Tên đề tài: Quá trình đô thị hóa ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm ngoại thành Hà Nội giai đoạn 2000-2013.
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9229013
Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Mỹ Anh
Người hướng dẫn khoa học: NGND. GS. TS. Ngô Văn Lệ
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án:
Đô thị hóa là xu hướng phổ biến trong quá trình phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thông qua quá trình này, không những đời sống người dân được cải thiện mà cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội cũng được nâng cấp một cách cơ bản. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện về quá trình đô thị hóa ở các huyện ngoại thành Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội) là hết sức cần thiết, nhất là đối với các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhằm tìm ra con đường đảm bảo tính bền vững trong quá trình phát triển đô thị.
Luận án “Quá trình đô thị hóa ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm ngoại thành Hà Nội giai đoạn 2000 -2013” là công trình khoa học lịch sử nghiên cứu về quá trình đô thị hóa ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm ngoại thành Hà Nội trong giai đoạn 2000 -2013, được thực hiện trên cơ sở kế thừa những thành tựu về lý luận trong việc nghiên cứu về đô thị hóa cũng như từ thực tiễn của quá trình đô thị hóa ở Thủ đô Hà Nội và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm. Các phương pháp được sử dụng chủ yếu là phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin cùng với phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic. Đồng thời, còn sử dụng các phương pháp liên ngành khác.
Thông qua 4 chương nghiên cứu, luận án đã trình bày bối cảnh cũng như làm rõ diễn biến của quá trình đô thị hóa ở huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội) giai đoạn 2000-2013 qua việc phân tích quá trình chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị (chuyển biến trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, sự thay đổi lối sống của người dân…). Những yếu tố này vừa là tác nhân, cũng vừa là hệ quả của nhiều vấn đề khác nhau như phân tầng xã hội, chuyển đổi văn hóa , thay đổi cơ sở hạ tầng, không gian-môi trường...
+ Những kết quả chính của luận án:
(1). Đứng trên góc độ khoa học lịch sử, luận án tập trung nghiên cứu về quá trình đô thị hóa ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội) giai đoạn 2000-2013 với những chuyển biến trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và những tác động của nó trong quá trình đô thị hóa; phân tích, đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quá trình đô thị hóa.
(2) Tiếp cận, phân tích, đánh giá quá trình đô thị hóa từ trước những năm 2000, đặc biệt chú trọng đến bắt đầu thời kỳ đổi mới để thấy được quá trình chuyển biến ban đầu của đô thị hóa.
(3) Tìm hiểu sự một số đặc điểm căn bản của quá trình đô thị hóa từ năm 2000-2013 ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm để thấy được xu hướng biến đổi của nó, đồng thời thấy được những đặc điểm đặc điểm nổi bật của quá trình đô thị hóa tại Hà Nội so với các địa phương khác ở Việt Nam.
(4) Từ những kết quả của luận án, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng đô thị hóa, qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra một số giải pháp có thể tham khảo để phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực trong quá trình đô thị hóa ở các huyện này, nhằm phát triển theo hướng đô thị bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
+ Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
- Kết quả nghiên cứu của luận án là những cơ sở khoa học có thể góp phần gợi ý cho các cấp chính quyền Thủ đô Hà Nội trong việc hoạch định các chủ trương, biện pháp để phát triển đô thị.
- Kết quả của luận án còn có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho cán bộ, giảng viên, người học các ngành khoa học có liên quan và trực tiếp là cho những ai quan tâm, tìm hiểu về quá trình đô thị hóa ở Hà Nội. Luận án gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về quá trình đô thị hóa của vùng Đồng bằng Sông Hồng, đô thị hóa của Thành phố Hà Nội, đô thị hóa ở các quận, huyện trong thành phố Hà Nội.
Hãy là người bình luận đầu tiên