Tin tổng hợp

Toạ đàm ĐHQG-HCM 30 năm xây dựng và phát triển

  • 22/02/2025
  • Sáng ngày 22/02/2025, tại Phòng 512, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: 30 năm xây dựng và phát triển”. Sự kiện có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.

    Chủ tọa đoàn điều hành tọa đàm.

    Ý tưởng của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

    TS Lê Thị Anh Trâm trình bày Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM.

    Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cột mốc 30 năm xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM. Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng đây không chỉ là dịp để ĐHQG-HCM tổng kết những việc đã làm, chưa làm; những bài học kinh nghiệm; nguyên nhân chủ quan, khách quan suốt 30 năm qua mà còn là dịp để xác định tương lai ĐHQG-HCM trong 30 năm tới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các thế hệ đi trước ôn lại, chia sẻ kỷ niệm trong suốt hành trình 30 qua với các thế hệ sau.

    Trình bày Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM, TS Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ, cho biết ĐHQG-HCM được hình thành từ ý tưởng về mô hình đại học mới của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Theo cố Thủ tướng, giáo dục đại học Việt Nam phải tiến hành đổi mới để vừa đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó, vừa nâng tầm vóc và vị thế của mình lên ngang tầm với khu vực và thế giới. ĐHQG được cố Thủ tướng xác định là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; khắc phục tình trạng phân tán, thiếu liên thông và chưa chuẩn hóa đang tồn tại hiện nay. ĐHQG giữ vai trò tiên phong và nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong xu hướng xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức ở thế kỷ XXI.

    Trên cơ sở ý tưởng đó, ngày 27/01/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 16/CP thành lập ĐHQG-HCM.

    Trải qua 30 năm, ĐHQG-HCM đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Về công tác phát triển Đảng, giai đoạn 2005-2024, số lượng Đảng viên ĐHQG-HCM liên tục được phát triển theo từng năm, từ gần 1.000 Đảng viên trong năm 2005 lên gần 3.000 đảng viên năm 2024. Số lượng viên chức, tiến sĩ, giáo sư của ĐHQG-HCM cũng tăng từ gần 4.000 viên chức, 426 tiến sĩ, 98 GS, PGS năm 1995 lên 6.400 viên chức, 1.600 tiến sĩ, 360 GS, PGS năm 2025.

    Về khoa học công nghệ, ĐHQG-HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số bài báo công bố quốc tế với dấu mốc ấn tượng gần 3.200 bài báo trong danh mục Scopus năm 2024, chiếm 13.6% tổng công bố của cả nước. ĐHQG-HCM là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ với nhiều bằng sáng chế quốc tế, nhiều sản phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, đặc biệt là tế bào gốc, kỹ thuật y sinh, trí tuệ nhân tạo, chip - bán dẫn, đạt doanh thu trung bình 250-300 tỷ mỗi năm.

    Về đào tạo, ĐHQG-HCM là đơn vị tiên phong thí điểm mở các ngành đào tạo mới: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip - bán dẫn, các chương trình cử nhân, kỹ sư tài năng; dẫn đầu cả nước về số chương trình được xếp hạng thế giới. Nếu như năm 2021, ĐHQG chỉ có 1 ngành thì năm 2025, ĐHQG-HCM đã có 17 ngành, 3 lĩnh vực được xếp hạng, trong đó có đến 14 ngành thuộc top 500 thế giới; dẫn đầu cả nước với 154 chương trình được kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Kỳ thi Đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học với số lượng ngày càng gia tăng, đạt mức 136.004 lượt thí sinh đăng ký và được hơn 100 trường đại học, cao đẳng trong nước sử dụng để xét tuyển trong năm 2024.

    Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng là đơn vị tiên phong thực hiện sứ mệnh phục vụ cộng đồng và là đơn vị có khu đô thị đại học xanh, thân thiện, hiện đại đầu tiên của cả nước với hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ.

    Những thách thức và giải pháp phát triển

    PGS.TS Lê Vũ Nam trình bày báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất chính sách vượt trội để phát triển ĐHQG-HCM.

    Trình bày báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất chính sách vượt trội để phát triển ĐHQG-HCM, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết Luật Giáo dục Đại học (Điều 8) đã khẳng định: “ĐHQG có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.” Ông cho rằng cần cụ thể hóa các quy định này theo hướng trao quyền tự chủ nhiều hơn cho ĐHQG, xác định rõ mức độ tự chủ về tổ chức, nhân sự, học thuật, tài chính và đầu tư… cho ĐHQG trong Nghị định về ĐHQG dự kiến ban hành trong thời gian tới.

    Cũng theo PGS.TS Lê Vũ Nam, việc xây dựng và ban hành các chính sách vượt trội sẽ giúp ĐHQG phát huy tối đa tiềm năng, góp phần vào sự phát triển chung của nền giáo dục và khoa học công nghệ nước nhà.

    Cần có cơ chế đặc thù cho ĐHQG

    PGS.TS Hồ Thanh Phong, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế trình bày tham luận một vài suy nghĩ và đề xuất về mô hình ĐHQG-HCM.

    Tự hào về sự phát triển của ĐHQG-HCM, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với 2 báo cáo tại toạ đàm, đồng thời cho rằng trong định hướng phát triển của mình, ĐHQG-HCM cần xác định rõ các sản phẩm mang tính đột phá có thể đóng góp cho đất nước, từ đó đề xuất những cơ chế chính sách đi kèm để được đầu tư phát triển.

    PGS.TS Phan Thanh Bình, Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu.

    Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, để tổng kết chặng đường 30 năm, ĐHQG-HCM nên đưa ra các mô hình, sáng kiến tiên phong thể hiện những đóng góp riêng biệt của ĐHQG cho giáo dục và cho đất nước. Đồng thời, khi đề xuất những khó khăn lên cấp trên, với vai trò, vị trí và kinh nghiệm của mình, ĐHQG-HCM nên đề xuất cho toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, chứ không chỉ riêng cho ĐHQG-HCM. Bên cạnh đó, cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua để tiếp tục phát huy, phát triển ĐHQG-HCM trong giai đoạn mới. Về mô hình, ông đề xuất quản trị đại học theo mô hình quản trị doanh nghiệp như thế giới đang triển khai.

    PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội phát biểu.

    Đồng tình với quan điểm của 2 nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM, PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng trong 30 năm qua, 2 ĐHQG đã có những đóng góp quan trọng cho hệ thống giáo dục quốc dân. Việc hai ĐHQG là đơn vị thí điểm chính sách, để từ đó nhân rộng cho cả nước là một trong những minh chứng về vai trò của ĐHQG đối với nền giáo dục nước nhà. “Mô hình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG đã hoàn thiện. Đó là sự cố gắng, đóng góp đáng ghi nhận. Tính gắn kết hữu cơ trong hệ thống ĐHQG ngày càng mạnh mẽ hơn, thể hiện trong quan hệ quốc tế, trong tư vấn chính sách, cũng như những đóng góp cho xã hội. Và như quan điểm của Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân và PGS.TS Phan Thanh Bình tại Hội nghị 2 ĐHQG ở Tam Đảo vừa qua thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, 2 ĐHQG vẫn thể hiện vai trò đầu tàu của hệ thống giáo dục của đất nước, đóng góp cho sự phát triển quốc gia” - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội bày tỏ.

    PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu kết luận.

    Phát biểu kết luận, PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm trong hành trình phát triển ĐHQG-HCM. Đó là nội lực, sức sáng tạo của tập thể lãnh đạo; nỗ lực, đóng góp của các cá nhân cho tổ chức, đồng lòng vì sự phát triển chung; và phải vượt qua bẫy phát triển trung bình của đại học.

    Giám đốc ĐHQG-HCM cũng cảm ơn các đại biểu tham dự và đóng góp những ý kiến tâm huyết tại toạ đàm để ĐHQG-HCM phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

    ĐOÀN CHÂU

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên