Tên luận án: Tiếp xúc văn hóa Việt - Pháp trong lĩnh vực giáo dục ở Nam Kỳ
Chuyên ngành: Văn hoá học.
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Ngô Thị Minh Hằng
Người hướng dẫn khoa học: TS. Trần Long, TS. Trần Thanh Nhàn
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM.
1. Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Sau khi thực dân Pháp hoàn thành việc chinh phục bằng quân sự, Pháp đã xây dựng ở Nam Kỳ một hệ thống giáo dục theo mô hình của Pháp. Người Pháp đã từng bước xóa bỏ nền giáo dục Nho học, thay vào đó là một nền giáo dục theo mô hình giáo dục phương Tây về tổ chức hệ thống các trường học, cách thức tổ chức lớp học, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, học sinh…
Với hệ thống giáo dục này, Pháp nhằm đào tạo những công chức, viên chức bản xứ làm việc cho bộ máy hành chính thuộc địa. Về khách quan thì giáo dục Việt - Pháp đã mang lại những hệ quả tích cực cho văn hóa giáo dục Việt Nam, góp phần đặt cơ sở cho giáo dục Việt Nam hiện đại. Quá trình áp đặt hệ thống giáo dục theo mô hình văn hóa giáo dục Pháp cũng chính là quá trình biến đổi văn hóa giáo dục Việt – Pháp ở Nam Kỳ về nhận thức; về văn hóa tổ chức, quản lý trường học, văn hóa ứng xử trong trường học… Quá trình tiếp biến văn hóa giáo dục đó đã đem lại những hệ quả, bài học kinh nghiệm cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam hiện nay.
2. Những kết quả của luận án
Qua nghiên cứu quá trình tiếp xúc văn hoá giáo dục Việt – Pháp ở Nam Kỳ, luận án đã đạt được các kết quả sau đây:
1. Sự áp đặt mô hình nền giáo dục Pháp vào Nam Kỳ đã mang lại một nền giáo dục mới tích cực, có sự đổi mới cả về hình thức tổ chức hệ thống trường lớp; nội dung, phương pháp giáo dục, thi cử. Việc học tập ở giai đoạn này chú trọng đến học để làm việc, tiếp nhận kiến thức thực tế để thực hành.
2. Quá trình tiếp biến văn hóa giáo dục Việt – Pháp đã làm giáo dục Việt Nam có sự biến đổi về cơ cấu tổ chức, hệ thống trường lớp và cách quản lý nền giáo dục. Công tác quản lý trường học có hệ thống chặt chẽ từ thấp đến cao, có quy định chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động rõ ràng, không chồng chéo, đảm bảo các cấp quản lý giáo dục hoạt động có hiệu quả. Cơ sở vật chất trong trường học được đầu tư và trang bị đầy đủ phục vụ cho dạy và học.
3. Học sinh được tiếp thu những tri thức toàn diện trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống như kiến thức về tự nhiên, xã hội một cách hệ thống, phong phú và mới mẻ, do đó nhận thức, thẩm mỹ của học sinh được mở rộng, đa dạng và thiết thực hơn. Lần đầu tiên trẻ em gái được đi họ. Giáo dục mầm non, giáo dục nghề được tổ chức cùng với giáo dục cho dân tộc thiểu số, vùng cao…
4. Trong giáo dục Pháp – Việt, giáo viên được đào tạo bài bản, đáp ứng được tiêu chuẩn của trường học, nữ giáo viên xuất hiện trong trường học. Giáo viên được chính quyền trả tiền lương và đủ lo cho bản thân và gia đình. Trong lớp học sinh cùng có độ tuổi, tâm sinh lý và tình cảm. Trường học không có sự phân biệt về giới tính hay hoàn cảnh xuất thân của học sinh. Nam hay nữ đều bình đẳng trong việc được truyền thụ kiến thức, được quyền học hành và hưởng những lợi ích của việc học. Với nền giáo dục mới, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong trường học là mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng.
5. Nền giáo dục Pháp – Việt đã có đóng góp trong việc tiếp thu và truyền bá tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ như tư tưởng canh tân, đổi mới đất nước; nền giáo dục Pháp – Việt đã đào tạo được một đội ngũ trí thức Tây học đông đảo, đa phần đều có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, họ chủ trương biến công cụ, đồng hoá nô dịch của thực dân Pháp thành công cụ để giúp Việt Nam giành độc lập. Nền giáo dục cũng đã cung cấp nguồn nhân lực (công nhân, trí thức, công chức ) để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
Luận án là một công trình nghiên cứu sâu về quá trình tiếp xúc văn hoá giáo dục Việt – Pháp ở Nam Kỳ dưới góc độ Văn hoá học. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần lý giải những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về văn hóa giáo dục ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung giai đoạn cận đại, từ đó rút ra những đặc điểm, hệ quả, bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng nên giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Luận án góp phần xây dựng khung lý thuyết tiếp xúc và giao lưu văn hoá trong một cấu trúc chặt chẽ bởi các thành tố: nhận thức- tổ chức- ứng xử trong mối quan hệ với giáo dục. Luận án cũng bổ sung thêm một hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu các hiện tượng, thành tố, hoạt động tinh thần của xã hội trong ngành văn hóa học.
Từ những kết quả nghiên cứu, luận án sẽ cung cấp thêm những tư liệu mới, đặc biệt là tư liệu lưu trữ nghiên cứu về văn hóa giáo dục Việt – Pháp giai đoạn cận đại, làm tài liệu tham khảo cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu về quá trình tiếp xúc văn hóa giáo dục Việt – Pháp ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung.
4. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
- Luận án đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu sâu sắc hơn những nội dung tiếp biến văn hóa giáo dục Pháp Việt, đặc biệt là những bài học thiết thực cho sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay như lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Hãy là người bình luận đầu tiên