Sinh viên ĐHQG-HCM

Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện đa tính năng với giá rẻ

  • 25/09/2024
  • Cuối tháng 5/2024, Dự án Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện E-Motion với sản phẩm Tay lái trợ lực điện - EM01 đã đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp IU Startup Demo Day 2024. Dự án do nhóm 5 sinh viên gồm Đinh Vũ Đức Đạt, Bùi Trí Dũng, Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐH Quốc tế), Châu Dương Huyền Trân (Trường ĐH KHXH&NV) và Phạm Nguyễn Yến Nhi (ĐH Kinh tế TP.HCM, phân hiệu Vĩnh Long) thực hiện.

    Đinh Vũ Đức Đạt, Phạm Nguyễn Yến Nhi, Bùi Trí Dũng, Châu Dương Huyền Trân, Nguyễn Phương Thảo (từ trái qua) tại cuộc thi khởi nghiệp IU Startup Demo Day 2024. Ảnh: NVCC

    Với khung sườn được tích hợp pin, động cơ điện và có thể lắp vào mọi dòng xe lăn, sản phẩm Tay lái trợ lực điện - EM01 sẽ hỗ trợ người khuyết tật di chuyển độc lập, dễ dàng hơn.

    Dễ dàng tháo lắp trong 30 giây

    Sau vài lần tình cờ nhìn thấy những người khuyết tật đi bán vé số bằng xe lăn truyền thống do không đủ điều kiện mua chiếc xe lăn điện có giá trên 9 triệu đồng, Trí Dũng đã nảy ra ý tưởng chế tạo một tay lái trợ lực điện. Thiết bị này sẽ được lắp vào xe lăn thường, tạo động cơ giúp xe lăn đi lại thuận tiện hơn.     

    Dũng chia sẻ: “Những người dùng xe lăn thường chỉ có thu nhập khoảng 100-200 nghìn đồng mỗi ngày nên khó mua được một chiếc xe lăn điện hay đầu kéo điện đắt tiền. Mà việc di chuyển đường dài bằng xe lăn thường lại vô cùng chật vật và tốn sức. Do đó, tay lái trợ lực sẽ là một thiết bị giá rẻ, hữu ích và có thể biến xe lăn cũ của những người khuyết tật có thu nhập thấp thành xe lăn điện đa chức năng”.   

    Với ý tưởng này, vào tháng 2/2024, Dũng đã rủ thêm Đạt, Thảo, Trân và Nhi thực hiện Dự án Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện E-Motion. Sau 3 tháng nghiên cứu cấu tạo khớp nối, chế tạo bộ điều khiển, nhóm đã hoàn thành Tay lái trợ lực điện - EM01 cao 90cm, rộng 50cm, dài 90cm, nặng khoảng 10kg với công suất 350W và tải trọng kéo tối đa 150kg.

    Cấu tạo của tay lái trợ lực gồm 4 phần: tay lái, hộp chứa linh kiện đầu não (pin lithium, bộ điều khiển trung tâm, bộ điều tốc, bộ đảo chiều điều khiển xe lùi, tiến), bộ giảm xóc và các chi tiết cơ khí (khung xe, khớp kết nối).

    Theo nhóm, cứ sạc pin tay lái 6 giờ sẽ đi được 28-30km với vận tốc trung bình 27km/h. Sản phẩm được tích hợp nhiều tính năng hiện đại như chống nước, chống bụi IP67, phát hiện vật cản khi lùi, cảm biến góc nghiêng cảnh báo té ngã, GPS xác định vị trí và hệ thống cảnh báo qua email, giúp việc sử dụng tiện lợi và an toàn hơn.

    Khớp nối cũng được thiết kế để người dùng có thể dễ dàng tháo lắp trong 30 giây - 1 phút. Sau khi lắp tay lái vào xe lăn thì chỉ cần bật chìa khóa là có thể đi lại, dễ dàng điều chỉnh tốc độ với 3 mức từ chậm đến nhanh. Để lùi, tiến và dừng xe, người dùng chỉ cần sử dụng nút đổi chiều và thắng tay ở trên tay lái trợ lực.

    “Khả năng tháo lắp nhanh chóng, thiết kế gọn nhẹ và tải trọng kéo lên đến 150kg là những điểm nổi trội của Tay lái trợ lực trợ lực điện - EM01 so với các sản phẩm tương tự. Về tốc độ, tay lái có thể giúp xe lăn di chuyển tối đa 34km/h, tuy nhiên, vận tốc khuyến nghị sử dụng giúp vận hành ổn định, ít rung lắc và mang lại cảm giác thoải mái nhất khi sử dụng là 15-20km/h. Việc sử dụng pin lithium nhỏ gọn, bền bỉ thay cho ắc-quy cũng là một ưu điểm của sản phẩm” - Trí Dũng cho biết.

    Giá bán dự kiến của tay lái trợ lực này là 4,8 triệu đồng, chỉ bằng một nửa giá xe điện và máy đầu kéo rẻ nhất trên thị trường (theo khảo sát của nhóm). Bên cạnh phương thức mua trực tiếp, nhóm còn dự định cho khách hàng trả góp 3-6 tháng với giá 5 triệu đồng, bao gồm 200 nghìn đồng chi phí cho người thu hộ.

    Sẽ sản xuất, bán thử trong quý 1/2025

    Tay lái trợ lực điện - EM01 do nhóm sinh viên chế tạo. Ảnh: NVCC

    Từ mong muốn phát triển, tìm nhà đầu tư cho Tay lái trợ lực điện - EM01, giúp những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận sản phẩm này, nhóm đã đăng ký tham gia cuộc thi IU Startup Demo Day 2024.

    Ở giai đoạn hoàn thiện sản phẩm và dự án, nhóm nhận được sự hướng dẫn của TS Lê Ngọc Bích và anh Nguyễn Sỹ Hoàng Thành - Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế. Đồng thời, các thành viên còn có cố vấn kinh doanh là anh Tống Vũ Thân Dân - Giám đốc sản xuất Công ty Realtime Robotics, Ban Tổ chức cuộc thi.

    Trong hành trình “chinh chiến” tại cuộc thi, bên cạnh giải Nhất và sự công nhận về tiềm năng phát triển của sản phẩm, nhóm còn nhận được rất nhiều lời góp ý từ ban giám khảo cũng như sự hỗ trợ để phát triển dự án khởi nghiệp này trong tương lai.

    Trí Dũng bày tỏ: “Giải thưởng vừa là niềm vinh dự, vừa là động lực và cơ hội để tụi mình tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Chẳng hạn lúc mới bắt tay vào dự án, quá trình khảo sát nhu cầu của người khuyết tật với sản phẩm bị hạn chế ở một số tỉnh thành. Nhờ tham gia cuộc thi, nhóm đã được các chuyên gia hỗ trợ liên hệ với các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật trên khắp cả nước để có thể tiếp cận nguồn dữ liệu khách hàng lớn hơn, từ đó có thêm thông tin để cải tiến tay lái trợ lực”.

    Sau cuộc thi, nhóm dùng tiền thưởng cho việc cải tiến sản phẩm. Cụ thể là tăng cường khả năng chống nước, tối ưu thiết kế khớp nối cho dễ tháo lắp, phù hợp hơn với đa số mẫu xe lăn và sơn lớp cách nhiệt để hạn chế việc sản phẩm bị nóng khi dùng dưới trời nắng. Nhóm cũng dự định tìm kiếm các loại pin có dung lượng lớn hơn hoặc công nghệ sạc nhanh hơn, đồng thời bổ sung bánh xe nhỏ để người dùng kéo tay lái trợ lực nhẹ nhàng hơn. 

    Song song việc hoàn thiện, khảo sát ý kiến người dùng, nhóm còn mang sản phẩm đến cuộc thi Khởi nghiệp Startup Wheel năm 2024 để nhận thêm góp ý và lọt vào tốp 10. Dự kiến đến quý 1/2025, nhóm sẽ hoàn thiện sản phẩm, đăng ký bản quyền thiết kế công nghiệp và đưa vào sản xuất, dùng thử.

    Theo TS Lê Ngọc Bích - giảng viên hướng dẫn của nhóm, Tay lái trợ lực điện - EM01 có nhiều điểm nổi bật so với các sản phẩm trên thị trường từ thiết kế, tính năng đến chi phí.

    “Khi biết dự án này đoạt giải Nhất Cuộc thi IU STARTUP DEMO DAY 2024, tôi cảm thấy rất vui mừng. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự sáng tạo, nỗ lực và khả năng của các sinh viên. Thành công này không chỉ khẳng định giá trị của dự án mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho nhóm trong việc phát triển và thương mại hóa sản phẩm” - thầy Bích chia sẻ.

    Cụ thể, TS Bích kỳ vọng nhóm sẽ khắc phục hạn chế, tích hợp công nghệ điều khiển thông minh hơn để nâng cao trải nghiệm người dùng. Đồng thời, tìm kiếm nguồn tài trợ hoặc hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận để giảm chi phí, giúp dự án phát triển mạnh mẽ hơn và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng người khuyết tật.

    THU TRANG - THU THẢO

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên