức và ứng xử, Huỳnh Thúc Kháng đã tích cực dấn thân tham gia và đóng góp trong các hoạt động có tính tổ chức gồm phong trào Duy Tân, hoạt động đòi quyền lợi cho dân sinh, và đặc biệt trong quá trình sáng lập cũng như điều hành tờ báo Tiếng Dân (1927-1943). Hoạt động của ông phản ánh sâu sắc nhận thức của ông về quốc gia - dân tộc và mục tiêu giải phóng dân tộc bắt đầu từ canh tân văn hóa.
(3) Huỳnh Thúc Kháng nhìn từ văn hóa ứng xử. Cách thế ứng xử văn hóa của Huỳnh Thúc Kháng với chính bản thân ông và với thời cuộc thể hiện những đặc điểm vừa chung vừa riêng của trí thức tiến bộ trong bối cảnh giao thời. Với bản thân, Huỳnh Thúc Kháng vừa ứng xử theo truyền thống Nho sĩ vừa tích cực hiện đại hóa và ứng xử như một trí thức tân học. Với thời cuộc, trong tương tác và đối phó với các yếu tố xã hội và chính trị của thời đại, Huỳnh Thúc Kháng quyết liệt bảo vệ chính kiến trong tranh luận học thuật song cũng mềm mỏng, hợp tác với các trí thức cùng thời. Sự kháng cự bằng hòa bình và dùng chính sách mềm dẻo, linh hoạt là nét lớn trong cách ông ứng xử với chính quyền.
Những khía cạnh này giúp hiểu rõ hơn về vai trò và đóng góp của Huỳnh Thúc Kháng trong văn hóa và xã hội của Việt Nam đầu thế kỷ XX.
2.2. Về ý nghĩa thực tiễn
Luận án góp thêm một góc nhìn để hiểu thêm về một nhân vật văn hoá - lịch sử, gợi ý cho những nghiên cứu về trí thức Việt Nam. Luận án là tài liệu phục vụ cho việc đọc, tham khảo đối với những người quan tâm tìm hiểu về Huỳnh Thúc Kháng, về trí thức Việt Nam và quá trình hiện đại hoá văn hoá Việt Nam.
3. Hướng phát triển tiếp theo của luận án
Trong những nghiên cứu tiếp theo, tiếp cận từ góc nhìn văn hóa học, có thể tập trung theo hướng nghiên cứu so sánh Huỳnh Thúc Kháng với trí thức khác, hoặc nghiên cứu theo từng nhóm trí thức (giai đoạn tiếp biến văn hóa) nhằm làm sáng tỏ các khía cạnh khác nhau của quá trình vận động, hiện đại hóa văn hóa Việt Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên