Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại tọa đàm “Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và vai trò của ĐHQG-HCM trong thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG vào chiều 22/7.
Chưa xem nông nghiệp là lựa chọn ưu tiên
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất ở phía Nam, ĐHQG-HCM xác định vùng trọng tâm hợp tác liên kết và phục vụ là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là nhiệm vụ chiến lược quốc gia, gắn liền với sứ mệnh phát triển ĐBSCL của ĐHQG-HCM được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục.
Theo Giám đốc ĐHQG-HCM, từ khi tiếp nhận Trường ĐH An Giang đến nay, ĐHQG-HCM cùng trường đại học này đã thành lập Viện Biến đổi khí hậu nhằm nghiên cứu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Đồng thời, Trường ĐH An Giang còn gắn liền hai dự án quốc tế của ĐHQG-HCM là dự án “Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐHQG-HCM” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ hơn 9 triệu USD và dự án về giống cây trồng và thủy hải sản do chính phủ Úc tài trợ.
Tuy nhiên, một nghịch lý đặt ra là điểm chuẩn tuyển sinh các ngành nông nghiệp tại trường đại học này chỉ tầm 14-16 điểm. Trường ĐH An Giang cũng không có khu đất thực hành thí nghiệm về nông nghiệp.
“Tôi cho rằng một trong những thách thức lớn đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng bằng sông Cửu Long là các em học sinh chưa xem nông nghiệp là lựa chọn ưu tiên của mình. Chúng ta đang thiếu hụt một đội ngũ chuyên gia đủ tầm để nghiên cứu và phát triển nông nghiệp” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.
Chia sẻ quan điểm này, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết bản thân rất vui mừng vì trong định hướng triển khai Chỉ thị 10 của Thủ tướng, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cao. Nhưng nếu việc đào tạo này chỉ dừng lại ở các khóa bồi dưỡng thì không ổn thỏa.
“Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cần tiếp cận theo hai hướng kỹ thuật và quản lý. Mỗi hướng đào tạo này sẽ có cách thiết kế chương trình khác nhau, phù hợp với nhu cầu của đối tượng và đảm bảo bám sát thực tiễn hơn” - Ông Đinh Minh Hiệp nói.
Đào tạo phải theo chuẩn nghề nghiệp
PGS.TS Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM, cho rằng hiện nay quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT không có chế độ hỗ trợ cho việc đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp.
“Quy chế đào tạo sau đại học không cho phép việc mở lớp đào tạo ngoài cơ sở. Nếu nhân lực từ ĐBSCL lên thành phố học sẽ không đủ sức cạnh trạnh với các học viên tại đây. Trái lại, nếu xuống tận nơi để mở lớp đào tạo thì vi phạm quy chế. Chưa kể đến các em học sinh ĐBSCL lên thành phố học thường có xu hướng ở lại làm việc thay vì trở về quê nhà. Do đó, chúng ta chuyển giao khoa học công nghệ nhưng nhân lực không có để tiếp thu thì rất khó để phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - ông Quan phân tích.
Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, thống kê trong 3 năm gần nhất cho thấy lượng tuyển sinh ở các trường đại học có đào tạo ngành nông nghiệp đều giảm 35%.
Ông Thắng cho biết điều này có thể lý giải do cơ hội việc làm với mức lương khá ở các ngành này rất thấp. Sinh viên học xong không thể ra làm nông như cha mẹ mình. Đó là chưa kể đến sức hút của các ngành công nghệ, kinh tế.
“Chúng ta có đào tạo về nông nghiệp nhưng thiếu những chuyên gia đầu ngành. Hơn hết, việc xây dựng chương trình đào tạo cần phải theo chuẩn nghề nghiệp, tức các em có thể tổ chức sản xuất, tổ chức kinh doanh chứ không thể đào tạo xong để các em làm việc chân tay như người nông dân” - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết các ý kiến thảo luận tại tọa đàm sẽ được ĐHQG-HCM đúc kết thành văn bản báo cáo với chính phủ và các bộ ngành liên quan. Sau tọa đàm, ĐHQG-HCM sẽ đăng ký làm việc với Bộ NN&PTNN cùng Bộ GD&ĐT liên quan việc đào tạo và phát triển đội ngũ nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với Bộ KH&CN, ĐHQG-HCM tiếp tục đề xuất thực hiện chương trình về ĐBSCL. Với kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ chương trình Tây Nam bộ mà ĐHQG-HCM phụ trách trước đây, ông Quân tin rằng chương trình trong giai đoạn mới sẽ mang lại nhiều kết quả hứa hẹn.
PHIÊN AN - LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên