Đó là chia sẻ của diễn giả khách mời tại talkshow với chủ đề “Tầm nhìn khởi nghiệp - Trách nhiệm cộng đồng” do ĐHQG-HCM tổ chức ngày 7/11. Đây là hoạt động khởi động chuỗi talkshow “Khách mời của ĐHQG-HCM” bắt đầu từ quý 4 năm 2024.
Diễn giả của buổi talkshow “Tầm nhìn khởi nghiệp - Trách nhiệm cộng đồng” lần này là: Ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP HCM; Ông Lê Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD); Ông Trung Nhật, giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Á quân Cuộc thi Sao Mai năm 2009 dòng nhạc thính phòng; Cô Nguyễn Thị Ánh Viên, cựu vận động viên đội tuyển bơi lội quốc gia, Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tạo nên sự khác biệt từ những giá trị bản thân
Tại buổi nói chuyện, các bạn sinh viên đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến kiến thức trong giảng đường so với thực tế. Theo đó, bạn Hoàng Huy (sinh viên Trường ĐH An Giang) đã đặt câu hỏi về việc xây dựng lợi thế cho bản thân để tăng tính cạnh tranh với người khác trong bối cảnh khoảng cách kiến thức giữa giảng đường và thực tế.
Ông Lê Hồng Phúc cho rằng, kiến thức giảng đường và thực tế hiện vẫn có những khoảng cách nhất định. Một số cơ sở giáo dục, thậm chí là doanh nghiệp vẫn chưa “theo kịp” sự biến đổi nhanh chóng của những xu hướng thực tiễn. Theo đó, trước sự phát triển của xã hội, bản thân mỗi người phải tự giác cập nhật, trang bị hành trang tri thức, kỹ năng cho chính bản thân để có thể tự tạo ưu thế.
“Kiến thức chuyên môn ở giảng đường là nền tảng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, có rất nhiều nhóm chia sẻ về kiến thức chuyên môn. Việc quan trọng là bản thân tham gia học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước. Tinh thần tự học là vấn đề đặc biệt quan trọng”, ông Phúc nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Trí Thông nhấn mạnh sẽ không có cơ sở đào tạo nào có thể bắt kịp hoặc đi trước các xu hướng phát triển. Vì chính những xu hướng sau khi diễn ra mới đúc kết lại để tạo nên bài học, phổ cập đến mọi người. “Bạn phải tự đi tìm cơ hội, tự trau dồi kiến thức. Một người thầy giỏi chỉ cung cấp cho bạn tri thức nền tảng, họ không làm thay bạn, phải tự mình khác biệt bằng những kỹ năng và nội lực của bản thân”, ông Thông nhắn nhủ.
Tài sản vô hình từ trách nhiệm xã hội
Khi được hỏi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững, chăm lo đời sống người lao động, ông Lê Hồng Phúc nhấn mạnh có nhiều cách thực hiện vấn đề này nhưng đều hướng đến tạo dựng giá trị cho cộng đồng. Khi đóng góp được giá trị cho xã hội, doanh nghiệp có thể đạt được “tài sản vô hình” từ những góc nhìn, đánh giá tích cực của xã hội.
Bạn Quỳnh Mai (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã đặt câu hỏi về thế mạnh sinh viên để hiện thực hóa tầm nhìn khởi nghiệp cùng trách nhiệm cộng đồng. Theo đó, cô Nguyễn Thị Ánh Viên nhấn mạnh thế mạnh lớn nhất của sinh viên là tuổi trẻ với nhiệt huyết cống hiến. Tuổi trẻ sẵn sàng trải nghiệm công việc mới, qua đó có thể tự chiêm nghiệm về lợi thế và khuyết điểm của mình.
“Hành trình đại học sẽ là cơ hội để học hỏi nhiều điều từ kiến thức, kinh nghiệm của thầy cô và những người đi trước. Điều đòi hỏi ở mỗi sinh viên là sự dấn thân trải nghiệm ở những môi trường, công việc khác nhau để bổ sung cho ngành học của mình cũng như nhu cầu của xã hội”, Ánh Viên chia sẻ.
Nhắn nhủ đến các bạn sinh viên, ông Trung Nhật nhấn mạnh về việc “bỏ ít thời gian nhất” để có thể “tạo ra nhiều giá trị nhất”. Các bạn sinh viên cần phải tự sáng tạo, tự tư duy để gặt hái được những giá trị đặc biệt cho bản thân. Ngoài ra, ông Trung Nhật cũng lưu ý với các bạn trẻ cần có định hướng đúng đắn, nhiệt huyết hết mình với định hướng đó.
Chương trình talkshow “Khách mời của ĐHQG-HCM” được ĐHQG-HCM và các cơ sở đào tạo luân phiên đăng cai tổ chức mỗi quý một lần với sự tham gia của diễn giả khách mời là các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng, doanh nhân, diễn giả thành đạt và các nghệ sĩ nổi tiếng, uy tín.
KHẮC HIẾU - BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên