Địa phương

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

  • 05/11/2024
  • Các chương trình hợp tác với địa phương, trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đã được Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Khoa) triển khai với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM). Khoa Văn hóa học đã thực hiện thành công hoạt động nghiên cứu khoa học, tập huấn, tọa đàm, hội thảo nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, giúp các địa phương bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa hiện hữu. Các hoạt động này mang lại hiệu quả tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

    “Thảo Cầm Viên Sài Gòn – Giá trị truyền thống và triển vọng phát triển”

    Đó là tên gọi của Hội thảo khảo học mà Khoa đã phối hợp với Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào ngày 06/3/2024. Mục đích nhằm đánh giá vai trò lịch sử, giá trị văn hóa, xây dựng cơ sở khoa học nhằm xác định vai trò của Thảo Cầm Viên Sài Gòn ở TP.HCM hiện nay. Hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nơi đã tồn tại hơn 160 năm và là một trong những vườn thú lâu đời nhất thế giới. Thảo Cầm Viên không chỉ là địa điểm bảo tồn động - thực vật quý hiếm mà còn là di sản gắn liền với quá trình phát triển đô thị, văn hóa và lịch sử của TP.HCM. Hội thảo đã cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho lãnh đạo, cơ quan chức năng và nhà đầu tư trong việc xác định nhu cầu, vai trò và vị thế của Thảo Cầm Viên Sài Gòn trong bối cảnh hiện nay. Từ đây, chính quyền thành phố sẽ đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm phát huy hiệu quả lợi thế của Thảo Cầm Viên Sài Gòn trong bối cảnh phát triển chung của thành phố.

    Quang cảnh Hội thảo khoa học “Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Giá trị truyền thống và Triển vọng phát triển”. Ảnh Ngọc Mai
    Quang cảnh Hội thảo khoa học “Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Giá trị truyền thống và Triển vọng phát triển”. Ảnh Ngọc Mai

    “Sen Đồng Tháp: Giá trị văn hóa - Nâng tầm hội nhập”

    Vào ngày 21/5/2024, Khoa đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo quốc tế “Sen Đồng Tháp: Giá trị văn hóa - Nâng tầm hội nhập” nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Đồng Tháp thông qua cây sen, hướng đến mục tiêu khai thác sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần của sen, đề xuất các giải pháp chiến lược nâng cao vị thế của sen Tháp Mười trên trường quốc tế. Hội thảo đã cung cấp cơ sở khoa học cho cơ quan quản lý văn hóa và du lịch ở địa phương xây dựng kế hoạch phát triển bền vững, nhằm đưa sen Đồng Tháp trở thành biểu tượng cho sen Việt Nam trên toàn cầu.

    Ban tổ chức Hội thảo gửi hoa cảm ơn đến các nhà nghiên cứu đã báo cáo tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
    Ban tổ chức Hội thảo gửi hoa cảm ơn đến các nhà nghiên cứu đã báo cáo tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành

    “Chuẩn mực văn hoá, gia đình, con người Bình Thuận gắn với giá trị văn hoá, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”

    Khoa đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận biên soạn đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình, con người Bình Thuận gắn với giá trị văn hoá, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”, tổ chức hội thảo cấp tỉnh, cấp khu vực và tọa đàm khoa học nhằm tiếp nhận ý kiến phản biện đề án từ các chuyên gia của Viện Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo khoa học cấp khu vực mang tên “Chuẩn mực văn hoá, gia đình, con người Bình Thuận gắn với giá trị văn hoá, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM sáng ngày 09/8/2024, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, học viên cao học và sinh viên tham gia. Điều đó cho thấy hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là một vấn đề rất được xã hội quan tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

    Các đại biểu chụp hình lưu niệm với Ban Tổ chức. Ảnh: Việt Thành
    Các đại biểu chụp hình lưu niệm với Ban Tổ chức. Ảnh: Việt Thành

    Các chương trình tập huấn chuyên môn về văn hóa

    Ngoài hội thảo khoa học, chương trình tập huấn chuyên môn cho các địa phương cũng được triển khai trong năm 2024. Cụ thể Khoa đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang tổ chức lớp tập huấn Nâng cao nhận thức và tầm quan trọng các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch cho các cấp chính quyền và người dân tại địa phương. Với 4 chuyên đề bao gồm: (1) Đánh giá tiềm năng di sản văn hóa Khmer tỉnh Hậu Giang; (2) Di sản văn hóa phi vật thể Khmer tỉnh Hậu Giang, tiềm năng trong phát triển du lịch; (3) Mối quan hệ giữa kinh tế - văn hóa Khmer và chiến lược phát triển du lịch; (4) Tri thức bản địa người Khmer tỉnh Hậu Giang, định hướng bảo tồn và phát triển. Chương trình tập huấn giúp nâng cao nhận thức của học viên về du lịch văn hóa ở địa phương, làm rõ được vị thế và tầm quan trọng của di sản văn hóa truyền thống Khmer trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Chương trình còn hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức trách nhiệm của những người lãnh đạo cộng đồng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khmer tại tỉnh Hậu Giang.

    Ông Lê Thành Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc lớp tập huấn. Ảnh: Nguyễn Ngân
    Ông Lê Thành Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc lớp tập huấn. Ảnh: Nguyễn Ngân

    Hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa

    Khoa đã phối hợp với Đại học Phùng Giáp (Đài Loan, Trung Quốc) tổ chức khóa học Di sản văn hóa người Hoa tại TP. HCM từ ngày 12-18/8/2024 cho nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu Đài Loan sang Việt Nam học tập và nghiên cứu thực địa về di sản văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, góp phần nâng cao hiểu biết về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản văn hóa người Hoa ở Việt Nam. Khóa học gồm 6 chuyên đề về di sản văn hóa Việt Nam và di sản văn hóa người Hoa ở TP.HCM được trình bày bởi các giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và nghiên cứu thực địa các di tích văn hóa người Hoa.

    Công ty Trà Hương Sen Đồng Tháp trao quà tới các học giả. Ảnh: Thanh Phong
    Công ty Trà Hương Sen Đồng Tháp trao quà tới các học giả. Ảnh: Thanh Phong

    Khoa cũng đã phối hợp với Đại học Quốc lập Thành Công (Đài Loan, Trung Quốc) đồng tổ chức tọa đàm mang tên “Văn hóa người Hoa ở Việt Nam: Những nghiên cứu mới về nhóm Phúc Kiến” diễn ra vào ngày 26/8/2024. Buổi tọa đàm có các học giả đến từ Đài Loan và giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và Đại học Sư phạm TP.HCM. Kết quả tọa đàm đã góp phần kết nối các nghiên cứu về di sản văn hóa người Hoa giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và Đại học Quốc lập Thành Công, giúp nhà nghiên cứu tiếp nhận các thành tựu nghiên cứu liên ngành. Có 8 tham luận được các diễn giả Việt Nam và Đài Loan trình bày trong tọa đàm bao gồm các nghiên cứu mới về cộng đồng người Hoa Phúc Kiến, nhấn mạnh lịch sử di cư, quá trình hòa nhập và những đóng góp về văn hóa của người Hoa tại Việt Nam; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Phúc Kiến trong xã hội Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, tọa đàm cũng đã mang lại một kết quả khả quan về hướng nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Hoa giữa các học giả Việt Nam và quốc tế trong tương lai.

    Bài: Phan Anh Tú, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên