Tin tổng hợp

Phạm Xuân Ẩn vẫn mãi là một bí ẩn

  • 17/11/2017
  • GS sử học Larry Berman - ĐH California (Hoa Kỳ) khẳng định như vậy khi được hỏi về những hối tiếc của ông đối với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn tại buổi trò chuyện “Pham Xuan An’s dream for Vietnam” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức sáng 17/11.

    Mở đầu buổi trò chuyện, GS Berman nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên với ông Ẩn tại Mỹ. “Ông ấy nói rằng: ‘Những người trên đất nước Việt Nam cũng không biết tôi là ai’. Ông bí ẩn như chính tên của ông vậy. Ông Ẩn có rất nhiều bạn Mỹ vì mâu thuẫn thực chất do chính quốc gây ra chứ không do người dân Mỹ, họ rất thân thiện. Ông Ẩn nói: ‘Tôi ấn tượng với người Mỹ, họ giống như người Việt Nam vậy, họ cho tôi đi nhờ xe, chia sẻ bữa ăn với tôi…Tôi không ghét bỏ mà thậm chí rất yêu thích người Mỹ’”.

    Theo tác giả X6 - Điệp viên hoàn hảo, ông Ẩn đã ấp ủ ước mơ được trau dồi nghề báo tại Mỹ để quay về Việt Nam giúp lĩnh vực báo chí phát triển theo hướng mới. Tuy nhiên, sau một lần ông Ẩn giúp đỡ bác sĩ Trần Kim Tuyến - một trùm mật vụ của Việt Nam Cộng Hòa - rời khỏi Sài Gòn, ông đã gặp rắc rối và không được phép đến Mỹ để thực hiện ước mơ. Do đó, ông đầu tư con trai của mình là Phạm Xuân Hoàng Ân du học sang Mỹ. Ông Hoàng Ân hiện đang làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính là người phiên dịch cho cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mỹ George Bush vào năm 2006. 

    “Ông Ẩn và con trai của mình đã trở thành một hình mẫu thật sự cho tinh thần lãnh đạo, là những người trở về Việt Nam để phục vụ Tổ quốc trên tinh thần hàn gắn mối quan hệ tốt đẹp Việt-Mỹ” - GS Berman nhận định.

    Khi được hỏi liệu ông Ẩn có hối tiếc gì không trong suốt cuộc đời hoạt động nhiều bí ẩn của mình, GS Larry Berman cho biết: “Những tiếc nuối của Phạm Xuân Ẩn có thể chất chứa trong hai điều. Một là, vào giai đoạn 1975-1983, đứng trước những mất mát của Việt Nam thời hậu chiến và nhận thấy nhiều thế mạnh để đất nước trở mình, ông từng nhiều lần trình bày nhưng không được lắng nghe. Mọi người vẫn thực hiện mô hình kinh tế bao cấp lạc hậu. Hai là, trong khoảng thời gian hoạt động tình báo, ông phải sống cô độc và không có bạn bè đến thăm thường xuyên. Tuy vậy, ông cảm thấy may mắn vì sống đủ lâu để có thể nhìn thấy được những đổi mới đúng như ước mơ của mình”.

    Lý giải về hình tượng của ba con vật chó, cá, chim trên mộ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, GS Berman cho rằng những con vật này đã miêu tả chuẩn xác về con người ông. “Chú chó tượng trưng cho lòng trung thành, con cá tượng trưng cho sự im lặng, không bao giờ nói ra bí mật và chú chim tượng trưng cho sự tự do. Đó là cuộc đời của ông ấy”.

    Chia sẻ về những điều tiếc nuối của mình với Phạm Xuân Ẩn, GS Berman bộc bạch: “Đến cuối cùng, ông Ẩn vẫn không giải đáp thắc mắc của tôi, rằng bằng cách nào mà một nhà tình báo có thể sống sót lâu đến như vậy lại không gặp nguy hiểm gì. Có lẽ đó vẫn sẽ mãi là một bí ẩn về điệp viên X6 - Phạm Xuân Ẩn”.

    GS Larry Berman - tác giả của cuốn sách nổi tiếng X6 - Điệp viên hoàn hảo, là người Mỹ duy nhất được nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn tin tưởng kể lại những bí mật trong quá trình hoạt động tình báo của mình mà ông chưa từng công bố trước đó.

    GS Larry Berman trình bày tại buổi nói chuyện về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.  Ảnh: BTC


    LÊ CHUNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên