Tin tổng hợp

Những người thầy nghệ sĩ

  • 27/12/2017
  • Nhà văn là người sống hai cuộc đời trong một thân phận: cho chính họ và cho những nhân vật mà họ viết về. Trong kiếp nhân sinh, một số trong họ còn được xã hội trân trọng bởi thiên chức cao đẹp: nghiệp giáo. Họ bước đi giữa sự trì níu của chữ nghĩa để dìu dắt những mái đầu xanh hành tiến về miền tương lai. Tử tế và hào sảng, họ vắt mình qua trang viết và giảng đường, bằng tất cả cuồng nhiệt lẫn cô đơn, để trọn vẹn cuộc dấn thân của một kiếp người.

    Mỗi lần chạm tay là một lần mới

        Trong câu chuyện đầu tiên này, tôi muốn được kể về thầy - nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, người có những cuộc chơi sáng tạo lạ thường. Tôi vẫn luôn tự hỏi, thầy là một nhà văn trước khi bước vào giảng đường đại học hay là một ông giáo chợt ngẫu hứng trong phút lạc đời đã rẽ sang tung tẩy chữ nghĩa. Bởi lẽ trong con người thầy, cuộc đời của người nghệ sĩ hay một nhà giáo đều được dấn thân với những thăng hoa mãnh liệt.

        Tôi chưa bao giờ là học trò chính thức của thầy. Ngay cả khi tất cả buổi đứng lớp của thầy tôi đều đến đủ. Khác với tâm thế của một sinh viên dự thính, tôi luôn chọn những hàng ghế đầu để được nghe thầy giảng trọn vẹn nhất. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, khi những bài tập thầy giao mà tôi đã làm không sót một bài nào ở môn Kỹ năng sáng tác truyện ngắn, Văn học Nhật Bản hay Văn học phương Đông, liệu rằng khi tra danh sách để vào điểm, có bao giờ thầy tìm mãi một cái tên lạ mà không thấy đâu? Thôi thì đành làm khổ thầy vậy. Và cứ thế, những bài giảng mang âm điệu của lời ca và nhịp thơ cứ cuốn tôi đi qua năm tháng sinh viên của mình.

    Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. Ảnh: NVCC

    Là một nhà văn, hẳn thầy hiểu rất rõ những cảm ứng về từ ngữ của tác giả khi sáng tác. Tôi luôn cảm nhận được trong những bài giảng của thầy không chỉ sự làu thông của một nhà nghiên cứu mà còn là nét lãng du của một người cầm bút. Với thầy, “sáng tác là làm ra hình ảnh của cuộc đời. Hình ảnh nối tiếp trong cuộc đời mà mỗi thân phận người hôm nay đều mang lấy tâm thức của nhân loại hơn hai ngàn năm. Sáng tác để viết tiếp câu chuyện còn dang dở ấy trong mỗi đời người”.

        Cho đến hôm nay, khi thực hiện bài viết này, tôi đã đến gần thầy hơn, để được lắng nghe những câu chuyện mà thầy để lại phía sau bục giảng. Có lẽ thời gian vẫn mải miết trôi đi giữa cuộc vật đổi sao dời, để trí nhớ phải tập quen dần những mất mát về điều đã cũ. Ở tuổi lục tuần này, các thể nghiệm đầu tiên của tuổi thiếu thời với thầy chỉ còn lại chút nhân ảnh ảo mờ xếp chồng trong muôn vàn kỷ niệm. Như thầy tâm sự, chỉ biết rằng điều còn lại trong hôm nay là một thời đoạn đã từng hăng say tập tành khi tuổi vừa mới lớn. Kể cả những sáng tác được đăng trên Tuổi Hoa một thuở, với thầy, cũng chỉ còn lại chút dư vị của thời hương xa.

        Năm 1975, thầy bước vào thời cuộc mới với tấm bằng tốt nghiệp cử nhân ngành sư phạm đã mãi ở lại giữa những biến động lịch sử, mà như thầy nói “vẫn còn vài tháng nữa để được trao nhận tấm bằng này”. Thầy bắt đầu giảng dạy tại các trường phổ thông, đến cuối những năm 1980, giáo sư Nguyễn Lộc đã đưa thầy về Khoa Văn của Trường đại học Tổng Hợp TP.HCM. Tại đây, thầy bắt đầu xây dựng những bộ môn văn học mới, từ văn học Nhật Bản đến văn học Trung Cận Đông, những miền hoang đã bỏ ngỏ lâu ngày. Thiên chức của một người khai phá cứ thế cuốn thầy đi trong những mải mê khảo cứu để rồi hơn 30 năm sau, cái tên Nhật Chiêu ghi dấu vào làng văn Việt bằng Người ăn gió và quả chuông bay đi. Một Nhật Chiêu được biết đến với “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” - mỗi lần chạm tay là một lần mới.

        Có lẽ vì được gần và biết đến thầy nhiều hơn nên tôi đã không ngăn mình kiệm lời theo những quy tắc công bằng và cân bằng thông tin mà tôi được học. Bởi, tôi còn hẳn một câu chuyện nữa.

    Cuộc gặp gỡ của những cảm thức thẩm mỹ

        Trong câu chuyện thứ hai này, tôi muốn kể về cô, người đang ở cách tôi nửa vòng Trái đất: cô Ngọc Huyền, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông. Vì vậy, để tìm kiếm những chi tiết cho câu chuyên này, cuộc trao đổi của tôi với cô chỉ đành gửi lại trong con chữ của dòng thư tín hiện đại.

        Trong những dòng viết đầu tiên để giới thiệu với cô, hình ảnh của cậu sinh viên năm nhất ngày nào chợt thổn thức trong tôi đến lạ kỳ. Phải, trong ký ức ngày ấy, cô Ngọc Huyền - giáo viên chủ nhiệm thời đại học của tôi - người mà chúng tôi chỉ gặp duy nhất một lần, để rồi những câu chuyện về cô chỉ còn lại trong chuyến đi du học sang Mỹ mà các anh chị khóa trên vẫn hay kể về. Cô trong ký ức của tôi là một người nhanh nhẹn và tháo vát. Cô nói rất nhanh nhưng không một chữ nào bị cuốn trôi trong nhịp điệu bất tận ấy. Từng con chữ một, dày dặn, đưa chúng tôi vào những điều mới lạ của cuộc sống sinh viên ở phía trước.

        Những dòng email được gửi về ngay trong tối hôm ấy. Ở phía bên kia Trái đất, có lẽ trời đã sáng dần. Cô vẫn giữ thói quen check mail thường xuyên như ngày đầu mà cô giới thiệu với chúng tôi. Thói quen của việc lắng nghe dòng tâm sự thầm kín, bởi đám học trò vẫn thường gửi trao chuyện nhớ nhà xa quê, khi trọ học ở chốn đô hội hoa đèn. Không biết rồi trong số những câu chuyện của tụi học trò sớm nắng chiều mưa ấy, có đứa nào đã trở thành nhân vật của cô không. 

    Nghiên cứu sinh Ngọc Huyền. Ảnh: NVCC

    Chọn cho mình lối viết của trường phái hiện thực huyền ảo, ngoài chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Kafka, Marquez, Murakami, Kawabata và thầy Phan Nhật Chiêu, cộng với sự yêu thích chất cổ tích trong tác phẩm của Wilde và kỹ thuật dòng chảy tự do của Woolf, cô còn cho biết thêm: “Cơ bản là mình khó hiểu”. Cái khó hiểu theo cách cô định nghĩa về mình trong “những ý tưởng rất phi lý, rất phù phiếm, không phải râu ông nọ cắm cằm bà kia mà là tóc ông nọ gắn vào móng tay bà kia, nghĩa là còn hơn cả sự khập khiễng. Đó là một sự ngẫu nhiên và cực kỳ phi lý, như hiện thực đời sống vậy. Thú thật, cuộc sống này ngộ và kỳ quái. Các biến cố trong đời chẳng biết đường nào mà lần, toàn là những mảnh ghép vụn vỡ va đập vào nhau, văng tung tóe, mà vì muốn bình yên, người ta phải cố gắng cắt nghĩa và sắp xếp chúng lại cho có trật tự”.

        Tôi đã dừng lại thật lâu để nghĩ về cô, về những người thầy đã đi qua cuộc đời tôi. “Như hiện thực đời sống vậy”.  Một hiện thực nào đó mà chúng tôi đã quên mất: ở phía sau bục giảng kia còn là cuộc đời của một con người cũng băng mình trong muôn vàn thống khổ của kiếp nhân sinh. Nhưng với cô thầy, chúng đã mãi ở lại trong những khoảng lặng giữa giờ ra chơi.

        Đối với cô, cô chọn cho mình cách “sắp xếp chúng lại cho có trật tự” để khi song hành cả hai cuộc đời đầy hiện sinh của một nhà giáo và nhà văn, cô đều sống thật hết mình. Là một nhà văn, cô “viết như lên đồng, viết một mạch là xong, đắm chìm trong suy tưởng, nhưng tuyệt nhiên không phải để cầu mong có nhiều người yêu mến hay để phá vỡ sự cô đơn. Viết là một cách nghiền ngẫm và sắp xếp lại suy tưởng”. Là một nhà giáo, cô mải mê với những cuộc khảo cứu, với lịch trình dày đặc của học hành nơi đất khách quê người.
    Nhưng sống hai cuộc đời không hề đơn giản. Để có thể đi hết ý niệm hiện sinh trong cuộc đời song hành ấy, như cô bộc bạch: “Văn chương là nơi ta đưa ra các tình huống giả định và hư cấu kết quả. Nghiên cứu là nơi ta phát triển các giả thuyết và dùng thực tiễn để cắt nghĩa. Thiết nghĩ làm hai việc đó một lúc chỉ căng não và khiến cho tâm tư bất ổn thôi. Cái được là kỹ năng viết đa dạng, là phát triển ngôn ngữ và tư duy”. Còn cái mất, hẳn cô đã đi qua rất nhiều cô đơn trong cuộc đời mình, những nỗi cô đơn để khơi nguồn cho một sáng tạo trọn vẹn.

        Trong câu chuyện về thầy và cô, có lẽ vẫn còn nhiều khoảng trống mà những hữu hạn thời gian trong bài viết này đã không cho phép tôi bước đến được. Cuộc đời song hành giữa hai tính cách giáo chức và văn nhân như thầy Nhật Chiêu chia sẻ là “cuộc gặp gỡ của những cảm thức thẩm mỹ”. Họ “muốn chỉ ra, muốn hướng về cái đẹp” trong mỗi con người để cất lên những niệm thức chân thành, bao dung của kiếp nhân sinh. Tôi đã bắt gặp những niệm thức ấy trong một mặc khách Nhật Chiêu của Người ăn gió và quả chuông bay đi, Mưa mặt nạ, Lời tiên tri của giọt sương, Tôi là một kẻ khác (thơ), và Ân ái với hư vô hay cô Ngọc Huyền với những lối về Nhà ở cuối đường Coventry. Những người thầy ấy vẫn tiếp tục dấn thân trong cuộc đời song hành của mình một niềm hiện sinh trọn vẹn.

    Những cuộc đời song hành

        Có thể nói Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM là nơi tề tựu nhiều thầy giáo - nhà văn nổi bật tại làng văn học Nam phần. Đó là GS.TS Huỳnh Như Phương - nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí, Trưởng bộ môn Lý luận và phê bình văn học. Ngoài những công trình khảo cứu thời danh về văn học, ông còn là tác giả của nhiều tập tản văn nổi tiếng như Ngôi nhà và con người (NXB Văn Nghệ, 2006), Bây giờ mà có về quê (NXB Phụ Nữ, 2011), Hãy cầm lấy và đọc (NXB Tổng Hợp TPHCM, 2016). Chọn lối viết về các đề tài văn hóa, các tập tản văn của ông vừa cho thấy hình ảnh của một nhà nghiên cứu uyên thâm, cẩn trọng vừa thể hiện một chân dung nghệ sĩ ngôn từ tài hoa, tinh tế biết làm lạ hóa những điều dung dị thành các giá trị nhân văn đầy ám ảnh. 

        Bên cạnh đó, còn có TS Hà Thiên Sơn, giảng viên Khoa Triết học. Ông là Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM với nhiều tập thơ ấn tượng như Giao điểm hai đường cong (NXB Trẻ,1995), Ảo ảnh chiều (NXB Văn học, 2005), Chấm hoa vàng (NXB Hội Nhà văn, 2010). Chia sẻ với Bản tin ĐHQG-HCM, ông cho biết: “Với tôi, sáng tác văn chương đòi hỏi sự tinh tế và nhạy bén trong tư duy và cảm xúc. Chính điều này giúp tôi rất nhiều khi đứng trên bục giảng cũng như viết sách và những bài luận triết học. Người ta nói triết học là lý trí thường đi qua bộ não còn thơ ca là cảm xúc thường đi qua trái tim, quả đúng như vậy. Thơ mà không có triết sẽ không có chiều sâu của sự khái quát, triết mà không có cảm xúc của thơ ca chắp cánh thì sẽ khô khan và khó bay bổng. Người giáo viên đứng trên bục giảng truyền thụ tri thức, kinh nghiệm cuộc sống… rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là truyền cho người học nguồn cảm hứng và sự khát khao tri thức. Và đến với thi ca đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ trao truyền tri thức này”.


    PHAN NHẬT ANH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên