Sáng 12/9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Đây là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn được tổ chức ở Việt Nam trong 3 ngày từ 11-13/9.
Tham dự lễ Khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018 có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giáo sư Klaus Schwab - Người sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa và Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong.
Trên cương vị chủ nhà Diễn đàn WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam có trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Diễn đàn tập trung 5 nội dung chính: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; Tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; Tìm kiếm các động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại công nghiệp 4.0; Doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0.
WEF ASEAN năm nay có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia tham dự. Họ sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong CMCN 4.0.
Sáng 11/9, trong buổi tiếp kiến của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh với ông Klaus Schwab, Chủ tịch WEF, đại diện WEF cho biết sẽ mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, sau khi đã làm tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore.
Đây là lần thứ II Việt Nam đăng cai tổ chức WEF, lần thứ nhất diễn đàn được tổ chức tại TP.HCM từ 6-7/6/2010. Dịp này, Chủ tịch VEF Klaus Schwab đã đến thăm và có buổi nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM về chủ đề: "Thế hệ trẻ, tầm nhìn và khả năng lãnh đạo" nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giúp sinh viên hiểu sâu hơn về những vấn đề kinh tế tại Việt Nam và trên thế giới. ĐHQG-HCM đã trao bằng tiến sĩ danh dự về kinh tế học cho Giáo sư Klaus Schwab vì những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu.
Tổng hợp: ĐOÀN CHÂU
Hãy là người bình luận đầu tiên