Tin tổng hợp

Ứng dụng khoa học giúp vùng Tây Nam bộ phát triển bền vững

  • 25/12/2018
  • Ngày 22/12, tại thành phố Bạc Liêu, ĐHQG-HCM, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, PGS.TS Bùi Nhật Quang - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng hơn 100 đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực đã tới dự.

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

    Theo báo cáo của Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nam bộ, năm 2018 Chương trình Tây Nam bộ hoàn thành 13 nhiệm vụ khoa học công nghệ bắt đầu thực hiện từ năm 2015 đến nay, nghiệm thu cấp quốc gia 11 nhiệm vụ, chuẩn bị nghiệm thu 1 nhiệm vụ, tiếp tục triển khai 21 nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2017.

    Nhiều đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt khi áp dụng vào thực tiễn, phục vụ sản xuất và đời sống, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng phục vụ phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó nổi bật là đề tài “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu” do Công ty BUSADCO chủ trì. Công nghệ kè này có ưu điểm là lắp ghép đồng bộ, bảo đảm chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn, thời gian thi công ngắn, giá thành hạ. UBND tỉnh Cà Mau và các ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao công nghệ này và đã cho triển khai ứng dụng thí điểm tại các đoạn bờ biển bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 1.200m thuộc khu vực Kinh Mới - Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời).

    Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết Chương trình Tây Nam bộ triển khai 34 nhiệm vụ khoa học công nghệ và nghiệm thu cấp quốc gia được 11 nhiệm vụ. Chương trình cũng đã được ngành chức năng của Bộ KH&CN phê duyệt và dự toán kinh phí cho 25 nhiệm vụ khác.

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt đánh giá: “Hầu hết các nhiệm vụ đều bám sát các nội dung thuyết minh để triển khai thực hiện, xác hợp với thực tiễn của sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng”.

    Về kế hoạch năm 2019, Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nam bộ cho biết sẽ tập trung triển khai thực hiện 21 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2017 và 25 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2018, đồng thời triển khai các nhiệm vụ mới bắt đầu thực hiện từ năm 2019; tổ chức kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ khoa học công nghệ về tiến độ thực hiện, nội dung khoa học và tài chính; tổ chức đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã kết thúc và kiến nghị đưa vào ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

    Trong khuôn khổ hội nghị, đoàn ĐHQG-HCM đã có buổi dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu và chuyến khảo sát thực tế Mô hình thí điểm về đê kè chắn sóng chống xói lở bờ biển tại tỉnh Cà Mau.

    Đoàn đại biểu khảo sát thực tế Mô hình thí điểm về đê kè chắn sóng chống xói lở bờ biển tại tỉnh Cà Mau.

    Tin, ảnh: Đức Lộc

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên