Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM: Thành tựu 30 năm hội nhập quốc tế

  • 10/02/2025
  • Trải qua hành trình 30 năm (1995–2025) không ngừng đổi mới và vươn xa, ĐHQG-HCM đã ghi dấu ấn đậm nét trong bức tranh giáo dục Việt Nam và các nước trong khu vực. Với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, ĐHQG- HCM luôn chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu, khẳng định vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

    CHIẾN LƯỢC ĐỐI NGOẠI VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ QUA CÁC GIAI ĐOẠN 

    Trong những năm đầu thành lập, thông qua kết nối tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình tiên tiến của Hoa Kỳ, Anh, Úc, ĐHQG-HCM đã chọn lọc và định hình cơ chế hoạt động phù hợp cho sự phát triển của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực tầm cỡ quốc tế, phù hợp với bối cảnh Việt Nam. 

    Từ năm 2006-2010, ĐHQG-HCM tập trung phát huy nội lực đồng thời chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mục tiêu đề ra ở giai đoạn này là phát triển ĐHQG-HCM ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt hướng tới mục tiêu có ít nhất 15 nhóm ngành đào tạo, 13 lĩnh vực khoa học công nghệ đi tiên phong đạt trình độ khu vực vào năm 2010. 

    Trong giai đoạn 2011-2015, xây dựng chất lượng đào tạo đạt chuẩn mực quốc tế và khẳng định vị thế của một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực là hai trong năm nhóm chiến lược trọng tâm ĐHQG-HCM quyết tâm thực hiện. Sự triển khai đồng bộ các nhóm chiến lược này đã đưa ĐHQG-HCM trở thành cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong thực hiện kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo tại Việt Nam. 

    Trên cơ sở các thành tựu phát triển của giai đoạn trước, giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới đối tác quốc tế, đưa các hoạt động hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu, hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược, trong đó trọng tâm là nâng cao hiệu quả mô hình ĐHQG-HCM, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu đáp ứng nhu cầu xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế và phát triển nguồn lực tài chính. 

    Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 xác định tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập là một trong những chiến lược thành phần giúp ĐHQG-HCM thực hiện mục tiêu trọng tâm gồm: phát triển hệ thống, hoàn thiện mô hình ÐHQG-HCM trên cơ sở tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình. Từ kết quả thực hiện các chiến lược, ĐHQG- HCM đã từng bước tự tin hội nhập cộng đồng đại học thế giới và được đánh giá cao.

    MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI ĐỐI TÁC QUỐC TẾ 

    Với mong muốn học hỏi và phát triển, ĐHQG-HCM đã tích cực xây dựng một mạng lưới đối tác chặt chẽ, bền vững từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ, Úc và New Zealand… Mạng lưới này được mở rộng qua từng thời kỳ, cùng với sự lớn mạnh của ĐHQG-HCM. Trong giai đoạn đầu, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thông qua chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, ĐHQG-HCM không ngừng tìm kiếm cơ hội kết nối toàn cầu. Chỉ trong thời gian hơn năm năm, từ 2001-2007, ĐHQG-HCM đã ký kết và triển khai 52 thỏa thuận hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới. Năm 2015, hơn 200 văn bản ký kết và thỏa thuận hợp tác đã triển khai. Đến năm 2024, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã ký kết văn bản hợp tác với 438 đối tác quốc tế, trong đó có 245 đối tác tại 15 quốc gia châu Á, 130 đối tác tại 26 quốc gia châu Âu, 42 đối tác tại Bắc Mỹ và 21 đối tác tại Úc, New Zealand. Số lượng văn bản ký kết hợp tác năm 2024 tăng gấp đôi so với năm 2015. 

    PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, trao đổi cùng GS Ryu Hong-lim, Hiệu trưởng ĐHQG Seoul, Hàn Quốc năm 2023. Trước đó, ĐHQG-HCM đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với ĐHQG Seoul, Hàn Quốc vào năm 2019.
    PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, trao đổi cùng GS Ryu Hong-lim, Hiệu trưởng ĐHQG Seoul, Hàn Quốc năm 2023. Trước đó, ĐHQG-HCM đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với ĐHQG Seoul, Hàn Quốc vào năm 2019. 

    Là một trong hai tổ chức giáo dục đại học lớn nhất Việt Nam, ĐHQG-HCM cũng xác lập được mối quan hệ với nhiều cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như: University of California, Berkeley; University of California, Los Angeles; Đại học Tokyo; Đại học Kyoto; Đại học Quốc gia Seoul; Đại học Quốc gia Singapore; Đại học Paris-Saclay; Intel; NVIDIA; Synopsys... Việc mở rộng mạng lưới hợp tác góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quản trị và xây dựng cơ bản của ĐHQG-HCM.

    THAM GIA CÁC TỔ CHỨC GIÁO DỤC QUỐC TẾ 

    Với sứ mạng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc là thành viên tích cực của 35 tổ chức giáo dục quốc tế uy tín. Tiêu biểu như: Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), Diễn đàn các trường đại học châu Á (AUF), Mạng lưới các trường đại học châu Âu và Nam - Đông Á (ASEA-UNINET), Hiệp hội các trường đại học châu Á - Thái Bình Dương (UMAP), Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF), Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á và Đài Loan (SATU), Mạng lưới đảm bảo chất lượng châu Á Thái Bình Dương (APQN), Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học trên thế giới (INQAAHE),... 

    ĐHQG-HCM ký kết thoả thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore tháng 01/2024.
    ĐHQG-HCM ký kết thoả thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore tháng 01/2024.

    Trong các năm 2023 và 2024, ĐHQG-HCM tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế như: Diễn đàn các trường đại học châu Á lần thứ 12 với sự quy tụ lãnh đạo của 21 cơ sở giáo dục đại học từ 13 quốc gia; Tọa đàm “Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc” thu hút sự tham gia của lãnh đạo của 08 tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam (Samsung, CJ Group, POSCO, Shinhan Bank…); Tọa đàm “Xây dựng Chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành Thiết kế vi mạch tại ĐHQG-HCM” với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; Tọa đàm “Đối thoại Đại học – Doanh nghiệp về Phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao”; Diễn đàn các trường đại học châu Á AUF 2023; Hội thảo quốc tế về Kinh tế tuần hoàn 2024; Hội thảo quốc tế về Truyền thông và kiến tạo 2024,...

    GIẢNG VIÊN, SINH VIÊN ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ 

    Không chỉ là thành tựu chung của toàn hệ thống, sức mạnh của ĐHQG-HCM còn được xây dựng vững vàng nhờ sự đóng góp của mỗi đơn vị, trong đó có những cá nhân xuất sắc, được vinh danh toàn cầu. Một số giải thưởng, bằng khen đáng tự hào của cán bộ, giảng viên ĐHQG-HCM đã đạt được nhiều năm qua, tiêu biểu như: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Trường ĐH Kinh tế - Luật) nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp năm 2018, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách khoa) thuộc Top 100 nhà khoa học châu Á 2018, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (Trường ĐH Quốc tế) được vinh danh Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới của UNESCO – L’Oréal For Women in Science 2019; PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trường ĐH Quốc tế) thuộc Top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021; PGS.TS Bùi Xuân Thành và PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (Trường ĐH Bách khoa) giành giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022…

    TS Phan Thị San Hà (Trường ĐH Bách khoa) nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp từ Đại sứ quán Pháp trao tặng ngày 19/9/2024.
    TS Phan Thị San Hà (Trường ĐH Bách khoa) nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp từ Đại sứ quán Pháp trao tặng ngày 19/9/2024.

    Bên cạnh đó, học sinh và sinh viên ĐHQG-HCM tham gia các đấu trường quốc tế giành được nhiều giải thưởng lớn. Trong cuộc thi AI City Challenge – sân chơi hàng đầu thế giới về công nghệ thị giác máy tính được tổ chức thường niên, đội tuyển từ các trường thành viên của ĐHQG-HCM đã thường xuyên tham gia và ghi dấu ấn trong từng vòng thi. Những thành tích đáng chú ý gồm: sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin đạt Giải Nhất tại nhiều kỳ thi danh giá như Cyber Seagame 2015, Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN năm 2022 và 2023, ASEAN Cyber Shield trong hai năm 2023 và 2024; sinh viên Trường ĐH Bách khoa giành giải Nhất cuộc thi The Future Civil Engineers 2021 và cuộc thi INSEE Prize 2021; sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên 2 lần vô địch kỳ thi ICPC khu vực châu Á, 1 lần vô địch Thế giới kỳ thi IEEExtreme, 2 lần vào World Finals ICPC, đạt giải Ba cuộc thi Lập trình Quốc tế Samsung Collegiate Programming Cup 2019...

    Học sinh Phạm Hoàng Sơn, lớp 12 Toán Trường Phổ thông Năng khiếu, đạt Huy chương Bạc Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2022, cùng Ban Giám hiệu và các thầy cô Trường Phổ thông Năng khiếu.
    Học sinh Phạm Hoàng Sơn, lớp 12 Toán Trường Phổ thông Năng khiếu, đạt Huy chương Bạc Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2022, cùng Ban Giám hiệu và các thầy cô Trường Phổ thông Năng khiếu.

    HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO 

    Nhiều năm qua, ĐHQG-HCM thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trên thế giới. Trung bình mỗi năm, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đón tiếp hơn 400 đoàn khách quốc tế đến làm việc. Trong đó, nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới thuộc các lĩnh vực như vật lý, hóa học, sinh học, y học,... đến trao đổi học thuật và nghiên cứu. 

    Sự góp mặt của các giáo sư, nhà khoa học danh tiếng tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên trong hệ thống ĐHQG-HCM được giao lưu học hỏi, nâng cao tri thức. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tiễn với sự hỗ trợ của các giáo sư, các nhà khoa học quốc tế, giảng viên ĐHQG-HCM đã xây dựng thành công nhiều dự án đăng ký tài trợ quốc tế cũng như mở rộng mạng lưới đối tác chuyên môn.

    GS Wong Poh Kam, Giáo sư danh dự của ĐHQG Singapore chia sẻ với 800 giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM chủ đề “Thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Kinh nghiệm của ĐHQG Singapore”.
    GS Wong Poh Kam, Giáo sư danh dự của ĐHQG Singapore chia sẻ với 800 giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM chủ đề “Thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Kinh nghiệm của ĐHQG Singapore”.

    Trong nhiều năm qua, ĐHQG-HCM đã phát triển mạnh mẽ hoạt động hợp tác đào tạo với các đối tác nước ngoài. Đến nay, toàn hệ thống có 59 chương trình liên kết đào tạo đại học, 21 chương trình liên kết sau đại học ở nhiều lĩnh vực đào tạo từ kinh doanh, quản lý đến khoa học, kỹ thuật, ngôn ngữ và luật. Đó đều là những cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới, điển hình như: University of Nottingham, University of New South Wales, University of Queensland, Auckland University of Technology, University Paris 6, University of Houston,... Các chương trình liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài đã tạo cơ hội cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt Nam tiếp cận chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc vận hành các chương trình liên kết đã giúp các trường thành viên và giảng viên của ĐHQG-HCM học tập kinh nghiệm, xây dựng chương trình đào tạo, phương thức quản lý đào tạo, phương pháp giảng dạy tiên tiến từ các trường đối tác quốc tế.

    ĐIỂM ĐẾN CỦA SINH VIÊN QUỐC TẾ 

    Giai đoạn mới thành lập, ĐHQG-HCM chủ yếu tiếp nhận sinh viên từ các trường trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc đến học tập theo hiệp định ký kết giữa các quốc gia. Cùng với quá trình mở rộng mạng lưới đối tác nước ngoài tham gia các tổ chức, hiệp hội giáo dục quốc tế, ngày càng có nhiều sinh viên từ các quốc gia Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand đến giao lưu học thuật, học ngôn ngữ, trao đổi ngắn hạn hoặc học các chương trình đào tạo chính quy tại ĐHQG-HCM. 

    Sinh viên Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH KHXH&NV giao lưu cùng sinh viên Trường ĐH Sultan Zainal Abidin, Malaysia
    Sinh viên Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH KHXH&NV giao lưu cùng sinh viên Trường ĐH Sultan Zainal Abidin, Malaysia

    Để thu hút sinh viên quốc tế, các trường thành viên ĐHQG-HCM đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: mở rộng mạng lưới đối tác quốc tế, đặc biệt là đối tác quan tâm đến hoạt động trao đổi sinh viên; nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên quốc tế; chủ động truyền thông về thế mạnh và các chương trình đào tạo của trường trên các kênh truyền thông có sự tiếp cận của sinh viên quốc tế; triển khai chương trình tư vấn tuyển sinh tại một số quốc gia Đông Nam Á. Quan trọng hơn cả là các trường đã không ngừng cập nhật, nâng cao chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất, cũng như đẩy mạnh công tác kiểm định quốc tế.

    NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN 

    Trong những năm vừa qua, ĐHQG-HCM nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ nhiều tổ chức quốc tế như Cộng đồng châu Âu, Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA), Tổ chức Hợp tác quốc tế về Giáo dục Hà Lan (NUFFIC), Hội đồng Anh,... 

    Viện Công nghệ Nano triển khai Dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong môi trường thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới” từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2020 với kinh phí 3,890 triệu USD từ vốn tài trợ ODA của JICA, Nhật Bản với mục tiêu xử lý chất thải từ ao nuôi tôm, chuyển thành năng lượng điện và phân bón hữu cơ. Dự án đã xây dựng 2 phòng thí nghiệm về pin nhiên liệu rắn; nghiên cứu thành công quy trình lọc nước, ủ khí sinh học và xử lý chất thải để tạo than xốp; công bố 9 bài báo quốc tế và triển khai ứng dụng thực tế tại trang trại Hoàng Vũ (tỉnh Bến Tre).
    Viện Công nghệ Nano triển khai Dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong môi trường thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới” từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2020 với kinh phí 3,890 triệu USD từ vốn tài trợ ODA của JICA, Nhật Bản với mục tiêu xử lý chất thải từ ao nuôi tôm, chuyển thành năng lượng điện và phân bón hữu cơ. Dự án đã xây dựng 2 phòng thí nghiệm về pin nhiên liệu rắn; nghiên cứu thành công quy trình lọc nước, ủ khí sinh học và xử lý chất thải để tạo than xốp; công bố 9 bài báo quốc tế và triển khai ứng dụng thực tế tại trang trại Hoàng Vũ (tỉnh Bến Tre).

    Các nguồn lực này đã góp phần quan trọng vào việc phát triển cơ sở vật chất cho các trường đại học thành viên, đổi mới thiết bị cho các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm; nâng cao năng lực quản trị; bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, lãnh đạo. Ngoài ra nguồn lực tài chính còn góp phần đẩy mạnh các dự án nghiên cứu khoa học mũi nhọn, phục vụ cộng đồng, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội. Tính riêng trong giai đoạn 2015-2024, ĐHQG-HCM triển khai 328 dự án quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Phát triển ĐHQG-HCM được Ngân hàng Thế giới tài trợ hơn 98 triệu USD, triển khai từ 2021-2025. Dự án này nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng điểm và cấp bách với mục tiêu đưa ĐHQG-HCM thành một khu đô thị đại học hiện đại và thân thiện với môi trường.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên