“Nghèo khó cho nghị lực, giàu có thì cho cơ hội phát triển” - tâm niệm như vậy nên ngay cả khi “cơm ăn không đủ no”, Huỳnh Hữu Nghĩa - sinh viên năm thứ nhất, ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM, vẫn lạc quan và học tập không biết mệt mỏi. Sự kiên cường, nỗ lực của Nghĩa không chỉ để theo đuổi những ước mơ của riêng mình mà còn là để chăm sóc chu toàn và thay đổi số phận cho gia đình.
Dù lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng Huỳnh Hữu Nghĩa chưa bao giờ buông bỏ ước mơ trở thành lập trình viên. Vào đầu tháng 5/2024, Nghĩa được chọn là nhân vật thụ hưởng trong chương trình “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV.
Tuyển thẳng vào đại học
Sinh ra tại huyện Bình Đại - một huyện ven biển đặc biệt khó khăn của tỉnh Bến Tre, từ nhỏ, gia đình Hữu Nghĩa đã thiếu thốn trăm bề. Mẹ Nghĩa một mình nuôi hai anh em ăn học bằng nguồn thu nhập bấp bênh từ công việc làm thuê, “ai mướn gì thì làm nấy”, chủ yếu là đi bắt sò, nghêu cho hợp tác xã và tư nhân. Mỗi tuần, mẹ Nghĩa chỉ làm được 2-3 ngày, có tuần không làm được ngày nào nên thu nhập một tháng cũng chưa tới 2 triệu đồng.
Nghĩa kể lại: “Cơm không có để ăn, nhà mình phải xin trợ cấp của xã, hàng xóm hay nhận gạo từ các nhà hảo tâm. Có ngày ăn một bữa, có ngày ăn hai bữa. Nước uống là nước mưa được hứng và trữ vào những cái lu để xài quanh năm. Quần áo, sách giáo khoa, balo đi học của mình cũng đều là đồ cũ được mọi người hỗ trợ”.
Vậy mà Nghĩa học rất giỏi. Ngay từ năm lớp 7, cậu được giáo viên môn tin học là cô Trần Thanh Nga giới thiệu tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi môn tin học cấp huyện. Nhưng do chưa quen với máy tính và lập trình nên năm đó nam sinh chưa có giải. Gặp khó không nản, Nghĩa càng quyết tâm học thì lại càng say mê và liên tiếp đoạt giải Ba, giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm lớp 8, 9.
“Lúc mới học thì mình chưa biết gì nhưng càng học lại càng nghiện. Đến lớp 8, mình còn làm được mấy bài tập khó mà các anh chị khóa trước giải không ra. Có thể nói là mình dành hết thời gian cho lập trình. Nhà không có máy tính, mình thường lên phòng máy của trường để ôn bài một mình. Những lúc không có máy thì mình mày mò lập trình trên giấy luôn” - Nghĩa hồi tưởng.
Ngoài thi học sinh giỏi môn tin học, năm lớp 8, Nghĩa còn tham gia cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) cấp huyện và đoạt giải Ba với phần mềm quản lý học sinh. Với những kết quả này, Nghĩa được nhận học bổng cho học sinh nghèo, có thành tích học tập xuất sắc của Làng trẻ em SOS tỉnh Bến Tre và có cơ hội học tập ở Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Bến Tre.
Tại đây, nam sinh sinh năm 2005 được hỗ trợ toàn bộ học phí và sinh hoạt phí nên có thể tập trung phát huy thế mạnh học tin học của mình. Trong 3 năm THPT, Nghĩa đoạt liên tiếp giải Ba và hai giải Nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi môn tin học cấp tỉnh. Đồng thời, cậu cũng gặt hái nhiều thành tích như giải Phần mềm sáng tạo tại Hội thi Tin học trẻ thành phố Bến Tre năm 2021 và giải Khuyến khích bảng B trong Hội thi Tin học trẻ lần XIX tỉnh Bến Tre năm 2022.
Sẵn có đam mê về lập trình, Hữu Nghĩa cũng tham gia cuộc thi KHKT cấp thành phố từ năm lớp 10, 11 và 12. Ở năm lớp 12, nhóm của Nghĩa đã đoạt giải Tư cấp thành phố và cấp tỉnh với dự án Ứng dụng IoT vào xây dựng cửa lớp học thông minh bằng kỹ thuật RFID trong trường hợp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Theo Nghĩa, năm cuối cấp THPT là một năm học có nhiều ý nghĩa với cậu. Vì ngoài giải Tư cuộc thi KHKT cấp tỉnh, Nghĩa còn được chọn vào top 10 của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tỉnh Bến Tre.
Nghĩa bày tỏ: “Vào được top 10 của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia là thành tích cao nhất ở môn tin học của mình. Mình là thành viên duy nhất không phải là học sinh trường chuyên trong đội tuyển năm đó và cũng là người đầu tiên của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner đạt kết quả này. Tuy không có cơ hội góp mặt vào đội tuyển 6 người tham gia thi chính thức nhưng mình cũng rất vui vì đã cố gắng hết sức”.
Bên cạnh học tập, nam sinh quê Bến Tre còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn như trại huấn luyện Trần Văn Ơn dành cho cán bộ Đoàn là học sinh và đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi Thủ lĩnh Thanh niên trường học tỉnh Bến Tre năm 2021.
Là người có điểm trung bình cao nhất (9,4 điểm) của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, Nghĩa đã được ưu tiên xét tuyển thẳng vào ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Nghĩa cho hay ngành học này vô cùng phù hợp với đam mê lập trình của mình.
Dùng nghị lực để thay đổi sổ phận
Lúc biết tin trúng tuyển đại học, Nghĩa và mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì có cơ hội tiếp tục theo đuổi con chữ, lo vì sợ không đủ khả năng chi trả học phí và sinh hoạt phí. Chính khao khát đem đến cuộc sống sung túc hơn cho gia đình đã giúp Nghĩa bỏ qua ý nghĩ dừng việc học.
Nghĩa bộc bạch: “Sau khi thi tốt nghiệp, mình bắt đầu tìm học bổng vì mình biết nếu không có nguồn hỗ trợ thì không thể tiếp tục đi học. Khoản tiền tiết kiệm kiếm được từ các giải thưởng trong những năm THPT chỉ đủ để mình đóng học phí cho học kỳ đầu tiên mà thôi. Khi đó, mình đã xét học bổng Ký túc xá Cỏ May và may mắn đậu”.
Học bổng này đã giúp Nghĩa có nơi lưu trú miễn phí, một khoản tiền ăn hàng tháng và được hỗ trợ đóng học phí cho năm học đầu tiên. Để kiếm thêm chi phí sinh hoạt và một khoản tiền nhỏ gửi về cho gia đình, nam sinh ngành Kỹ thuật phần mềm còn nhận viết nội dung trên mạng xã hội, giới thiệu sản phẩm cho thú cưng tại một cửa hàng.
Thời gian đầu học đại học, Nghĩa chọn cách “thắt chặt” tiền ăn để tiết kiệm. Nghĩa tâm sự: “Lúc trước, mình nhịn ăn sáng và chia đôi 30.000 đồng cho bữa trưa và tối. 6.000 đồng còn lại dùng cho việc đi lại. Còn bây giờ, vì nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe nên mình đã nâng số tiền sinh hoạt mỗi ngày lên 50.000 đồng”.
Ở học kỳ I, Nghĩa chưa có máy tính nên gặp khá nhiều bất tiện trong việc học tập và phải lập trình trên giấy. May mắn là hiện tại cậu đã có máy tính nhờ nhận được học bổng hỗ trợ máy tính dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Trường ĐH Công nghệ Thông tin.
Nghĩa kể rằng bản thân thường xuyên đọc báo để nắm bắt sự phát triển của thế giới và tích lũy những ý tưởng thiết kế phần mềm có tính ứng dụng cao. Vì muốn mở rộng kiến thức, mối quan hệ, Nghĩa còn tham gia vào Ban Học tập của Đoàn Khoa Công nghệ phần mềm với vai trò viết bài cho Fanpage và hướng dẫn các thành viên môn Nhập môn lập trình.
Vừa qua, Hữu Nghĩa đã được chọn làm người thụ hưởng trong chương trình “Vì bạn xứng đáng” số phát sóng ngày 7/5/2024 trên kênh VTV3. Khi biết tin này, Hữu Nghĩa rất bất ngờ bởi số tiền 31.950.000 đồng với gia đình Nghĩa là một số tiền quá lớn. Nghĩa dự định dùng khoản tiền này để tiết kiệm và lo cho việc phát triển bản thân trong tương lai.
Nghĩa cũng bắt đầu vạch ra một số kế hoạch cho chặng đường sắp tới ngay từ thời gian này. Hè năm nay, cậu sẽ vừa ôn tiếng Anh thi chứng chỉ ra trường, vừa nâng cao kỹ năng lập trình để chuẩn bị cho việc tham gia nghiên cứu khoa học ở cuối năm thứ hai.
Mục tiêu lớn nhất của Nghĩa là tốt nghiệp đúng hạn với tấm bằng loại Khá, Giỏi và có được công việc ổn định tại một công ty về phần mềm. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức và tài chính, nam sinh mong muốn mở một công ty về phần mềm hoặc trí tuệ nhân tạo. Cho đến lúc việc kinh doanh phát triển ổn định, Nghĩa sẽ thực hiện ước mơ xây dựng thư viện và mở lớp học tin học, tiếng Anh miễn phí ở quê hương.
Ngay cả khi kể về những khó khăn của mình, Nghĩa vẫn tươi cười lạc quan. Nghĩa giải thích: “Mình không bao giờ tủi thân hay so sánh bản thân với người khác. Mình sẽ dùng sự nghị lực được thừa hưởng từ bà ngoại và mẹ để trở thành người thay đổi số phận của gia đình”.
Không ngại khó để thực hiện ước mơ Là người trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn Nghĩa tham gia các cuộc thi KHKT, thầy Đỗ Xa Ri - giáo viên môn tin học, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, cho biết: “Nghĩa rất chăm ngoan và có ý chí vượt khó trong học tập. Em còn có tinh thần trách nhiệm, biết biến áp lực thành động lực và không ngại khó để có thể tiếp cận được tri thức, thực hiện ước mơ”. Theo thầy Xa Ri, Nghĩa còn sống rất tiết kiệm, có tinh thần kỷ luật cao và luôn dành nhiều thời gian cho việc học, nghiên cứu để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. |
HƯƠNG NHU - THU THẢO
Hãy là người bình luận đầu tiên