Sinh viên ĐHQG-HCM

Ứng dụng chiết xuất nha đam để chế tạo miếng dán gel sơ cứu bỏng nhiệt

  • 25/09/2024
  • Vào tháng 5/2024, nhóm sinh viên Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp Quốc gia - SV.STARTUP năm 2024” với sản phẩm miếng dán gel nha đam hỗ trợ sơ cứu bỏng nhiệt cấp độ 1, 2 có sự tối ưu về tính năng, thiết kế lẫn giá thành.

    Nhóm Alloeh đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp Quốc gia - SV.STARTUP” năm 2024. Ảnh: NVCC

    Miếng dán gel nha đam sơ cấp cứu và điều trị bỏng nhiệt cấp độ 1, 2 do nhóm sinh viên Alloeh, gồm Hùng Thị Huyền Trang, Nguyễn Trương Minh Ái, Nguyễn Trọng Khương thực hiện. Trước đó, với sản phẩm này, nhóm đã giành giải Ba tại cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp Quốc gia - RnD to Startup năm 2023”.

    Dùng được trong 6 tháng ở nhiệt độ thường

    Sau những lần bị bỏng bô xe máy mà không thể sơ cứu tại chỗ bằng nước sạch hay thuốc bôi do vội vào lớp học, Huyền Trang và Minh Ái đã ấp ủ ý tưởng chế tạo một loại miếng dán sơ cứu tiện lợi, có thể dễ dàng mang theo bên người.

    “Tình cờ trong thời gian đó, tụi mình đang hỗ trợ dự án nghiên cứu về nha đam của Trọng Khương và nhận thấy nha đam có công dụng hỗ trợ làm mát, làm dịu vết thương tức thì, giảm cảm giác đau đớn, hạn chế để lại thâm sẹo. Tụi mình đã mời Khương vào nhóm và mong muốn có thể ứng dụng chiết xuất của nha đam để tạo ra loại miếng dán chữa bỏng nhiệt” - trưởng nhóm Huyền Trang kể lại.

    Sau 7 tháng nghiên cứu và phát triển, đến tháng 3/2024, nhóm đã có sản phẩm thử nghiệm đầu tiên. Sản phẩm này có kích thước khoảng 9x6cm với hình dạng giống một miếng băng keo cá nhân và gồm hai phần là miếng vải không dệt bên ngoài, phần gel nha đam trong suốt bên trong. Khi bị bỏng, người dùng chỉ cần đắp miếng dán gel này lên vùng da bị bỏng để làm mát da tức thì và hạn chế nguy cơ vết bỏng tổn thương nặng hơn.

    Theo nhóm, ngoài khả năng làm dịu vết bỏng, miếng dán gel nha đam còn giúp thúc đẩy tái tạo da nhanh chóng, đồng thời chứa nhiều thành phần có khả năng kháng khuẩn, bảo vệ vết thương tránh nguy cơ nhiễm trùng khi tiếp xúc với môi trường xung quanh.

    “Hiện tại, các sản phẩm trị bỏng do Việt Nam sản xuất đều ở dạng nhũ tương hay lọ gel nên người dùng khó có thể đem theo bên người mọi lúc mọi nơi. Còn các miếng dán trị bỏng được nhập khẩu từ nước ngoài lại có giá thành khá cao nhưng chỉ có thể làm dịu vết thương chứ không mang lại cảm giác mát dễ chịu khi đắp lên da. Trong khi đó, miếng dán gel nha đam do nhóm sản xuất vừa nhỏ gọn, có giá thành rẻ (chỉ khoảng 49.000 đồng/hộp 3 miếng dán), vừa có khả năng tản nhiệt, làm mát tốt do có cấu trúc hydro gel đặc trưng” - Huyền Trang đánh giá.

    Về quy trình sản xuất, Trang cho biết công đoạn đầu tiên là tìm công thức tốt nhất cho phần gel nha đam và phải áp dụng những kỹ thuật xử lý gel nha đam để nó biểu hiện hoạt tính tốt nhất mà không gây kích ứng da. Sau đó, nhóm sẽ tiến hành ủ nha đam trong ethanol nhằm thu tối đa các hợp chất tự nhiên có trong nha đam.

    Cuối cùng, nhóm sẽ đổ gel nha đam trên miếng vải không dệt rồi thực hiện khử trùng, đóng gói. Khi kết thúc quá trình trên, miếng dán gel nha đam có thể sử dụng được 6 tháng khi không mở bao bì và chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ thường.

    Với vai trò là giảng viên hướng dẫn của nhóm Alloeh, TS Trần Ngọc Diễm My - giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đánh giá: “Ý tưởng dùng gel nha đam trị bỏng tuy không mới nhưng các bạn đã khá thành công trong việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa tính năng này và tạo ra miếng dán tiện lợi, hiệu quả. Tôi tin trong tương lai, đây sẽ là sản phẩm có tính ứng dụng cao và giá thành hợp lý dành cho người tiêu dùng”.

    Tìm đối tác để sản xuất

    Hộp sản phẩm miếng dán gel nha đam sơ cứu bỏng nhiệt. Ảnh: NVCC

    Theo nhóm, ý tưởng làm miếng dán gel nha đam ban đầu là để phục vụ cho một môn học ở trường. Sau khi nhận được thông tin về cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp Quốc gia - RnD to Startup năm 2023”, nhóm cảm thấy dự án của mình phù hợp nên mới quyết định đăng ký tham gia thi để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Nhờ sự nỗ lực của tất cả thành viên và sự tối ưu của sản phẩm, nhóm đã đoạt giải Ba tại cuộc thi vào tháng 12/2023.

    Huyền Trang bộc bạch: “Với nhóm mình, việc nhận được giải thưởng trong cuộc thi là một điều may mắn. Dù khá tự tin về phần công nghệ tạo ra sản phẩm nhưng vì ngành học thiên về khoa học cơ bản nên nhóm lại gặp hạn chế về mảng khởi nghiệp. Để tham gia cuộc thi, tụi mình đã phải học thêm nhiều kiến thức có phần lạ lẫm về kinh tế. Nhưng cũng nhờ đó, nhóm có cơ hội hiểu rõ hơn về quy trình khởi nghiệp, từ việc phát triển sản phẩm, phân tích thị trường đến những chiến lược kinh doanh và marketing”.

    Để nhận thêm góp ý từ các chuyên gia, tăng độ nhận diện cho sản phẩm và tạo ấn tượng với các nhà đầu tư tiềm năng, nhóm tiếp tục đem miếng dán gel nha đam đến cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp Quốc gia - SV.STARTUP năm 2024” và giành được giải Khuyến khích.

    Trưởng nhóm Alloeh cho biết, sau những lần “chinh chiến” tại các cuộc thi, nhóm đã nhận được nhiều góp ý hữu ích và đang bắt tay hoàn thiện sản phẩm để chuẩn bị cho chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhóm dự định điều chỉnh độ dày của gel nha đam để giữ mát lâu hơn, đồng thời cải tiến sản phẩm sao cho lành tính và an toàn với trẻ em trên 6 tháng tuổi. Nhóm cũng cho hay sẽ thiết kế thêm các mẫu miếng dán có hình hoạt hình dễ thương dành cho trẻ em.
    “Tụi mình đang cố gắng hoàn thiện để có thể mang sản phẩm đi kiểm định chất lượng trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, nhóm sẽ tăng cường gọi vốn cũng như tìm kiếm đối tác để sản xuất đại trà và đưa sản phẩm miếng dán gel nha đam ra thị trường” - Huyền Trang bày tỏ.

    Đối với các thành viên, miếng dán gel nha đam không chỉ giúp mọi người sơ cấp cứu và điều trị bỏng nhiệt cấp độ 1, 2 một cách tiện lợi hơn, mà còn thể hiện nỗ lực của cả nhóm trong việc thúc đẩy giá trị kinh tế của cây nha đam.

    Huyền Trang giãi bày: “Tụi mình cảm thấy nha đam là một nguyên liệu tiềm năng, có nhiều công dụng nhưng giá thành còn thấp và mức độ tiêu thụ không ổn định, dẫn đến sự khó khăn cho bà con nông dân tại các vùng trồng như Ninh Thuận. Do đó, tụi mình muốn thông qua các ứng dụng chiết xuất từ nha đam để cải thiện tình trạng này ”.

    Trong tương lai, nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên còn hướng đến việc nghiên cứu về ứng dụng kháng khuẩn của vỏ nha đam để giảm thiểu lượng rác thải nông nghiệp.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên