Tên đề tài: Tác động của các đô thị lớn lên cơ cấu kinh tế các địa phương ở Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học
Mã số: 9310101
Họ tên NCS: Trương Công Bắc
Mã số NCS: N18702029
Người hướng dẫn khoa học: HD1/HDĐL: TS. Trần Quang Văn, HD2: TS. Trần Thanh Long
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Có thể thấy rằng những đóng góp của các đô thị lớn đối với tổng thể kinh tế quốc gia là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cho đến hiện tại những nghiên cứu về tác động của các đô thị này đối với các địa phương lân cận chủ yếu tập trung phân tích về khía cạnh thúc đẩy tăng trưởng mà ít quan tâm đến những ảnh hưởng trong việc chuyển dịch về cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, chuyển dịch về cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Do đó, việc xác định những tác động từ các đô thị lớn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương lân cận là hết sức cần thiết trong việc góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở để đưa ra các quyết định mang tính hiệu quả trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của các địa phương theo hướng phù hợp.
Bằng việc sử dụng kết hợp cả hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, luận án đã tiến hành phân tích những ảnh hưởng từ đô thị lớn (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương lân cận ở Việt Nam. Trong đó, phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng nhằm sắp xếp một cách có hệ thống các lý thuyết liên quan từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho các nhận định, đánh giá. Phương pháp nghiên cứu định lượng dựa trên chỉ sô tự tương quan không gian Moran (I) và LISA kết hợp mô hình hồi quy không gian dữ liệu bảng với bộ dữ liệu của 33 địa phương trong giai đoạn 10 năm từ 2010 đến năm 2019 giúp đưa ra các bằng chứng thống kê về những thay đổi của cơ cấu kinh tế tại các địa phương cũng như những tác động từ đô thị lớn.
Kết quả từ quá trình phân tích trong luận án đã giải quyết ba mục tiêu. Thứ nhất, về mối quan hệ giữa các địa phương trong cơ cấu kinh tế, những địa phương có tỷ trọng ngành phi nông nghiệp cao trong cơ cấu kinh tế có xu hướng tập trung xung quanh các đô thị lớn và đang dần mở rộng ra các địa phương liền kề. Thứ hai, về tác động từ các đô thị lớn lên chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương lân cận, các kết quả nghiên cứu đã củng cố một số nhận định về ảnh hưởng của đô thị lớn đối cơ cấu kinh tế của các địa phương lân cận thông qua vai trò cung cấp việc làm và nguồn vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm và sự mở rộng diện tích đất đô thị. Tuy nhiên, luận án cũng chỉ ra nhiều ảnh hưởng được kì vọng chưa cho thấy tác động rõ nét đối với trường hợp của Việt Nam bao gồm việc cung cấp việc làm thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp, khả năng lan tỏa thông tin và liên kết ngành. Thứ ba, đối với hàm ý chính sách đề xuất, từ bối cảnh của Việt Nam, các hàm ý chính sách dựa trên các kết quả nghiên cứu được đưa ra nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế bao gồm: các nhóm chính sách của bản thân từng địa phương và các nhóm chính sách về mối liên kết với các đô thị lớn.
2. Những kết quả mới của luận án
Từ một cách tiếp cận khác so với các nghiên cứu hiện có, luận án cũng đã đưa ra những khám phá mới cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Dưới góc độ lý thuyết, luận án đã khỏa lấp một khoảng trống khoa học lớn về việc kết hợp xem xét mối quan hệ đa chiều giữa các địa phương với nhau trong phân tích tác động của đô thị đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn, điều mà chưa được phân tích trong các nghiên cứu trước đây. Ngoài ra, việc kết hợp đồng thời nhiều tác động của đô thị trong cùng một mô hình phân tích thay vì xem xét từng tác động đơn lẻ như các nghiên cứu hiện có giúp xác định chính xác mức độ ý nghĩa của từng tác động. Dưới góc độ thực tiễn, luận án cũng đã đưa ra các hàm ý chính sách cụ thể góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương trong bối cảnh đặc trưng của Việt Nam. Các hàm ý này được xây dựng dựa trên dữ liệu phân tích đáng tin cậy kết hợp cùng mô hình hồi quy dữ liệu bảng không gian, được xem là khá mới mẻ trong các nghiên cứu ở Việt Nam, do đó có thể cung cấp một góc nhìn đầy đủ và chi tiết hơn từ các kết quả nghiên cứu có tính chắc chắn cao.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Bên cạnh những khám phá và đóng góp mới, luận án cũng chỉ ra những vấn đề cần được tìm hiểu sâu hơn trong các nghiên cứu tiếp theo. Thứ nhất, vì hạn chế trong việc tiếp cận dữ liệu, nghiên cứu này chỉ mới phân tích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương ở cấp độ nhóm ngành thay vì các ngành nhỏ chi tiết bên trong do đó, không thể phân tích một cách đầy đủ về sự thay đổi cụ thể của các ngành này. Thứ hai, nghiên cứu này dựa vào việc tiếp giáp giữa các địa phương để xây dựng ma trận trọng số không gian sử dụng trong phân tích. Mặc dù đây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong mô hình không gian, tuy nhiên trong trường hợp xác định được ngưỡng ảnh hưởng, việc so sánh kết quả phân tích từ hai phương pháp xây dựng ma trận sẽ giúp đưa ra các nhận định chi tiết và có mức độ chắc chắn cao hơn.
Hãy là người bình luận đầu tiên