Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, tại tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo với Khoa học Xã hội và Nhân văn: Xu hướng và cách tiếp cận” do ĐHQG-HCM phối hợp Bộ KH&CN đồng tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1).
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, GS.TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc và hơn 200 nhà khoa học tham dự.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, các nghiên cứu KHXH&NV về việc ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cần quan tâm hai chủ đề lớn.
Đầu tiên là liên quan lĩnh vực đạo đức, pháp luật trong các nghiên cứu mới về AI. Ông Quân cho rằng bên cạnh việc tận dụng được thế mạnh của AI trong các nghiên cứu khoa học mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các tác động của AI đối với xã hội là điều hết sức cấp thiết.
Dẫn chứng về thách thức từ các ứng dụng của AI trong đời sống, ông Quân cho biết, hiện nay đối với hoạt động khám chữa bệnh, các ứng dụng của AI trong dự báo và chẩn đoán bệnh đã tốt hơn so với con người thực hiện. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các kết quả do AI đem lại sẽ chính xác hoàn toàn. Hay nghiên cứu ứng dụng xe tự hành, khi xảy ra tai nạn, các vấn đề pháp lý sẽ giải quyết như thế nào? Gần đây nhất là trong chiến tranh Ukraine, các thiết bị không người lái (drone) có khả năng hủy diệt, giết người, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
“Như vậy, chúng ta đều thấy rằng các ứng dụng của AI đã đặt ra các vấn đề thuộc về đạo đức lẫn pháp luật” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhận định.
PGS.TS Vũ Hải Quân cũng lưu ý, AI đã tạo ra nhiều nghề mới nhưng đồng thời khiến nhiều ngành nghề mất đi, con người mất việc. Do đó, ông Quân đề xuất một chủ đề khác đối với các nhà nghiên cứu KHXH&NV là nghiên cứu các chính sách tác động của AI đối với việc giải quyết việc làm, đời sống con người trong quá trình phát triển AI.
Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết thêm, ĐHQG-HCM là hệ thống đa ngành, đa lĩnh vực. Hệ thống đại học này đã có các nghiên cứu về AI, về thử nghiệm sản xuất công nghệp 4.0, luật, kinh tế lẫn các vấn đề KHXH&NV. Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM sẽ ưu tiên cấp ngân sách cho các đề tài liên ngành.
Tại tọa đàm, các cử tọa đã lắng nghe nhiều tham luận đặc sắc từ các chuyên gia của Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM như Vai trò của KHXH&NV, định hướng nghiên cứu và những vấn đề đặt ra liên quan đến AI (ông Lê Quang Thành Vụ trưởng Vụ KHXHNV và tự nhiên, Bộ KH&CN; Ứng dụng AI và tương tác thông minh trong bảo tồn văn hóa truyền thống (PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM); Chiến lược AI quốc gia đến năm 2030 và ứng dụng AI trong KHXH&NV (ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN); AI trong KHXH&NV: phạm vi ứng dụng, thách thức và phương hướng (TS Ninh Thị Kim Thoa, TS Đinh Lư Giang - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM).
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên