Từ 150 giảng viên, sinh viên tình nguyện lặn lội về xứ dừa Bến Tre làm đường, xây cầu, dẫn điện… vào đầu những năm 2000, đến nay Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM đã trải qua hành trình 20 năm Mùa hè xanh cùng ăn cùng ở với người dân nơi đây.
Chiều 19/7, tại tỉnh Bến Tre, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM cùng Ban Chỉ đạo chiến dịch Mùa hè xanh tỉnh Bến Tre tổ chức buổi họp mặt “20 năm chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 1999-2019”. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM cùng ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre đến dự.
Hơn 179 tỷ đồng đóng góp cho Bến Tre
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cho biết chiến dịch Mùa hè xanh của Trường ĐH Bách Khoa đã 3 về tại Bến Tre, đóng quân ở 3 huyện trọng điểm: Giồng Trôm (2001-2003), Thạnh Phú (2007-2009) và Chợ Lách (2016-2019) đồng thời tham gia công tác tại các huyện lân cận như Ba Tri, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam...
Qua 20 năm hoạt động, hơn 13.300 sinh viên, giảng viên Bách Khoa rải khắp 63 xã, thị trấn của tỉnh Bến Tre, làm mới hơn 12.000 mét đường, 158 cây cầu nông thôn, 151 ngôi nhà tình thương, 5 trường học và 2 nhà văn hóa… Tổng giá trị mà Mùa hè xanh mang lại cho tỉnh Bến Tre là hơn 179 tỷ đồng.
“20 Mùa hè xanh qua đi, các thế hệ sinh viên Bách Khoa lắm lem bụi bặm làm đường nông thôn đã trở thành hình ảnh đẹp trong lòng người dân Bến Tre. Thật vui sướng biết bao khi những chiếc cầu nối liền đôi bờ, những tuyến đường khang trang được đưa vào sử dụng, những ngôi nhà ấm áp được dựng lên để che mưa che nắng cho người nghèo. 20 năm với biết bao nghĩa tình mà sinh viên Mùa hè xanh Bách Khoa và người dân Bến Tre dành cho nhau” - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa chia sẻ.
Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, nói đầy cảm xúc: “Giá trị cốt lõi mà hoạt động Mùa hè xanh mang lại không chỉ ở các công trình xã hội của Trường ĐH Bách Khoa xây dựng cho tỉnh mà còn là tình cảm gắn bó giữa sinh viên tình nguyện và người dân nơi đây. Đối với chúng tôi, các em sinh viên như những người con trong gia đình. Nhiều thế hệ sinh viên tình nguyện dù đi đâu, làm gì thì những ngày lễ tết, hỷ sự hay đám giỗ, các em đều quay lại để thăm hỏi, sum họp, như người cật ruột đi xa về lại quê nhà”.
Ở góc độ đào tạo và quản lý giáo dục, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, đánh giá: “Một trong những tiêu chí xếp hạng của Tổ chức Giáo dục QS Anh quốc đối với các đại học trên thế giới là vấn đề phục vụ cộng đồng. Kết quả xếp hạng của ĐHQG-HCM mà tổ chức này công bố vừa qua, không thể thiếu những đóng góp từ hoạt động Mùa hè xanh của sinh viên ĐHQG-HCM mang lại. Trong đó, Trường ĐH Bách Khoa là một trong những đơn vị thành viên tiêu biểu của hoạt động Mùa hè xanh”.
Kết thúc buổi họp mặt, UBND tỉnh Bến Tre đã trao tặng bằng khen cho 15 tập thể và 10 cá nhân Trường ĐH Bách Khoa để ghi nhận những đóng góp thiết thực của các thế hệ giảng viên, sinh viên cho sự phát triển của địa phương.
Mùa hè xanh năm thứ 20
Theo anh Lê Đức Huy - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, hoạt động Mùa hè xanh năm 2019 của trường được triển khai tại Bến Tre trong một tháng, từ 29/6 - 28/7. Hơn 1.000 sinh viên, giảng viên trẻ sẽ đổ bê tông cho 10 tuyến đường giao thông với chiều dài 10.292 mét theo chuẩn nông thôn mới, xây 2 cây cầu, tặng 15.000 mét dây điện và 1.000 bóng đèn để thực hiện chương trình thắp sáng đường quê. Đồng thời, Trường ĐH Bách Khoa trao tặng 1 nhà tình nghĩa, 2 nhà tình bạn tại huyện Châu Thành và huyện Chợ Lách, lắp đặt 8 hệ thống lọc nước tại trường tiểu học của các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách.
“Với kiến thức từ giảng đường cùng trái tim tình nguyện vì cộng đồng, các kỹ sư tương lai của Bách Khoa đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, xứng đáng với 12 chữ vàng do Trung ương Đoàn trao tặng cho tuổi trẻ Bách Khoa: ‘Giỏi chuyên môn - Vững chính trị - Sáng tâm hồn - Khỏe thể chất” - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM cho biết.
Công trình “nặng ký” nhất của Mùa hè xanh năm nay nằm tại xã Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách). Đó là con đường dài hơn 1.500 mét, rộng 3,5 mét mà trường phải cử hai đội sinh viên tình nguyện cùng làm. Tranh thủ ngày nắng, chiến sĩ làm bù cho những lúc mưa. Các bạn phân chia nhiệm vụ rõ ràng. Người lo hút nước từ con mương, người phụ trách đong đá, người khiêng cát, người đứng máy trộn bê tông... Trông các bạn làm việc thành thạo, nhịp nhàng không thua gì những thợ làm đường chuyên nghiệp.
Đang xúc bê tông đổ vào máy trộn, Trần Anh Khoa - Sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, dừng tay cùng các bạn ra đón đoàn khách đến thăm. Khoa cho biết từ ngày đầu đến xã Vĩnh Hòa, các bạn đã được gia đình chú Phong và cô Linh tiếp đón nồng nhiệt. Công việc tuy vất vả và hơi áp lực hơn so với các bạn ở địa bàn khác, nhưng Khoa nói, tình cảm của cô chú dành cho đã khiến em và các bạn trân quý những ngày hè ở đây rất nhiều.
“Mỗi sáng thức dậy tụi em đều thấy cô Linh cặm cụi dưới bếp, làm đồ ăn cho tụi em. Và dù hết đứa này tới đứa khác năn nỉ cô đừng nấu mà để tụi em tự làm, hay có khi cả bọn giấu luôn ‘công thức’ nấu bữa sáng để mong cô không cất công nấu dùm, thì cô vẫn cứ dậy sớm và tận tụy với xoong nồi. Điều đó làm tụi em cảm động vô cùng” - Anh Khoa bộc bạch.
Anh Nguyễn Triết Văn - Bí thư Huyện đoàn huyện Chợ Lách, chia sẻ: “Cứ nhắc đến Mùa hè xanh thì người dân Chợ Lách lại nhớ về sinh viên tình nguyện Bách Khoa với tình cảm gắn bó, yêu thương nhất. Đó quả thật là những ngày hè ý nghĩa của tuổi trẻ, những con người nhiệt huyết, tình nguyện dấn thân, không ngại gian khổ”.
PHIÊN AN (Bản tin ĐHQG-HCM số 195)
Hãy là người bình luận đầu tiên