Khoa học công nghệ

Ô nhiễm không khí: Vấn nạn của đô thị?

  • 29/11/2019
  • Trung tuần tháng 9 vừa qua, vấn đề ô nhiễm không khí đã trở thành điểm nóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các chỉ số do AirVisual công bố cho thấy mức độ ô nhiễm của hai đô thị lớn nhất Việt Nam liên tục đứng top đầu thế giới đã gây nên mối lo ngại cho người dân.

     

    Tuy nhiên, ô nhiễm không khí có phải là một vấn đề mới nổi? Đằng sau hiện trạng này là gì? Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM để làm sáng tỏ vấn đề trên.

    Hoạt động giao thông là thủ phạm

    * Thưa ông, tác động của quá trình đô thị hóa đối với ô nhiễm không khí như thế nào?

    - Ô nhiễm không khí (ONKK) không chỉ là vấn đề nóng tập trung ở các đô thị phát triển, các khu, cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Quá trình đô thị hóa cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội chưa được quản lý và kiểm soát tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí (MTKK). Áp lực lên MTKK có sự thay đổi tùy theo đặc thù phát triển của từng vùng miền và quy mô tính chất của từng nguồn thải. Số lượng đô thị tăng nhanh chóng kèm với gia tăng nhanh dân số đô thị (hiện chiếm 32% tổng dân số toàn quốc) trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề MTKK ở các đô thị loại I và II.

    Hoạt động xây dựng, cải tạo và xây mới các khu chung cư, khu đô thị, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng… diễn ra ở khắp nơi, làm phát tán bụi vào MTKK xung quanh. Ngoài ra, mật độ cây xanh chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ các đô thị. Cụ thể, tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM diện tích này mới đạt <4m2/người, thấp hơn so với yêu cầu của tiêu chuẩn (10-15m2/người) và không đáp ứng vai trò lá phổi xanh giảm thiểu ONKK.

    * Theo ông, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam là gì? Đâu là nguyên nhân chính?

    - Nhìn chung nguyên nhân gây ONKK tại các đô thị ở Việt Nam lần lượt là hoạt động giao thông, nguồn thải công nghiệp và hoạt động dân sinh. Ở TP.HCM, tính đến tháng 4/2017, thành phố có 9 triệu phương tiện đang hoạt động, trong đó hơn 600 ngàn ô tô, gần 7,5 triệu xe máy (chưa tính đến lượng xe “nhập cư” từ các tỉnh). Đến nay thành phố có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp, cùng với hàng ngàn nhà máy khác vây quanh. Do đó, TP.HCM đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường và đặc biệt là ONKK với các số liệu quan trắc tại các nút giao thông luôn cao hơn so với các trạm dân sinh và công nghiệp.

    Một trong những nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu là: “Thiết lập bản đồ lan truyền ONKK đối với hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp tại TP.HCM” do Sở KH&CN TP.HCM quản lý.

    Theo đó, các chất thải gây ONKK chủ yếu là NOx, CO, SO2, CH4 đến từ hoạt động giao thông. Ở các khu đô thị, giao thông thải ra khoảng 50% lượng NOx trong không khí. NOx cơ thể không vận chuyển được oxy, gây ngạt. Sau một thời gian tiềm tàng dẫn tới phù phổi cấp, tím tái cơ thể, biểu hiện co giật và hôn mê. Khi tiếp xúc với NOx ở các nồng độ thấp (nhiễm độc mạn tính) có các biểu hiện sau: kích ứng mắt, rối loạn tiêu hóa, viêm phế quản, tổn thương răng. 

    Đồng thời, hoạt động giao thông tạo ra 99% trong tổng phát thải CO của toàn TP.HCM, trong đó phát thải từ xe gắn máy là cao nhất, chiếm đến 90%. CO là một chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao cực kỳ nguy hiểm, nếu hít thở phải một lượng quá lớn CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm oxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh cũng như có thể gây tử vong. Nồng độ chỉ khoảng 0,1% cacbon monoxit trong không khí cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

    Đối với phát thải nguồn công nghiệp chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành dệt may với  tỷ lệ phát thải NOx, CO, SO2, TSP cao nhất so với các ngành còn lại. Đây là nhóm ngành thế mạnh của TP.HCM với số lượng các doanh nghiệp nhiều nhất, đòi hỏi lượng lớn nhiên liệu phục vụ cho sản xuất như khí hóa lỏng (LPG), các loại dầu FO, DO, củi gỗ, củi trấu làm cho lượng phát thải ở ngành này chiếm tỷ lệ khá cao.

    PGS.TS Hồ Quốc Bằng thuyết trình Hội thảo về Khí tượng Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu.

    Kẻ giết người thầm lặng

    * Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của người dân thưa ông?

    - Ô nhiễm không khí có thể xem là “kẻ giết người thầm lặng”, khiến cho gần 600 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hằng năm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2014, 92% dân số thế giới sống ở khu vực có chất lượng không khí không đạt hướng dẫn của tổ chức này. 2015, số ca tử vong trên thế giới do ONKK xấp xỉ 7 triệu ca, trong đó 2,8 triệu ca do ONKK trong nhà, 4,2 triệu ca do ONKK xung quanh.

    ONKK còn là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% số ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% số ca tử vong do đột quỵ, 23% số ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ONKK là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Ở mức độ cấp tính, ONKK gây suy nhược, chóng mặt, say, co giật, ngất, ảnh hưởng tới tim, phổi (kích thích màng nhầy), ngứa mắt, mệt mỏi thần kinh, buồn ngủ, uể oải, hôn mê… Ở tình trạng mạn tính, không khí ô nhiễm có thể dẫn đến hen suyễn, viêm phế quản mạn... Các chất ô nhiễm trong không khí xung quanh cũng có khả năng gây ung thư phổi. Ngoài ra cũng liên quan đến các bệnh tim mạch, thần kinh.

    * Theo ông, để đảm bảo chất lượng không khí an toàn tại các đô thị, các cấp chính quyền cần phải làm gì?

    - Trước tiên, chính quyền ở các đô thị phải đo đạc và công bố tức thời và liên tục thông tin về chất lượng không khí. Ở TP.HCM, chính quyền cần kiểm tra đột xuất xe cơ giới và xe gắn máy đang lưu thông. Thành phố sẽ lập nhóm công tác kiểm tra xe cơ giới gồm các đại diện từ Sở GTVT, Cục Đăng kiểm, UBND, Chi cục Bảo vệ Môi trường và cảnh sát giao thông.

    Đồng thời, TP.HCM cần thực hiện thí điểm Dự án cải thiện giao thông công cộng. Theo đó, thành phố tổ chức rà soát và đánh giá các hỗ trợ tài chính ngắn hạn để thành lập mới các đội xe buýt và các tuyến xe. Sở GTVT sẽ soạn thảo các quy định cần thiết để hỗ trợ tài chính phục vụ các tuyến xe mới cũng như xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới xe buýt. Thành phố cũng cần đầu tư phòng thí nghiệm quan trắc ONKK. Hằng năm, các phòng thí nghiệm này sẽ lựa chọn và quan trắc các điểm nóng về ONKK, quan trắc thụ động 1 tháng/điểm, quan trắc 2 mùa/năm để cảnh báo người dân ngay khi có ONKK cũng như giúp thành phố có kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí hiệu quả.

    Cám ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn.

    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên