Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân - Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM trong tọa đàm ra mắt tập sách “Bùi Hiển người đánh thức lương tri” do Khoa Văn học tổ chức vào sáng 23/12.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, nhà văn Bùi Hiển đến với bà trong sự rộn ràng của đời sống văn chương miền Nam trước 1975, bên cạnh các nhà văn miền Bắc được giới thiệu sôi nổi trong thời kỳ này như Tố Hữu, Hồ Chí Minh…
“Bùi Hiển xuất thân từ Tây học, do đó, sáng tác của ông mang dấu ấn của văn chương Pháp và Nga, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn. Ông rất tính tế trong việc nắm bắt các chi tiết của cuộc sống một cách tự nhiên. Ở miền Nam, Bùi Hiển được đưa vào sách giáo khoa rất sớm với tác phẩm Nắng Mới. Dấu ấn của văn chương Bùi Hiển để lại trong tôi là hình ảnh ‘nụ cười nhẹ’ của ông. Đó là tiếng cười của một trí thức viết văn” - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân đánh giá.
Theo nhà nghiên cứu này, nhà văn Bùi Hiển có một đời viết văn suôn sẻ, liền mạch so với các nhà văn cùng thời của mình. Sáng tác của ông trong góc nhìn văn học sử không phân thành 3 giai đoạn trước 1945 - văn học sử thi - văn học đổi mới như các bạn văn khác.
“Bùi Hiển không có sự đứt gãy trong sáng tác của mình. Trong dòng chuyển động đầy khắc nghiệt của đất nước, ông vẫn giữ được ngòi bút trung thực của mình. Ông là người sống và viết, tự tại và hạnh phúc” - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận định.
PGS.TS Võ Văn Nhơn - Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho rằng sáng tác của Bùi Hiển chú trọng vào lối sống, phong tục của thôn quê Bắc bộ. Ông không đi vào các mối quan hệ xung đột giữa các giai tầng của miền quê như Nam Cao, Ngô Tất Tố. Đó là lối viết “văn tả chân” như đánh giá của Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà văn hiện đại (1942).
“Trong công trình Giáo trình văn học Việt Nam 1930-1945, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã xếp Bùi Hiển bên cạnh Nguyên Hồng, Nam Cao rồi đến Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp… là nhóm các nhà văn hiện thực phê phán. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của Bùi Hiển trên văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ. Bùi Hiển đã viết rất hay về những người dân chài ở quê hương Quỳnh Lưu, Nghệ An của ông” - PGS.TS Võ Văn Nhơn cho biết.
PGS.TS Võ Văn Nhơ cho biết thêm, tập truyện Ánh Mắt của Bùi Hiển từng được GS Hoàng Như Mai đề cập đầy trân trọng khi giảng bài cho sinh viên.
Nhà văn Bùi Hiển (1919-2009) là nhà văn nổi tiếng với tập truyện ngắn Nằm Vạ (1941) được ấn hành khi ông vừa 22 tuổi. Ông là hội viên sáng lập, tham gia ba khóa Ban chấp hành, từng làm ủy viên Thường vụ, Thường trực và chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều truyện ngắn của ông được đưa vào chương trình sách giáo khoa môn Văn như Ngày công đầu tiên của cu Tí, Chiều sương, Nắng mới…
Tập sách Bùi Hiển người đánh thức lương tri do gia đình ông thực hiện với 4 nội dung chính: Con đường văn chương và nhật ký, Ân tình bè bạn, Gia đình và Trong ký ức người thân. Trong đó, phần đầu của tập sách được tuyển chọn từ 70 tập nhật ký chép tay do Bùi Hiển ghi chép trong suốt thời gian từ năm 1946 đến những năm 2000.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên