Tại Tọa đàm “Pháp luật về xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và đề xuất cơ chế thí điểm cho ĐHQG-HCM” do ĐHQG-HCM tổ chức vào ngày 11/6/2024, các giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đầu ngành của ĐHQG-HCM đều thống nhất cho rằng ĐHQG-HCM cần được trao cơ chế đặc thù để thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.
Website ĐHQG-HCM xin trân trọng giới thiệu và lược trích các ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành tại ĐHQG-HCM về vấn đề này.
* GS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật: ĐHQG-HCM nên từng bước nâng chuẩn xét công nhận GS, PGS
Chia sẻ tại Tọa đàm, Giáo sư Cành cho rằng, trước mắt ĐHQG-HCM nên tiếp tục thực hiện việc xét công nhận theo quy định nhà nước (Quyết định số 37) và từng bước từng bước nâng chuẩn cao lên.
“Nếu ĐHQG-HCM được thí điểm cơ chế đặc thù về xét và công nhận chức danh GS, PGS, tôi cho rằng quy trình xét vẫn nên giữ 3 cấp như Quyết định số 37. Theo đó, cấp cao nhất là ĐHQG-HCM thay cho hội đồng nhà nước. Tiếp đến là hội đồng ngành. Hội đồng ngành không chỉ tập hợp các GS của ĐHQG-HCM, mà có thể mời thêm các GS bên ngoài. Còn hội đồng cơ sở sẽ thẩm định chuyên môn sơ bộ và thẩm định pháp lý, đánh giá con người tại chỗ. Ba cấp hội đồng này đều có chức năng riêng biệt”, Giáo sư cho biết.
* GS Phan Thị Tươi, Trường Đại học Bách khoa: đã đến lúc trao quyền nhiều hơn cho các đơn vị đào tạo
GS Phan Thị Tươi cho biết bà rất đồng tình với GS Cành nếu ĐHQG-HCM được trao cơ chế đặc thù thì tất cả quy trình xét và công nhận các chức danh GS, PGS phải tuân thủ theo Quyết định 37. Theo GS Tươi, trong quá trình làm ĐHQG-HCM phải hết sức cẩn trọng và phải bảo đảm rằng là người được công nhận ở ĐHQG-HCM họ phải tự hào là những GS, PGS của ĐHQG-HCM. Đối với hội đồng ngành, ngoài thành viên trong ĐHQG-HCM, GS Tươi cho rằng nên mời những thành viên ở ngoài. Họ sẽ rất độc lập và có tiếng nói khách quan trong hội đồng.
Giáo sư chia sẻ: “Tôi cho rằng trong quá trình làm ĐHQG-HCM phải hết sức cẩn trọng và phải bảo đảm rằng là người được công nhận ở ĐHQG-HCM họ phải tự hào là những GS, PGS của ĐHQG-HCM. Đối với hội đồng ngành, ngoài thành viên trong ĐHQG-HCM, tôi nghĩ nên mời những thành viên ở ngoài. Họ sẽ rất độc lập và có tiếng nói khách quan trong hội đồng”.
* GS Phan Bách Thắng, Trung tâm Inomar ĐHQG-HCM: ủng hộ việc ĐHQG-HCM thực hiện bổ nhiệm chức danh GS, PGS trong khối ĐHQG-HCM
GS Phan Bách Thắng cho biết ông rất ủng hộ việc ĐHQG-HCM thực hiện bổ nhiệm chức danh GS, PGS trong khối ĐHQG-HCM. Đối với tiêu chuẩn đánh giá ứng viên PGS, GS của ĐHQG-HCM, ông cho rằng việc đánh giá nên dựa vào Quyết định 37 và có thể đưa chuẩn cao hơn.
“Đối với các GS, PGS được ĐHQG-HCM công nhận, khi công tác đến một trường khác, các GS, PGS này cần định dạng mình là tiến sĩ. Còn khi bước vào hệ thống ĐHQG-HCM, họ mới mang danh là GS, PGS. Điều này sẽ giúp tránh trường hợp đi ra ngoài chúng ta cứ kê khai là PGS, GS nhưng thực ra chúng ta chỉ hợp lệ trong hệ thống của mình thôi” - GS Phan Bách Thắng bày tỏ.
* PGS.TS Lê Thanh Long, Trường Đại học Bách khoa: việc xét công nhận GS, PGS có thể áp dụng các tiêu chí cao hơn so với quy định nhà nước
Theo PGS.TS Lê Thanh Long, khi thí điểm cơ chế đặc thù về GS, PGS tại ĐHQG-HCM, các tiêu chí xét công nhận cần bám sát các tiêu chuẩn của Quyết định 37 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Với uy tín và quy mô của ĐHQG-HCM, việc xét công nhận GS, PGS có thể áp dụng các tiêu chí cao hơn so với Quyết định 37. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này cao hơn như thế nào để phù hợp, chúng ta cần phải áp sát chế độ của GS, PGS hiện nay năng lực như thế nào, môi trường làm việc có thuận lợi hay không” - PGS.TS Lê Thanh Long đề xuất.
* PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế: xét và công nhận chức danh GS, PGS là tuân theo xu hướng của thế giới
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo cho biết việc ĐHQG-HCM được xét và công nhận chức danh GS, PGS là tuân theo xu hướng của thế giới.
“Đối với các tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS, ĐHQG-HCM không nên đánh đồng các ngành, thay vào đó cần xét đến sự khác biệt giữa những ngành nghiên cứu của ĐHQG-HCM. Đồng thời ĐHQG-HCM cần làm rõ việc xét GS, PGS là chức danh hay vị trí việc làm. Một khi là vị trí việc làm, các trường sẽ có trách nhiệm hơn trong việc xét này. Họ là người trả lương, họ sẽ tự chủ và các trường thường phải chọn người phù hợp nhất để thu hút sinh viên cho mình và có lợi ích nhất cho nghiên cứu khoa học của mình. Nếu chúng ta đã tự chủ và giao cho các trường, tôi nghĩ có thể tin tưởng các trường” - PGS.TS Nguyễn Phương Thảo phân tích.
* PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Trường Đại học Công nghệ thông tin: việc xét duyệt nên theo nhu cầu của cơ sở đào tạo
Theo PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, đây là thời điểm thích hợp để ĐHQG-HCM xin một cơ chế riêng thí điểm cho mình xét và công nhận chức danh GS, PGS.
“Chúng ta cần phát triển chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, do đó cần đội ngũ GS, PGS dẫn dắt các ngành này nhưng với quy trình hiện nay chúng ta khó có thể phát triển được đội ngũ GS, PGS. Khi được trao cơ chế đặc thù, tôi nghĩ ĐHQG-HCM có thể tham khảo các quy trình xét duyệt như Mỹ, Nhật là đi từ dưới lên, tức tùy theo nhu cầu của cơ sở đào tạo về số lượng GS, PGS” - PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân cho biết.
Hãy là người bình luận đầu tiên