Hội thảo

“Nơi nào thu hút được nhân tài nhiều hơn, nơi đó sẽ thịnh vượng hơn”

  • 24/02/2023
  • Đó là ý kiến của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới, vào sáng 24/2.

    Hội thảo do ĐHQG-HCM phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp.

    Ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đồng chủ trì hội thảo.



    Nhân tài đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

    Theo Giám đốc ĐHQG-HCM, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng và sử dụng nhân tài với triết lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.

    Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã nghiên cứu và chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa nhân tài, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

    “Solow - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1987, đã đề xuất lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh gồm 3 yếu tố chi phối tốc độ tăng trưởng kinh tế: lực lượng lao động, vốn và công nghệ. Trong đó công nghệ đóng vai trò chủ đạo. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh của Romer (Nobel Kinh tế năm 2018), cũng nhấn mạnh nhân tài, cùng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế. Romer khẳng định: nơi nào thu hút được nhân tài nhiều hơn, nơi đó sẽ thịnh vượng hơn” - Giám đốc ĐHQG-HCM nói.

    Nhìn ra khu vực và thế giới, lấy minh chứng từ đất nước Singapore, Trung Quốc, PGS.TS Vũ Hải Quân cũng chỉ ra rằng chiến lược nhân tài cũng đã đóng góp quan trọng cho tốc độ tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế ở các quốc gia.

    8 vấn đề được đặt ra

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, khảo sát gần 20.000 sinh viên ĐHQG-HCM cho thấy có 10,21% sinh viên xuất sắc, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước. Khảo sát cũng ghi nhận có khoảng 15,6% sinh viên của ĐHQG-HCM muốn được làm việc cho các cơ quan trung ương tại Hà Nội trong khi tỷ lệ muốn ở lại TP.HCM là 44,8%.

    Từ thực tế tại ĐHQG-HCM, Giám đốc ĐHQG-HCM đặt ra 8 vấn đề cần quan tâm: (1) Số lượng cán bộ làm trong lĩnh vực nghiên cứu tính trên vạn dân còn thấp, nhất là cán bộ có trình độ tiến sĩ; (2) Tỷ lệ sinh viên nhập học khối ngành toán, khoa học công nghệ thấp, có xu hướng giảm, phân bổ không đồng đều, nên xuất hiện nguy cơ khủng hoảng giữa thiếu và thừa; (3) Tỷ lệ nhập học sau đại học khối ngành khoa học công nghệ có xu hướng giảm, nhất là bậc tiến sĩ; (4) Đầu tư cho giáo dục đại học so với các nước trong khu vực còn thấp; (5) Đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp so với các nước trong khu vực; (6) Tỷ lệ sinh viên giỏi muốn làm việc cho khối cơ quan nhà nước còn thấp; (7) Có một bộ phận sinh viên của ĐHQG-HCM mong muốn được làm việc cho khối cơ quan trung ương ở Hà Nội; (8) Dư địa cho công tác phát triển đảng viên là tri thức trẻ còn nhiều.

    Ông Quân hy vọng hội thảo sẽ ghi nhận được nhiều đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới.

    Đề xuất mô hình cơ chế “Phi Nghị định”

    Tham luận về “Chính sách thu hút trí thức kiều bào, lao động người Việt Nam ở nước ngoài”, GS.TS Võ Văn Tới  - Trợ lý Ban Giám hiệu về Phát triển khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ sức khỏe và sự sống, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, cho rằng thời gian qua nhà nước ta đã có những chính sách quan tâm, thu hút nhân tài là kiều bào ở nước ngoài. Theo GS Tới, để thực hiện hiệu quả hơn vấn đề này, lãnh đạo cần phải quyết tâm và thực tế, tức “không yêu cầu quá đáng so với những gì có thể trao đi”. Đồng thời, phải có cơ chế mềm dẻo, nhất quán, tránh những nghị định, thông tư chồng chéo. Cán bộ quản lý phải có tâm và có tài, tạo sự tin tưởng lẫn nhau, để tạo được sự sáng tạo đột phá. Cụ thể thủ tục hành chính cần đơn giản hơn, để người cộng sự tập trung vào chuyên môn.

    “Theo trải nghiệm của chúng tôi, ĐHQG-HCM đã có một sáng kiến độc đáo và thành công trong việc trao quyền tự do học thuật cho địa phương. Do đó, cần đẩy mạnh quyền này bằng cách thành lập những ‘ốc đảo thử nghiệm’. Các ốc đảo này được hưởng một cơ chế đặc biệt tạm gọi là cơ chế “Phi Nghị định”. Nó cho phép các giảng viên làm những gì không xâm phạm đến an ninh quốc gia và làm những gì pháp luật không cấm thay vì chỉ làm những gì nghị định hay quy định cho phép. Những gì cho phép là những gì đã biết, do đó nó là rào cản của sự đổi mới sáng tạo. Những quy định cứng nhắc, những cơ chế thanh tra vô lý sẽ làm cho con người rụt rè, mệt mỏi và an phận. Cơ chế cực kỳ linh hoạt, cởi mở này sẽ là chìa khóa của sự đổi mới và thành công vì sẽ giúp người trong ‘ốc đảo’ thoát khỏi ‘tư duy lối mòn’ và những ‘cái bẫy cơ chế’ thường phải đương đầu” - GS Tới nói.

    Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày 6 báo cáo từ 17 bài tham luận với góc nhìn đa chiều về chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ KH&CN được Thủ tướng Chính phủ giao thử nghiệm đề án Sandbox. Hội thảo cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất các cơ chế thử nghiệm chính sách, Bộ KH&CN sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp để bổ sung vào đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

    Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM hội tụ đủ điều kiện về kinh tế, tài chính, thị trường để phát triển nhưng chưa phát huy hết tiềm năng này; vì vậy, chủ đề và các ý kiến đóng góp trong hội thảo là rất có ý nghĩa để thành phố làm tốt hơn chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức để phát triển kinh tế.
     

    Ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.
    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đặt ra 8 vấn đề cần quan tâm. 
    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, tổng kết và ghi nhận ý kiến của các đại biểu.
    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, tổng kết và ghi nhận ý kiến của các đại biểu.
    Toàn cảnh hội thảo.
    Toàn cảnh hội thảo.

    Bài, ảnh: BẢO KHÁNH - THIỆN THÔNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên