Tên luận án: Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến cây trồng chủ lực: Trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Gia Lai
Ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Mã số ngành: 9.85.01.01
Họ tên nghiên cứu sinh: Lê Minh Hải
Khóa đào tạo: 2020
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Kim Lợi, TS. Hồ Minh Dũng
Cơ sở đào tạo: Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án:
Luận án tập trung vào việc đánh giá và đề xuất các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Gia Lai. Luận án tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo quan điểm hệ thống, tích hợp đa ngành trên nền tảng sử dụng các công nghệ cao, hiện đại. Qua đó, đánh giá tác động của BĐKH đối với cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, nội dung cụ thể như sau:
- Tổng quan các nghiên cứu về BĐKH tác động đến các loại cây trồng chủ lực tại Gia Lai. Nghiên cứu, đánh giá xu hướng khí hậu của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn từ năm 1980 đến nay;
- Đề xuất khung phương pháp nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến cây trồng chủ lực tỉnh Gia Lai;
- Đánh giá tổng hợp khả năng thích nghi tự nhiên, hiệu quả môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội cho từng nhóm cây trồng chủ lực tỉnh Gia Lai;
- Đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cho cây trồng chủ lực dưới tác động biến đổi khí hậu tại tỉnh Gia Lai.
2. Những kết quả mới của luận án:
- Luận án đã đánh giá đặc điểm, xu thế biến đổi của lượng mưa và nhiệt độ không khí trong quá khứ tại tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 1980 đến nay thông qua cách tiếp cận phương pháp kỹ thuật khai phá dữ liệu (EDA), với bài toán phân tích xu thế, nghiên cứu đã đề cập đồng thời đến việc nhận dạng xu thế (đánh giá mức ý nghĩa thống kê) và định lượng, ước tính xu thế dựa trên các phương pháp kiểm định thống kê phi tham số Mann–Kendall và hệ số dốc Sen. (Đã được công bố trên 2 bài báo quốc tế uy tín: Temporal Trend Possibilities of Annual Rainfall and Standardized Precipitation Index in the Central Highlands, Vietnam. Earth Syst Environ 6, 69–85 (2022). https://doi.org/10.1007/s41748-021-00211-y; IF=7.2, Q1 và Evaluating Trends of Temperature Index in Gia Lai Province based on IITA and IPTA Approaches under Climate Change. IOP Conf. Ser.: Earth Environ. Sci.).
- Luận án đã đánh giá tổng hợp khả năng thích nghi tự nhiên, hiệu quả môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội cho từng nhóm cây trồng chủ lực tỉnh Gia Lai theo kịch bản biến đổi khí hậu và thị trường. Thông qua đó, đưa ra đề xuất cơ cấu, mô hình cây trồng chủ lực có hiệu quả, phù hợp với từng vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Về khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là cơ sở giúp xây dựng các chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững trong trương lai đối với khu vực tỉnh Gia Lai. Đồng thời, luận án cũng có thể là nguồn tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sau này về tác động biến đổi khí hậu hay các nghiên cứu tương tự tại khu vực tây nguyên.
Về những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai:
- Cần tích hợp dữ liệu hiện trạng, quy hoạch thủy lợi trong đánh giá thích nghi tự nhiên cho các nhóm cây trồng chủ lực (cây lương thực, cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và rau, củ, quả) để đánh giá hiệu quả của hoạt động quản lý, quy hoạch tài nguyên nước đến tiềm năng sản xuất nông nghiệp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
- Do khả năng tiếp cận dữ liệu hạn chế nên kết quả dự báo thị trường nông sản đến cuối thế kỉ XXI chỉ dựa trên chuỗi số liệu giá cả các loại nông sản tại Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2018, chưa xem xét biến động giá cả, tình hình cung cầu trên thế giới.
Hãy là người bình luận đầu tiên