Tên đề tài: Sự ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên ngành: Xã hội học
Mã số: 9.31.03.01
Họ và tên nghiên cứu sinh: Bùi Thị Minh Hà
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Trịnh Duy Luân
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Ứng phó với ngập lụt là chủ đề được quan tâm nghiên cứu trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều biến động, rủi ro hiện nay. TP. HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và ngập lụt. Ngập lụt gây tác động nặng nề đến đời sống dân cư, cơ sở hạ tầng và kìm hãm quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Mặc dù vậy, vẫn còn thiếu vắng những nghiên cứu về ứng phó của các nhóm dân cư khác nhau đối với ngập lụt, cũng như chưa có những chính sách, định hướng ứng phó cho phù hợp cho từng nhóm dân cư. Nghiên cứu về sự ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư thành phố và phân tích những yếu tố tác động tới sự ứng phó của họ là cấp thiết, nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả, góp phần bảo vệ cộng đồng và phát triển bền vững.
Luận án sử dụng kết hợp cả hai phương pháp định tính và định lượng trong thu thập thông tin, dữ liệu cho nghiên cứu, trong đó khảo sát bằng bảng hỏi 250 hộ gia đình và phỏng vấn sâu 24 trường hợp tại các địa bàn bị ngập lụt điển hình ở thành phố Hồ Chí Minh như Quận 7, Quận Bình Tân, Quận Bình Thạnh và Quận Thủ Đức (cũ - nay là thành phố Thủ Đức). Tác giả tập trung tìm hiểu những cách thức ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư khác nhau về đặc trưng kinh tế-xã hội, về cấp độ tổn thương. Các kiểu loại hành động ứng phó phổ biến với ngập lụt của các nhóm dân cư, cộng đồng và các cấp độ ứng phó từ đơn giản tới phức tạp đã được phân tích chuyên sâu. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn tìm hiểu, phát hiện, đo lường các nhóm yếu tố tác động tới sự ứng phó của các nhóm dân cư.
2. Những kết quả của luận án
Từ quá trình nghiên cứu luận án, tác giả phát hiện được những điểm quan trọng sau:
Thứ nhất, các nhóm dân cư TP. HCM đã có những cách ứng phó đa dạng với ngập lụt. Các hoạt động ứng phó phổ biến bao gồm 2 kiểu chính là ứng phó thủ công, phi công trình và ứng phó công trình. Tuy vậy, các hộ gia đình còn tham gia khá hạn chế vào các hoạt động cộng đồng cũng như các công trình ứng phó với ngập lụt của chính quyền các cấp.
Thứ hai, có bốn cấp độ ứng phó xét theo mức độ phức tạp của hành động, trong đó, người dân chỉ tập trung vào 3 kiểu loại ứng phó gồm “đối phó”, “thích ứng tự chủ” và “thích ứng dạng kế hoạch”, nhưng lại hạn chế trong thực hiện dạng “giảm thiểu ngập lụt”. Hai lý thuyết lựa chọn hợp lý và quản lý rủi ro được vận dụng để phân loại hành động. Lý thuyết lựa chọn hợp lý chấp nhận sự phân loại đa dạng các kiểu hành động, quyết định lựa chọn hành động ứng phó tùy thuộc nguồn lực của họ. Các nhóm dân cư khác nhau, với nguồn lực khác nhau, có những lựa chọn, hành động khác nhau, từ ứng phó đơn giản, tức thời, mang tính thủ công tới dạng thích ứng tự chủ, kế hoạch, mang tính công trình.
Thứ ba, Ứng phó được phân chia theo ba giai đoạn: Trước, trong và sau khi ngập lụt xảy ra.
Các hoạt động ứng phó của người dân còn mang nặng tính tự phát, tức thời, bị động. Phần lớn, họ chỉ đối phó trong và sau khi bị ngập lụt, rất ít người có sự chuẩn bị, phòng ngừa từ trước khi ngập xảy ra.
Thứ tư, Ứng phó theo đặc trưng các nhóm dân cư, với các tiêu chí như: nghề nghiệp, học vấn, địa bàn cư trú, sở hữu nhà, thu nhập. Kiểm chứng về lựa chọn hợp lý, tính toán giữa chi phí và lợi ích đạt được trong ứng phó cúa các nhóm nghề nghiệp cho thấy: Ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế, tài sản của Nhóm buôn bán dịch vụ, nên họ sẵn sàng chi khoản kinh phí lớn để giảm thiểu thiệt hại, duy trì hoạt động buôn bán dịch vụ, giữ chân được khách hàng. Các nhóm dân cư khác nhau thì hành động ứng phó khác nhau, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại do ngập, nguồn lực ứng phó, nhận thức và lựa chọn của họ.
Thứ năm, các hoạt động ứng phó theo nhóm mức độ tổn thương. Nghiên cứu phân ra 3 nhóm dân cư dễ bị tổn thương bởi ngập lụt. Điểm chung của cả 3 nhóm này là họ đều ở vùng ngập và đều chịu phơi nhiễm, ảnh hưởng bởi ngập lụt. Nhóm dễ tổn thương nhất là nhóm bị hạn chế nhất về khả năng ứng phó, trong tiếp cận các nguồn lực để ứng phó, như nguồn lực kinh tế, cơ sở hạ tầng và cả nguồn lực cộng đồng. Nhóm này bị hạn chế về kinh tế, thu nhập thấp, bấp bênh, phần lớn là lao động tự do, thuê trọ hoặc ở trong điều kiện nhà ở kém. Nhóm ít bị tổn thương hơn là nhóm có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, có các công trình ứng phó với ngập của Nhà nước tại khu vực cư trú, đồng thời họ có điều kiện về kinh tế, nên cải thiện được nhà cửa, cơ sở hạ tầng khu vực cư trú. Tuy nhiên, nhóm này cũng bị hạn chế trong việc giảm nhẹ tác hại của ngập lụt, do họ không có các kỹ năng ứng phó với ngập lụt. Hành động ứng phó của nhóm dễ bị tổn thương nhất chịu ảnh hưởng của yếu tố kinh tế, trong khi nhóm ít bị tổn thương hơn lại chịu tác động, chi phối bởi các kỹ năng ứng phó. Người dân có xu hướng chấp nhận, sống chung với ngập.
Thứ sáu, Những yếu tố tác động tới ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư gồm hai nhóm: nhận thức và khả năng. Về nhận thức, nếu nhận thức được về mức độ ảnh hưởng, nguy cơ ngập nặng, mức độ thiệt hại càng nghiêm trọng thì người dân càng có xu hướng ứng phó tích cực hơn và ngược lại. Người dân còn hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng của tham gia với cộng đồng, ứng phó ngập lụt. Về khả năng bao gồm: yếu tố nguồn lực kinh tế (thu nhập và sở hữu nhà), yếu tố kỹ thuật và yếu tố chính sách, thể chế. Yếu tố thu nhập: nhóm thu nhập thấp khá hạn chế trong thực hiện ứng phó. Ngược lại, nhóm thu nhập cao sẽ ứng phó dễ dàng hơn vì ứng phó dạng công trình đòi hỏi phải có chi phí lớn. Tuy nhiên, việc ứng phó còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như mức ngập, thiệt hại do ngập gây ra, tình trạng cư trú, sở hữu nhà. Yếu tố kỹ thuật: phần lớn người dân không biết về các kỹ thuật giảm ngập hay các kỹ thuật sinh thái trong ứng phó. Cần tăng cường về chính sách hỗ trợ, truyền thụ kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, trong ứng phó với ngập lụt cho người dân. Yếu tố chính sách-thể chế: còn có những hạn chế trong nội dung chính sách cũng như quy trình triển khai các dự án, dẫn tới những hạn chế trong ứng phó với ngập lụt của người dân, trong hoạt động tham gia với cộng đồng, với các công trình nhà nước. Cũng chưa có các quy định, khuyến khích về xây dựng kiến trúc nhà, các công trình xây dựng gắn với các giải pháp giảm ngập, chưa có các hướng dẫn cụ thể về các kỹ thuật, giải pháp sinh thái, giảm ngập. Các chính sách cũng chưa có các chế tài xử phạt đối với các hành động gây ngập lụt như vứt rác thải sinh hoạt hay xây dựng vào kênh rạch. Còn có những hạn chế khi các chính sách chưa tính đến việc quản lý các rủi ro nảy sinh từ nguyên nhân tự nhiên hay xã hội, hay các rủi ro nảy sinh từ xung đột lợi ích cá nhân và tập thể.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Những đóng góp về mặt thực tiễn:
Kết quả nghiên cứu luận án là nguồn tài liệu tham khảo về thực trạng ngập lụt và ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư TP. HCM, bên cạnh các khuyến nghị chính sách về quản lý đô thị, giúp chính quyền các cấp xây dựng và triển khai các chiến lược hiệu quả để ứng phó với ngập lụt, giúp nâng cao nhận thức người dân về nguy cơ ngập lụt và các biện pháp phòng chống, từ đó tăng cường năng lực ứng phó của các nhóm dân cư khác nhau.
Những đóng góp về mặt khoa học:
Luận án đã phát triển mô hình lý thuyết để giải thích và dự đoán sự tương tác giữa các yếu tố địa lý, kinh tế, xã hội và hành vi ứng phó của các nhóm dân cư với ngập lụt; cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về cơ chế hoạt động của ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của luận án, cần lưu ý khi sử dụng lý thuyết lựa chọn hợp lý và lý thuyết quản lý rủi ro trong nghiên cứu hành động ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư TP. HCM. Đây cũng chính là đóng góp về lý thuyết của luận án. Hai lý thuyết này kết hợp phân tích, diễn giải các mô hình ứng phó đa dạng của các nhóm dân cư khác nhau, chỉ ra những điểm hạn chế, cũng như những xung đột trong ứng phó giữa các nhóm dân cư – dân cư, dân cư và chính quyền.
Luận án cũng cung cấp dữ liệu và sự phân tích chi tiết các mô hình ứng phó với ngập lụt của các nhóm dân cư khác nhau, cùng các yếu tố tác động tới sự ứng phó. Các kết quả này có thể được sử dụng để bổ sung, và hoàn thiện lý thuyết về quản lý và giảm thiểu thiên tai ở các đô thị lớn như TP. HCM.
Hãy là người bình luận đầu tiên