Hội thảo

Cần đánh giá lại vai trò của họ Khúc trong lịch sử

  • 28/05/2022
  • Đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM phối hợp Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ và Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM tổ chức tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1 vào sáng 28/5.

    Chủ tọa đoàn hội thảo. Từ trái sang: PGS.TS Trần Thuận, PGS.TS Lưu Văn Quyết - Trưởng khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, Thiếu tướng, TS Bùi Văn Bình - Nguyên Viện trưởng Viện B35, Bộ Công An, GS.TS Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử TP.HCM, PGS.TS Đinh Quang Hải - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, TS Nguyễn Khánh Trung Kiên - Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam bộ.

    TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho biết hội thảo nhằm tiếp tục làm rõ những vấn đề liên quan công cuộc trung hưng đất nước trong tiến trình lịch sử của Việt Nam. Đó là mốc lịch sử kết thúc thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, quá trình khôi phục nền độc lập tự chủ, vị thế và tầm vóc của cuộc cải cách Khúc Hạo trong lịch sử Việt Nam…

    Theo PGS.TS Trần Thuận - Giảng viên cao cấp Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc trải qua ba đời với thời gian tồn tại ít nhất là 25 năm đã được nhiều công trình sử học trong và ngoài nước ghi nhận với các quan điểm đánh giá khác nhau. Tuy nhiên từ thập niên 1970, nhiều công trình thông sử, chuyên khảo đã khẳng định công lao của họ Khúc.

    Viện dẫn công trình Lịch sử Việt Nam của Ủy ban KHXH Việt Nam biên soạn năm 1971, PGS Trần Thuận cho biết tuy công trình này vẫn chọn sự kiện năm 938 là mốc kết thúc thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc nhưng các tác giả đã ghi nhận vai trò của họ Khúc trong việc khôi phục nền độc lập dân tộc.

    Đối với “tứ trụ” của giới sử học Việt Nam, PGS Thuận cho rằng các nhà nghiên cứu này đã có “những nhận định mang tính đúc kết với cái nhìn mới mẻ và cởi mở” khi xem xét, đánh giá công lao và sự nghiệp của họ Khúc. Như GS Phan Huy Lê trong Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận nhận định “sự thiết lập chính quyền tự chủ của họ Khúc đã kết thúc trên thực tế nền thống trị của phong kiến phương Bắc” và việc họ Khúc giữ chức Tiết độ sứ mang nhiều ý nghĩa về mặt đối ngoại vì cần hoà hoãn với nhà Đường và Nam Hán.

    Ông cũng dẫn chứng quan điểm của GS Hà Văn Tấn với nhận định “nền độc lập đã diễn ra sớm hơn với chính quyền họ Khúc”, khác với cách nhìn nhận phổ biến của giới sử học khi lấy sự kiến chiến thắng sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền làm mốc mở đầu kỷ nguyên độc lập. Quan điểm này đã được các học giả nước ngoài chia sẻ như TS Alexey Polyakov - ĐH Moskva, Liên Bang Nga hay nhà Việt Nam học người Nhật Yamamoto Tatasuro - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nhật - từ năm 1950 cho rằng họ Khúc đã giành được quyền độc lập tự chủ mới có thể đặt quan hệ ngoại giao có tính nhà nước với Trung Quốc (tức nhà Nam Hán).

    Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Thuận, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQG Hà Nội - khẳng định: “Không nên coi việc giành độc lập, chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc trong một năm và thông qua một trận đánh mà phải xem xét trong cả quá trình chuẩn bị”.

    GS Vũ Minh Giang cho rằng có 3 cột mốc quan trọng trong việc mở ra kỷ nguyên độc lập cho Việt Nam ở thế kỷ X. Đó là năm 905 ghi nhận việc chính quyền Bắc thuộc không còn thực thi những chính sách trực tiếp đến đất nước ta. Tiếp đến là năm 938 với sự kiện chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền. Đây là hệ quả của hơn 30 năm trước từ chính quyền họ Khúc. Chiến thắng này là một mốc khẳng định quá trình xây dựng nền độc lập, là sự tuyên bố bằng chiến thắng giành quyền độc lập. Đến năm 968, nhà nước Đại Cồ Việt hình thành, ta mới thực sự có độc lập trong nghĩa toàn vẹn của nó, về mặt đối nội và đối ngoại.

    Ông Giang cũng lưu ý, việc nhận chức Tiết độ sứ của họ Khúc không phải là sự hạn chế, trái lại nó cho thấy một nhãn quan chính trị hết sức nhạy bén.

    “Nếu tuyên bố xưng đế ngay sẽ thất bại như những khởi nghĩa trước đó. Do đó, chúng ta cần nhận thấy đây là tầm nhìn chính trị thể hiện nhãn quan sáng suốt của họ Khúc trong mối quan hệ với chính quyền phương Bắc đương thời” - GS Vũ Minh Giang nhận định.

    Hội thảo khoa học “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X” nhận được hơn 100 tham luận từ các nhà nghiên cứu trong cả nước, xoay quanh 3 chủ đề: đánh giá sự nghiệp trung hưng đất nước của họ Khúc; luận bàn hành trạng, công lao của Tam Khúc chúa và tư liệu về họ Khúc trong việc tổ chức dạy học môn lịch sử.

    PGS.TS Trần Thuận phát biểu đề dẫn hội thảo.
    GS.TSKH Vũ Minh Giang đưa ra nhiều nhận định độc đáo về vai trò của họ Khúc.

    PHIÊN AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên