Đó là chia sẻ của TS Đào Lê Na - giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tại buổi giao lưu ra mắt sách Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q1), chiều 27/10.
TS Đào Lê Na cho biết: “Đối với tác phẩm điện ảnh được sản xuất dựa trên ý tưởng của các tác phẩm văn học, công chúng trước nay luôn có cách đánh giá chưa thật xác đáng. Khi xem xong một bộ phim, họ thường so sánh phiên bản điện ảnh với tác phẩm giống và khác nhau ra sao. Nếu tác phẩm điện ảnh thay đổi quá nhiều so với tác phẩm văn học, ê-kíp làm phim thường bị nhận lấy những lời chỉ trích nặng nề. Điều này thật không công bằng vì tác phẩm điện ảnh có đời sống riêng của nó. Từ kịch bản, diễn suất, cách dàn dựng… Và quan trọng hơn, ở tác phẩm điện ảnh cải biên chính là cách đọc, cách tiếp nhận tác phẩm văn học của đạo diễn. Công chúng cần nhận thấy đó như một trong nhiều cách tiếp nhận”.
Tác giả của Chân trời của hình ảnh cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu điện ảnh cải biên từ văn học không được công chúng đón nhận, đó là vì sự thất bại trong cách tiếp nhận của đạo diễn chứ không vì nó quá xa lạ với tác phẩm văn học. Sự thành công của điện ảnh cải biên quốc tế đã minh chứng cho điều này. Và những đánh giá về sự trung thành hay không của điện ảnh cải biên đối với tác phẩm văn học đều nằm ở định kiến và ngộ nhận bấy lâu của công chúng Việt”.
“Tôi sử dụng từ cải biên thay vì chuyển thể là do cách hiểu từ chuyển thể của cả giới phê bình lẫn công chúng Việt đều mang hàm nghĩa khi tác phẩm văn học được xây dựng thành điện ảnh, đó chỉ là sự thay đổi, chuyển biến về mặt thể loại, còn nội dung vẫn phải đảm bảo sự trung thành đối với tác phẩm văn học. Cách hiểu này đã không ghi nhận sự sáng tạo của đạo diễn. Từ cải biên sẽ giúp công chúng có cái nhìn xác đáng hơn khi mở ra chiều kích của sự sáng tạo và chấp nhận những thay đổi cần thiết của một tác phẩm điện ảnh” - TS Đào Lê Na diễn giải.
Nữ tác giả cho biết thêm, quyển sách này chính là luận án tiến sĩ của mình và việc sử dụng khái niệm “cải biên” đã khiến cô “rất nhiều lần đấu tranh với hội đồng bảo vệ luận án”.
Đánh giá về chuyên khảo điện ảnh này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Bằng một góc nhìn học thuật chuyên môn, đào sâu vào thể loại này - mà Đào Lê Na đã gọi lại tên ‘phim cải biên’ để sát với nghĩa hơn - cuốn sách Chân trời của hình ảnh còn độc đáo và thú vị khi phân tích dòng phim này qua các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Akira Kurosawa.
Với một kho tư liệu đồ sộ cùng nhiều góc nhìn mới lạ về rất nhiều tác phẩm điện ảnh của thế giới, trải dài từ quá khứ đến hiện tại, trải rộng từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á và cả đến Việt Nam, cuốn sách đem đến cho người đọc một cái nhìn vừa rộng, vừa sâu về hai đề tài được hoà quyện một cách gắn bó đặc biệt: phim cải biên và những tác phẩm của Akira Kurosawa”.
Tin, ảnh: PHAN YÊN
Hãy là người bình luận đầu tiên