Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One commune One product - OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 và gần đây nhất là Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025.
Chương trình “Mỗi xã hội một sản phẩm” (Chương trình) nhằm thúc đẩy phát triển đa dạng sản phẩm có tiềm năng giá trị ở khu vực nông thôn, làm tăng trưởng kinh tế nông thôn Việt Nam.
Giá trị gia tăng nhờ liên kết chuỗi giá trị
Sản phẩm được chứng nhận OCOP có giá trị gia tăng cao hơn sản phẩm chưa được chứng nhận nhờ liên kết chuỗi giá trị. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 60,7% chủ thể OCOP đạt từ hạng 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.
Chương trình từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, tiếp cận được thị trường xuất khẩu, dùng làm quà tặng sang trọng, như: miến dong Tài Hoan của Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của Sơn La, đường thốt nốt Palmania của An Giang…
Người nông dân có vai trò rất quan trọng đối với Chương trình và kinh tế địa phương vì chủ thể OCOP là nhân tố cốt lõi để phát triển OCOP bền vững. Nhờ có sự tham gia của cộng đồng địa phương mà việc bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa cộng đồng địa phương không ngừng nâng cao. Nhờ phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong đã khẳng định được vai trò của mình trong việc sát cánh cùng người nông dân phát triển nông nghiệp, văn hóa, du lịch.
Khoa học xã hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội
Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong được thành lập năm 2016 với sứ mạng nghiên cứu và phục vụ cộng đồng thông qua các thành tựu nghiên cứu khoa học có giá trị học thuật và thực tiễn cao, phục vụ phát triển nông thôn, hỗ trợ các nhóm yếu thế.
Trung tâm có 4 mảng hoạt động chính, gồm: nghiên cứu và ứng dụng, biên soạn và công bố khoa học, đào tạo và tập huấn, tư vấn. Trong từng mảng, các chủ đề về nông nghiệp (Chương trình OCOP), nông dân (nâng cao năng lực) và nông thôn (xây dựng nông thôn mới, du lịch) đều được lồng ghép và triển khai tại các địa phương.
Đặc biệt, với Chương trình OCOP, Trung tâm đã triển khai thực hiện đề tài cấp Quốc gia “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chuyển tải các giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới ở các vùng dân tộc thiểu số Nam bộ” và “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam, điển cứu tại Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ”. Thông qua những đề tài này, lý luận về phát triển OCOP được cũng cố và phát triển, đồng thời, đề tài cũng chuyển giao những ứng dụng cụ thể cho các đơn vị thụ hưởng để góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tại các địa phương, hằng năm (từ năm 2018), Trung tâm liên tục hỗ trợ xây dựng các đề án Chương trình OCOP ở Ninh Thuận, TP.HCM, Long An, Kiên Giang; tập huấn cho các cán bộ, chủ thể tham gia chu trình OCOP như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Long An, An Giang… Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cả nước, Trung tâm vẫn có những hoạt động tập huấn, chia sẻ về Chương trình OCOP bằng hình thức trực tuyến thu hút hàng ngàn người tham dự.
Trường ĐH KHXH&NV nói chung và Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong nói riêng tham gia các dự án, đề án, đề tài, chương trình về phát triển nông thôn cũng như OCOP, ngoài việc kết nối các chuyên gia đa ngành đa lĩnh vực còn là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của khoa học xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bằng những hoạt động thực tiễn gắn chặt với đời sống cộng đồng địa phương, khoa học xã hội từng bước thực hiện vai trò phát huy giá trị bản địa, chuyển tải tính nhân văn vào các câu chuyện sản phẩm, nâng cao nhận thức và năng lực của chủ thể sản xuất nông nghiệp.
Với mục tiêu phục vụ cộng đồng bằng nhiều hình thức đa dạng, nhất là phổ biến những sản phẩm OCOP rộng rãi đến người tiêu dùng, vào tháng 9/2023, Trường ĐH KHXH&NV đã khánh thành Không gian OCOP Nhân văn tại công trình kiến trúc từ thời Pháp với tuổi đời hơn 150 năm. Chính nơi có giá trị văn hóa-lịch sử-nhân văn này được dùng để kết nối, quảng bá các sản phẩm OCOP, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm Việt.
Trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong tiếp tục đồng hành với các địa phương trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, chuyển tải giá trị bản địa và nhân văn vào trong từng sản phẩm.
Bài, ảnh: Trường ĐH KXH&NV ĐHQG-HCM
Hãy là người bình luận đầu tiên