LangF (langf.vn) là một dự án website thương mại điện tử của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM xây dựng để đáp ứng mọi nhu cầu ăn uống, mua sắm, học tập, việc làm… cho sinh viên an toàn nhất với chi phí rẻ nhất. Dự án này vừa giành giải Nhất tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018 tổ chức ngày 10/9.
Tiện lợi, giá rẻ và chất lượng
Bạn Nguyễn Danh Thành - Trưởng dự án LangF cho biết ý tưởng về “chợ điện tử” dành cho sinh viên xuất phát từ chính nhu cầu của các thành viên trong nhóm. “Vào đại học, sinh viên ai cũng lo lắng nhiều thứ. Từ chuyện ăn uống ở đâu để tránh thực phẩm bẩn đến chuyện mua sách, dụng cụ học tập như thế nào cho chất lượng, hay đi làm thêm nơi nào lương ổn, an toàn mà không vướng vào vòng xoáy đa cấp? Thực tế này cho thấy sinh viên đang thiếu một nguồn thông tin sát sườn, mang đặc điểm khu vực và dễ tiếp cận cũng như nguồn cung cấp sản phẩm/dịch vụ đảm bảo chất lượng nhưng giá cả hợp lý, chi phí ở mức chấp nhận được. LangF bắt đầu hình thành từ những trăn trở đó” - Danh Thành chia sẻ.
Bạn Phạm Ngọc Ngân - thành viên của nhóm cho hay để ra mắt thị trường, nhóm phải thực hiện liên tục trong năm tuần lễ để lên kế hoạch chi tiết cùng sản phẩm là sàn giao dịch điện tử tại website https://langf.vn. Tháng 4/2018, LangF ra mắt, bắt đầu bằng mô hình về dịch vụ ăn uống, cụ thể là giao nhận, đồ ăn thức uống trong khu vực Khu Đô thị ĐHQG-HCM”.
Vì hướng đến đối tượng chính là sinh viên nên phí dịch vụ ở LangF rất rẻ. Ngọc Ngân phân tích: “Phí thu thêm trung bình hiện tại là 2.000 đồng/phần cơm, trong khi quãng đường giao trong Khu Đô thị ĐHQG-HCM từ 1-4km. Nếu so sánh với các dịch vụ khác như Grab là 3.800 ngàn đồng/km, Foody là 5.000 đồng/km thì LangF quá rẻ”.
Ngọc Ngân chia sẻ thêm, thời gian đầu LangF gặp khá nhiều khó khăn do không đủ nhân lực, phát sinh nhiều lỗi về công nghệ, thiếu kinh nghiệm vận hành. Tuy nhiên, đổi lại LangF nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dùng (đa số là sinh viên và các nhà cung cấp, chủ cửa hàng) nên nhóm vẫn “tự tin duy trì, phát triển và mở rộng”.
Sau gần một năm “trình làng”, đến nay LangF đã trở thành một website thương mại điện tử dành riêng cho đối tượng sinh viên với chi phí rẻ nhất. Hiện tại, đã có hơn 10.000 đơn hàng được đặt trên LangF với riêng dịch vụ ăn uống, trung bình mỗi ngày LangF nhận được 100 - 200 đơn hàng cho dịch vụ này.
Bạn Nguyễn Châu (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ LangF là một ứng dụng thú vị và rất hữu ích với đời sống sinh viên: “Ví dụ đơn giản thôi, trời mưa thì mình rất lười đi mua cơm hay trà sữa, lúc này chỉ cần liên hệ LangF sẽ được giao tận tay. Bên cạnh đó, đặt trên LangF giá cả phải chăng, chất lượng cũng tốt hơn”.
Mở rộng quy mô ra toàn thành phố
Phân tích về ưu điểm của dự án, Danh Thành cho biết mô hình thương mại điện tử của LangF định hướng kết nối người mua, người bán và nguồn lao động nhàn rỗi tại khu vực. Do đó LangF tận dụng tối đa đặc điểm, nguồn tài nguyên có sẵn từ cộng đồng người sử dụng (chủ yếu là sinh viên) cũng như loại bỏ các công đoạn không cần thiết để có thể đưa sản phẩm/dịch vụ đến tay khách hàng với chi phí và giá cả thấp nhất có thể.
“Hiện tại, nhóm đã liên kết với nhiều cửa hàng và người cung cấp dịch vụ cá nhân để đưa sản phẩm lên ‘chợ điện tử’. Mỗi đơn hàng ở sàn thương mại điện tử khác mức chiết khấu có thể lên tới 20%; trong khi dịch vụ của LangF chỉ có mức chiết khấu từ 5% đến 10%” - Thành nói.
Bạn Vũ Nguyên - một thành viên của nhóm cho biết thêm, LangF còn tạo điều kiện để mọi người tham gia mô hình đều có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó LangF đang xây dựng một hệ thống xác minh người sử dụng riêng biệt, bằng cách liên kết với các trường, đơn vị giáo dục để có những chính sách bảo vệ quyền lợi người sử dụng.
Thời gian tới, nhóm cho biết LangF sẽ tái cơ cấu, bổ sung đội ngũ nhân sự để hoàn thiện sản phẩm công nghệ, xây dựng hoàn chỉnh mô hình kinh doanh. Cùng với đó nhóm sẽ tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư để nhanh chóng mở rộng quy mô ra các khu vực trong thành phố.
“LangF hy vọng sẽ xây dựng được một cộng đồng sinh viên mà ở đó các thành viên có thể tự do tham gia các hoạt động học tập, mua bán, vui chơi, giải trí, kiếm thêm thu nhập mà không phải lo sợ về các vấn đề tiêu cực sẽ xảy ra. Và xa hơn, sẽ hình thành nên mạng xã hội LangF” - Danh Thành tâm sự.
Nhận xét về dự án LangF, ông Nguyễn Xuân Bằng (COO startup Gcalls) - Giám khảo cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018 khẳng định đây là một dự án dựa vào tính cộng đồng của sinh viên, rất thiết thực, đầy tiềm năng không những đối với sinh viên mà còn đối với các công ty ở địa bàn.
Hơn 130 dự án khởi nghiệp tham gia Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018 do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (IEC) thuộc Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM tổ chức với mục đích tìm kiếm và hỗ trợ cho những ý tưởng khởi nghiệp “thực chất”. ThS Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc IEC cho biết, CIC 2018 đã tiếp cận hơn 300.000 sinh viên khu vực phía Nam, thu hút 130 nhóm dự án khởi nghiệp với hơn 300 sinh viên tham dự. Với việc giành giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC, các thành viên dự án LangF nhận được 50 triệu đồng tiền mặt và các khóa ươm tạo tại ITP cùng khóa học khởi nghiệp iStartX. Đặc biệt nhóm còn có chuyến tham quan, học tập tại Singapore trị giá 100 triệu đồng. Ngoài giải Nhất là dự án LangF, Ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018 còn trao một giải Nhì trị giá 30 triệu đồng, hai giải Ba trị giá 10 triệu đồng, ba giải Khuyến khích trị giá 5 triệu đồng và nhiều suất học bổng. |
ĐỨC LỘC (Bản tin ĐHQG-HCM số 190)
Hãy là người bình luận đầu tiên