Tin tức - Sự kiện

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa - NCS. Lê Thị Thanh Tâm

  • 14/02/2023
  • Tên đề tài luận án: Tác phẩm Hồ Biểu Chánh nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa
    Chuyên ngành: Văn hóa học
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Thanh Tâm
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Luận án Tác phẩm Hồ Biểu Chánh nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa tập trung nghiên cứu làm rõ tác phẩm Hồ Biểu Chánh từ phương diện phản ánh bản sắc văn hóa Nam Bộ và tác phẩm Hồ Biểu Chánh trong văn hóa Nam Bộ. Luận án có 3 chương. Chương 1, luận án làm rõ cơ sở lý luận về vấn đề nghiên cứu như các khái niệm, lý thuyết về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa, lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa, văn chương; làm rõ cơ sở thực tiễn về vấn đề nghiên cứu như bối cảnh và đặc điểm văn học, văn hóa những năm đầu thế kỉ XX; cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh; chứng minh nghiên cứu Tác phẩm Hồ Biểu Chánh nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa là có cơ sở lý luận và thực tiễn. Chương 2, xét văn hóa trong mối quan hệ với văn học, văn học là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa, văn học biểu hiện và phản ánh văn hóa, luận án tập trung làm rõ bản sắc văn hóa Nam Bộ trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh qua các nội dung: con người Nam Bộ, không gian văn hóa vùng Nam Bộ, phong tục tập quán Nam Bộ. Chương 3, xét văn học trong mối quan hệ với văn hóa, văn học là một bộ phận hữu cơ của văn hóa, luận án tập trung làm rõ những ảnh hưởng, đóng góp của tác phẩm Hồ Biểu Chánh trong văn hóa Nam Bộ qua các nội dung: tác phẩm Hồ Biểu Chánh với văn học Nam Bộ, tác phẩm Hồ Biểu Chánh với ngôn ngữ Nam Bộ, tác phẩm Hồ Biểu Chánh với văn hóa đọc ở Nam Bộ, tác phẩm Hồ Biểu Chánh với cải lương và phim truyền hình ở Nam Bộ.
    + Những kết quả của luận án
    Về mặt lý luận,  nghiên cứu tác phẩm Hồ Biểu Chánh nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa, luận án góp phần tổng hợp, phân tích làm rõ thêm lý thuyết về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa; lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa văn chương; khẳng định thêm tính khả dụng của hướng nghiên cứu văn hóa từ văn học.
    Về mặt thực tiễn, luận án mở ra, làm phong phú thêm kết quả nghiên cứu văn hóa nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa, với trường hợp Hồ Biểu Chánh
    Nghiên cứu tác phẩm Hồ Biểu Chánh nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa, ở chiều văn hóa trong mối quan hệ với văn học, có thể thấy tác phẩm Hồ Biểu Chánh phản ánh rõ bản sắc văn hóa Nam Bộ qua con người, không gian văn hóa, phong tục tập quán Nam Bộ.Về con người Nam Bộ, nét riêng mang tính bản sắc của con người nơi đây đó là nguồn gốc “tứ xứ”, gắn liền với buổi giao thời, tính cách đặc trưng. Tính chất “tứ xứ” thể hiện qua sự quy tụ, quần cư của nhiều hạng người, nhiều thành phần, nhiều dân tộc, đến từ nhiều nơi ở Nam Bộ. Hệ thống nhân vật trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh có một bộ phận không nhỏ những nhân vật người Hoa, người Ấn, người Khmer. Nhìn từ tính cách, dễ dàng nhận ra trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh những màu sắc tinh thần đặc trưng văn hóa Nam Bộ qua phẩm chất con người Nam Bộ truyền thống thể hiện trong tác phẩm.Về không gian vùng văn hóa Nam Bộ, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh gợi cho người đọc sự hình dung về không gian văn hóa Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX. Sài Gòn, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đầu thế kỷ XX hiện lên sinh động, chân thực. Không gian đó có những mảng đối lập giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới đặc trưng cho vùng đất mới đang trong quá trình chuyển mình.Trên bối cảnh không gian đó, phong tục, tập quán Nam Bộ thời kì này về cơ bản vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống nhưng chịu sự tác động, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong buổi giao thời nên có sự chuyển biến mạnh mẽ ở các phương diện hôn nhân, tang ma, ăn, mặc, ở, đi lại. Nghiên cứu tác phẩm Hồ Biểu Chánh từ phương diện phản ánh bản sắc văn hóa cho thấy, người Nam Bộ tiếp nhận rất nhanh các ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng không vì thế bản sắc mất đi, mà ngược lại, văn hóa nơi đây càng ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn.
    Nghiên cứu tác phẩm Hồ Biểu Chánh nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa, ở chiều văn học trong mối quan hệ với văn hóa, luận án đã làm rõ vị trí, ảnh hưởng của tác phẩm Hồ Biểu Chánh trong văn hóa Nam Bộ.Tác phẩm Hồ Biểu Chánh ra đời trên cơ sở những tiền đề văn hóa, xã hội, chịu sự tác động mạnh mẽ của bối cảnh văn hóa Nam Bộ lúc bấy giờ. Có thể nói sự tác động đó đã dẫn đến quá trình sáng tác mang tính tiêu biểu của một nhà văn góp phần quan trọng trong giai đoạn văn học chuyển đổi từ trung đại sang hiện đại, từ văn xuôi hóa, mô phỏng đến sáng tác. Hồ Biểu Chánh đã có những đóng góp nhất định vào tiến trình văn hóa Nam Bộ buổi đầu nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung. Ông là một trong những tác gia văn học quan trọng đầu thế kỷ XX có tác phẩm gắn liền với số phận và những thăng trầm của văn học quốc ngữ miền Nam. Sáng tác của ông góp phần tạo nên phong trào văn chương sôi nổi trên vùng đất phương Nam những năm đầu thế kỷ XX. Với ngôn ngữ Nam Bộ, tác phẩm Hồ Biểu Chánh là minh chứng sống động cho lớp ngôn ngữ buổi giao thời, giao thoa giữa cũ - mới, phương Đông - phương Tây. Hồ Biểu Chánh sử dụng lớp từ Hán Việt thường thấy trong văn học trung đại, lớp từ mượn từ tiếng Pháp trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa phương Tây. Câu văn xuôi, nhịp điệu, từ ngữ thể hiện nét đặc trưng của văn học giai đoạn giao thời, cái cũ, cái mới đan xen nhau. Ngôn ngữ thể hiện các đặc điểm phát âm của người Nam Bộ. Hồ Biểu Chánh đã đưa tiếng nói hằng ngày của người Việt ở cực nam của Tổ quốc vào tác phẩm một cách triệt để, cùng với cách dùng từ ngữ táo bạo, giàu màu sắc, sự biểu cảm, Hồ Biểu Chánh tạo nên văn phong riêng đậm chất Nam Bộ. Ngôn ngữ trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh góp phần tạo nên sự phong phú cho ngôn ngữ Nam Bộ. Ảnh hưởng của tác phẩm Hồ Biểu Chánh với văn hóa đọc ở Nam Bộ, sự tiếp nhận tác phẩm Hồ Biểu Chánh của người đọc cho chúng ta hình dung rõ hơn về diện mạo đời sống văn hóa Nam Bộ. Hồ Biểu Chánh là chủ thể sáng tạo, ông đồng thời cũng là nhân tố tích cực, chủ động trong việc “truyền bá” tác phẩm của mình đến đông đảo công chúng, điều mà trước đây trong văn học trung đại không có hoặc ít thấy, một chỉ dấu cho thấy tính chất hiện đại trong hoạt động văn hóa lúc bấy giờ. Tác phẩm Hồ Biểu Chánh đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành, tạo nên thói quen đọc sách, kĩ năng đọc chữ quốc ngữ và sở thích thưởng thức văn chương của người Nam Bộ. Tác phẩm Hồ Biểu Chánh cũng có những ảnh hưởng quan trọng đối với văn hóa nghe – nhìn ở Nam Bộ. Ngoài các tác phẩm tuồng hát, bao gồm hài kịch, hát bội, cải lương, do chính Hồ Biểu Chánh sáng tác, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có sức hấp dẫn đặc biệt với cải lương và phim truyền hình ở Nam Bộ. Sự tái hiện, tái sáng tạo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh ở loại hình nghệ thuật cải lương và điện ảnh là sự mở rộng và nối dài những giá trị của tác phẩm của nhà văn. Sự hình thành và phát triển của các loại hình nghệ thuật, sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông nhắm vào thị hiếu nghe - nhìn của công chúng, sức ảnh hưởng, lan tỏa của tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ riêng ở Nam Bộ mà cả trong và ngoài nước. Rõ ràng, Hồ Biểu Chánh không đơn thuần là hiện tượng văn học mà là hiện tượng văn hóa. Việc tiếp nhận, cải biên và tái hiện tiểu thuyết cũng cho thấy đời sống sinh động của tác phẩm của Hồ Biểu Chánh sau khi xuất bản.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn
    Công trình là nguồn tài liệu tham khảo phục vụ học tập và nghiên cứu cho sinh viên, học viên sau đại học về bản sắc văn hóa Nam Bộ trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh và tác phẩm Hồ Biểu Chánh trong văn hóa Nam Bộ qua nghiên cứu nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên